10 tháng xử lý 2.000 lái xe sử dụng ma tuý, đại biểu đề nghị quản lý người lái sau sát hạch
Dẫn số liệu đáng báo động về tình trạng lái xe bị xử lý do sử dụng ma tuý, hay nhiều trường hợp lái xe không đủ sức khoẻ, tâm thần, nghiện ma tuý, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Nam đề nghị quan tâm công tác quản lý người lái xe sau sát hạch, bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe (GPLX)...
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ ngày 10/11, đa số ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án luật nhằm thể chế hoá quan điểm của Đảng trong lĩnh vực này, cũng như những lý do mà Tờ trình của Chính phủ nêu.
Công tác đào tạo, sát hạch còn buông lỏng, dễ dãi
Theo ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình), các thành tố chính để bảo đảm TTATGT gồm: cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông, người tham gia giao thông và hệ thống pháp luật quy định cho công tác bảo đảm TTATGT. Trong đó, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất ATGT.
Dẫn số liệu cả nước hiện có khoảng 57,1 triệu giấy phép lái xe (GPLX), khoảng 340 cơ sở đào tạo lái xe và 137 Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, đại biểu cho rằng, thực tiễn nổi nhiều lên tồn tại, hạn chế lớn, như: chương trình đào tạo chưa phù hợp, sát thực tế; việc giáo dục đạo đức văn hoá người lái xe còn bị coi nhẹ; qua điều tra của lực lượng Công an về sai phạm của các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, có hàng chục nghìn trường hợp học viên không học lý thuyết; nhiều cơ sở đào tạo cắt giảm thời gian học thực hành kỹ năng lái xe; việc tổ chức sát hạch còn hình thức, dễ dãi...
"Đặc biệt, công tác quản lý người lái xe sau sát hạch vẫn bị bỏ ngỏ. Một số người hành nghề lái xe chuyên nghiệp được cơ quan nhà nước, doanh nghiệp quản lý, còn lại đều thả nổi. Đã xuất hiện nhiều trường hợp lái xe không đủ sức khoẻ, tâm thần, nghiện ma tuý. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã xử lý hơn 2.000 người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng ma túy", ông nêu số liệu đáng báo động.
Cùng với đó, hàng năm, lực lượng CSGT xử lý khoảng 5 triệu trường hợp vi phạm và hiện nay đang giữ hàng trăm nghìn GPLX, nhưng không có người đến nhận, cho thấy cơ chế quản lý, cấp đổi, cấp lại GPLX chưa chặt chẽ. Đại biểu đề nghị phải quan tâm vấn đề này, trong đó nội dung Luật TTATGT đường bộ đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp phép đến quản lý, sử dụng GPLX.
"Liên quan đến sinh mạng con người, phải có cơ quan chịu trách nhiệm", đại biểu nhấn mạnh và đề nghị cần chú trọng các biện pháp quản lý người lái xe sau sát hạch, cũng như bổ sung quy định về tính điểm GPLX.
Đồng quan điểm, ĐBQH Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều bất cập từ công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. "Ở đâu đó còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, có nơi, có lúc công tác đào tạo còn buông lỏng, dễ dãi, sơ hở, dẫn đến nhiều học viên hoàn thành chương trình nhưng không được đào tạo đầy đủ theo quy định. Sau khi cấp GPLX thì không có biện pháp quản lý người lái xe...", ông khẳng định việc quản lý người lái xe rất quan trọng và đề nghị phải được thể hiện rõ trong Luật TTATGT đường bộ.
Về giải pháp, Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ quy định quản lý người lái xe, chú trọng biện pháp quản lý sau sát hạch, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý này; có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, trao đổi thông tin giữa cơ quan xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ và cơ quan quản lý giấy phép lái xe, với cơ quan y tế trong kiểm soát sức khoẻ người lái xe...
Có trường hợp vi phạm tốc độ hơn 300 lần/tháng nhưng không bị xử lý
ĐBQH Nguyễn Tiến Nam nêu quan điểm, xe kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách là chủ thể đặc biệt trong TTATGT, vì khi xảy ra TNGT thì hậu quả là khôn lường. "Đơn cử như vụ TNGT tại Động Phong Nha, Quảng Bình năm 2020 làm 15 người thiệt mạng; gần đây, TNGT ở Đồng Nai làm chết 4 người, ở Lạng Sơn chết 5 người...", ông dẫn chứng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hơn 70% vi phạm chủ yếu do tốc độ và giải pháp là phải bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là dữ liệu giám sát hành trình chưa được sử dụng hiệu quả để kịp thời ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm do không kết nối liên thông, chia cắt giữa cơ quan quản lý dữ liệu và lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT. Nhiều nhà xe trong thời gian ngắn vi phạm rất nhiều lần, có trường hợp vi phạm tốc độ hơn 300 lần/tháng nhưng không bị xử lý...
"Do đó, chúng tôi thống nhất cao việc quy định các phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc đình chỉ ngay các hành vi nguy hiểm đến an toàn, tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông", đại biểu nhấn mạnh.
Ông cũng đồng tình với yêu cầu phải đổi mới, hiện đại hóa lực lượng CSGT để ứng dụng khoa học công nghệ vào giám sát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông cũng như điều tra, giải quyết các vụ TNGT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT trên các tuyến giao thông.
Luật hoá đấu giá biển số xe để tăng thu ngân sách
Về đấu giá biển số xe, ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, qua theo dõi, việc triển khai đấu giá trực tuyến trong thời gian qua đã diễn ra suôn sẻ và được dư luận quần chúng nhân dân rất đồng tình, hưởng ứng tham gia. Theo thông tin từ Bộ Công an, sau 30 ngày đấu giá đã đưa ra đấu giá gần 9 nghìn biển số xe ô tô, tổng giá trị đấu giá gần 600 tỷ đồng, số tiền này theo Nghị quyết 73 được nộp hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
"Như vậy, nếu chúng ta duy trì tốt chủ trương này sẽ góp phần tăng thu cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tôi đề nghị Quốc hội giao cơ quan soạn thảo Luật TTATGT đường bộ nghiên cứu bổ sung quy định về đấu giá biển số xe vào luật và có thể triển khai đấu giá với tất cả các loại biển số xe", ông đề nghị.
ĐBQH Lê Nhật Thành cũng thống nhất nhận định, việc đấu giá biển số xe thời gian qua bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần tăng thu NSNN, bước đầu có hiệu quả, đáng được nhân rộng. Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào luật để có thể triển khai đấu giá nhiều loại biển số xe khác thời gian tới.
Liên quan các thiết bị bay không người lái, đại biểu đề cập thực tế thời gian vừa qua xu hướng hoạt động nhiều, mà nếu bay vào tầm thấp hoặc có sự cố ở khu đô thị, nơi đông người thì sẽ gây hiểm hoạ về ATGT. "Đề nghị luật này nghiên cứu để quy định việc cấm thiết bị bay không người lái hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền đảm bảo TTATGT đồng ý", đại biểu nêu.
- Luật phải phục vụ được nhân dân, bảo đảm lợi ích cao nhất của người dân
- Mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân tham gia giao thông
- Sốc với thủ đoạn “nuốt” trên 50 tỷ đồng của một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe
- Lại tái diễn nhiều vi phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe