“6 điều hơn” sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Thứ Hai, 18/12/2023, 11:19

Sáng 18/12, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc ăn sáng làm việc với Hội đồng thúc đẩy Ngoại giao Nhân dân Nhật Bản (FEC) do ông Matsuzawa Ken làm Chủ tịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “6 điều hơn” sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Matsuzawa Ken, Chủ tịch Hội đồng thúc đẩy Ngoại giao Nhân dân Nhật Bản.

Hội đồng thúc đẩy Ngoại giao Nhân dân Nhật Bản trong những năm qua đã có nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản như: Cử các đoàn khảo sát kinh tế, giáo dục, văn hóa sang Việt Nam; tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại giữa hai nước; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam; tiếp xúc và giao lưu với các đoàn từ Việt Nam thăm Nhật Bản; tích cực hỗ trợ các hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Ông Matsuzawa Ken đã nhiều lần thăm Việt Nam, từng gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2009), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (2021).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “6 điều hơn” sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh FEC đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với Việt Nam, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả đối với sự phát triển quan hệ hai nước... 

Ông Matsuzawa Ken cho biết Hội đồng và nhân dân Nhật Bản rất vui mừng chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính; đánh giá cao vai trò mạnh mẽ của Việt Nam trong ASEAN và khu vực, thu hút sự chú ý của thế giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, đồng thời bạn bè thế giới cũng biết đến các hoạt động năng động, tích cực của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ông Matsuzawa Ken vui mừng nhận thấy thời gian qua quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển tích cực và tốt đẹp, hai nước chung tay, vui buồn có nhau, học hỏi lẫn nhau, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới. Ông tin tưởng rằng chuyến công tác của Thủ tướng sẽ hết sức thành công, tiếp tục thúc đẩy, đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “6 điều hơn” sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản -0
Ông Matsuzawa Ken cho biết Hội đồng và nhân dân Nhật Bản đánh giá cao vai trò mạnh mẽ của Việt Nam trong ASEAN và khu vực.

Ông đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ rằng điều quan trọng nhất là phải hành động, mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả. Các đại biểu tham gia cuộc gặp đều là các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam hoặc đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam và thời gian tới, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Hội đồng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động đầu tư, hợp tác, liên kết kinh tế với Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, các thành viên của Hội đồng, trong đó có nhiều công ty lớn, đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và các hoạt động tại Việt Nam, đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh, trình bày định hướng thời gian tới với quyết tâm tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam.

Đơn cử, Ngân hàng Mizuho coi Việt Nam là thị trường chiến lược quan trọng nhất tại Đông Nam Á và sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.

Tập đoàn sản xuất khóa kéo số 1 thế giới YKK cho biết cơ sở sản xuất tại Việt Nam là cơ sở quan trọng nhất của tập đoàn và do đó, từ tháng 4 năm nay, tập đoàn đã chuyển bộ phận sản xuất sang Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “6 điều hơn” sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản -0
Điểm lại những dấu mốc và thành quả lớn trong 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản với nhiều bước tiến vượt bậc, Thủ tướng cho rằng có "6 điều hơn".

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng được gặp lại ngài Chủ tịch Matsuzawa Ken; hoan nghênh FEC đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với Việt Nam, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả đối với sự phát triển quan hệ hai nước, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 11 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio đã cùng ra Tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á và trên thế giới", mở ra trang mới của quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và toàn diện với tầm nhìn 50 năm tiếp theo.

Điểm lại những dấu mốc và thành quả lớn trong 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản với nhiều bước tiến vượt bậc, Thủ tướng cho rằng có "6 điều hơn": Tình cảm sâu sắc hơn; sự chân thành được cảm nhận rõ hơn; tin cậy cao hơn; hiệu quả và thực chất hơn; hợp tác ngày càng mở rộng hơn về phạm vi, quy mô; ngày càng hiểu nhau và yêu quý nhau hơn.

Về số liệu cụ thể, Thủ tướng cho biết Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ hai, nhà đầu tư và đối tác du lịch thứ ba, đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam.

Đặc biệt, với trên 5.200 dự án và hơn 71,5 tỷ USD vốn đăng ký, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có mặt tại hầu hết các địa phương của Việt Nam, tham gia nhiều dự án mang tính chiến lược trong một số lĩnh vực trọng điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “6 điều hơn” sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản -0

Thời gian tới, Thủ tướng cho rằng hai bên cần tiếp tục giáo dục thế hệ trẻ hai nước không ngừng giữ gìn và phát huy tình hữu nghị là tài sản vô giá giữa hai dân tộc; phát huy những việc đã làm được, rút kinh nghiệm từ những việc chưa làm được; cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thành những chương trình, đề án, dự án cụ thể, từ đó mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được, củng cố sự chân thành, tình cảm, tin cậy, đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.

