22 Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố
Trong 63 Chủ tịch HĐND có 22 nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng; 34 nhân sự là Phó Bí thư tỉnh, thành ủy; 7 nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy.
Sáng nay (21/2), tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (gồm 25 tỉnh, thành phố).
Hội nghị nhằm tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai nhiệm vụ và đưa ra các giải pháp hoạt động của HĐND năm 2022; đồng thời, tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND.
Sau hội nghị tổ chức tại Hà Nội này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức 2 hội nghị tiếp theo trong tháng 3/2022 đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại khu vực miền Trung (TP Đà Nẵng vào ngày 7/3/2022) và khu vực miền Nam (TP. Hồ Chí Minh vào ngày 21/3/2022).
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngay sau khi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, các tỉnh thành đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Chỉ có duy nhất HĐND tỉnh Bình Thuận phải lùi thời gian tổ chức kỳ họp thứ nhất do dịch bệnh.
Lãnh đạo Quốc hội và một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến dự kỳ họp, chỉ đạo, gợi mở nhiều vấn đề để HĐND có thể phát huy những lợi thế của địa phương, khắc phục những hạn chế, bảo đảm cùng với cả nước thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, với phương châm tính mạng của người dân là trên hết, "không để ai bị bỏ lại phía sau". Vì vậy, tại kỳ họp này, nhiều địa phương ngoài việc xem xét các nội dung về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ còn xem xét, quyết định một số giải pháp phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Phương thức tổ chức kỳ họp cũng thích ứng, linh hoạt với điều kiện mới, nhiều địa phương đã làm việc khẩn trương, làm việc ngoài giờ để rút ngắn thời gian nhưng chất lượng được bảo đảm, hiệu quả được nâng lên.
Kết quả cho thấy, HĐND cấp tỉnh của cả nước đã bầu được 177 nhân sự giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND (gồm 63 Chủ tịch, 114 Phó Chủ tịch); thành lập 227 Ban.
Cụ thể, trong 63 Chủ tịch HĐND có 22 nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy gồm Chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.
34 Chủ tịch HĐND là Phó Bí thư tỉnh, thành ủy (gồm 2 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng ở các tỉnh, thành: Bình Thuận, Đà Nẵng); 7 nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, trong đó có 1 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng là Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk; 9 Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách và 54 người hoạt động kiêm nhiệm.
Trong số 114 Phó Chủ tịch HĐND, có 56 người là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, 58 người là Tỉnh ủy viên; tất cả đều là Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách.
Bà Thanh cũng cho biết, hiện nay còn 3 tỉnh thiếu 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách (gồm các tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tiền Giang).
HĐND cấp tỉnh đã thành lập 227 Ban, trong đó có 25 tỉnh thành lập 3 Ban; 38 tỉnh, thành phố thành lập 4 Ban (trong đó, 33 tỉnh có Ban Dân tộc, 5 thành phố có Ban Đô thị) theo đúng quy định của pháp luật.