Thủ tướng đề nghị Hội đồng, nhân dân và các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện 3 đột phá chiến lược (xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng hiện đại, đồng bộ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao), cụ thể là kêu gọi nguồn vốn đầu tư nhiều hơn với ưu đãi tốt hơn, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao, đào tạo nhân lực, hợp tác lao động, nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiện đại, góp ý xây dựng thể chế, chính sách, quy định.

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tập trung ODA cho 5 lĩnh vực trọng tâm

Cũng trong sáng 18/12, tại Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko và các lãnh đạo của JICA.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “6 điều hơn” sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch JICA Tanaka Akihiko

JICA là cơ quan duy nhất thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản. Ông Tanaka Akihiko từng là Chủ tịch JICA trong giai đoạn từ tháng 4/2012 – 9/2015, là người có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, tích cực hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đề xuất, xây dựng dự án hợp tác đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của JICA cũng như cá nhân ngài Chủ tịch trong việc triển khai các dự án ODA tại Việt Nam thời gian qua; cho biết, Chính phủ và người dân Việt Nam rất quan tâm và luôn nỗ lực thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các khoản vốn vay ODA.

Sau 50 năm quan hệ ngoại giao, Nhật Bản là đối tác cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, tình cảm giữa hai dân tộc ngày càng sâu sắc hơn, góp phần giúp Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục…, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

JICA đã phối hợp với phía Việt Nam triển khai hiệu quả thủ tục về khoản vay ODA thế hệ mới 50 tỷ yen và các dự án ODA thời gian qua, đưa kim ngạch ODA giữa hai nước năm 2023 lần đầu tiên vượt 100 tỷ yen kể từ năm 2017.

Cho rằng hợp tác ODA là một nội dung quan trọng liên kết kinh tế giữa hai nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị JICA phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để cụ thể hóa quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á và trên thế giới" giữa Việt Nam và Nhật Bản bằng các chương trình, dự án cụ thể, với lộ trình cụ thể, hiệu quả hơn, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

Trong đó, phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc cung cấp ODA thế hệ mới ưu đãi hơn về lãi suất và thời gian, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn, tập trung cho các dự án mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái trong 5 lĩnh vực trọng tâm gồm: (1) Phát triển hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, bến cảng, sân bay, đường bộ cao tốc); (2) các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng mới, chíp bán dẫn; (3) đào tạo nhân lực, hợp tác lao động; (3) y tế và giáo dục; (5) bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “6 điều hơn” sau 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản -0
Thủ tướng đề nghị hai bên tổng kết, đánh giá hợp tác ODA thời gian qua và dự báo tình hình, đề ra phương hướng cho giai đoạn mới bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan liên quan tiếp tục làm việc với JICA để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, sớm hoàn thành các dự án đang triển khai và nghiên cứu, thực hiện các dự án mới. Thủ tướng đề nghị JICA phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các cơ quan phía Việt Nam, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có việc nghiên cứu triển khai đường sắt tốc độ cao, thiết lập trung tâm nghiên cứu và phát triển về ODA tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam…

Thủ tướng đề nghị hai bên tổng kết, đánh giá hợp tác ODA thời gian qua và dự báo tình hình, đề ra phương hướng cho giai đoạn mới bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn; phát huy những kết quả đã đạt được, cách làm hay, hiệu quả, rút kinh nghiệm từ những việc chưa làm được, nếu phát sinh vướng mắc trong quá trình làm thì tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, từng bước mở rộng, không cầu toàn, nóng vội.

Chủ tịch JICA Tanaka Akihiko vui mừng gặp lại Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhất là sau khi Việt Nam, Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á và trên thế giới".

Ông đánh giá cao việc ngay trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản lần này đã có thêm các thỏa thuận hợp tác ODA mới giữa hai nước được ký kết, trong đó có Công hàm trao đổi khoản vay lần 4 để thúc đẩy dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên.

Cho rằng trong những năm tới, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao hơn, Chủ tịch JICA khẳng định sẽ cố gắng hết sức, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản.

Nêu một số đề xuất kiến nghị liên quan tới các dự án cụ thể đang triển khai cũng như các quy định hiện hành, Chủ tịch JICA cho biết từ tháng 6 vừa qua, JICA đã bắt đầu thúc đẩy các dự án ODA thế hệ mới phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và sẽ tiếp tục tích cực làm việc với các cơ quan phía Việt Nam để triển khai các dự án hiệu quả hơn theo các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nhất là về 5 lĩnh vực trọng tâm hợp tác mà Thủ tướng đã chỉ ra.

Theo Báo Chính phủ
.
.
.