Tạo chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ Hai, 25/04/2022, 14:59

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm khi thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021, tại Phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 25/4.

Tiết kiệm vốn Nhà nước hơn 72.000 tỷ đồng

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, năm 2021, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật THTK, CLP; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KTXH); góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh COVID-19.

Báo cáo thẳng, nêu rõ địa chỉ, tạo chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -0
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương 2,58%;  kinh tế vĩ mô ổn định, 7/12 chỉ tiêu KTXH chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) được bảo đảm, thu NSNN đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp THTK, CLP, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021...

Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN, năm 2021 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng số chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán, trong đó NSNN đã quyết định chi 74.000 tỷ đồng để phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2021 là 72.068 tỷ đồng, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí ngân sách.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) cho rằng, mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN và Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ  ngày 1/7/2020, nhưng nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, buôn bán hóa đơn diễn biến phức tạp.

Báo cáo thẳng, nêu rõ địa chỉ, tạo chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -0
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả... gây lãng phí NSNN.

"Còn xảy ra vi phạm các quy định về THTK,CLP liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong Nhân dân", Phó Chủ nhiệm UBTCNS Phạm Thúy Chinh nêu rõ.

Báo cáo cũng chỉ ra hạn chế: Thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu "nóng"; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp "lách luật" phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong Nhân dân...

Tập trung lĩnh vực thất thoát, lãng phí nhiều

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trong đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, tránh lợi dụng chính sách để trục lợi. Qua đó đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong lâu dài, đi vào nề nếp, tránh thất thoát, lãng phí và không mất cán bộ.

Báo cáo thẳng, nêu rõ địa chỉ, tạo chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần xác định lĩnh vực, địa bàn gây thất thoát, lãng phí nhiều nhất để tập trung thực hiện. "Ví dụ lĩnh vực xây dựng cơ bản thất thoát lớn nhất. Qua vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi gây thất thoát, lãng phí rất lớn, phải xử lý hình sự nhiều cán bộ. Phải chăng, năm 2022 chúng ta đi sâu kiểm tra thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhất là các công trình giao thông trọng điểm?", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần tổng kết, đánh giá rõ hơn những nguyên nhân khách quan dẫn đến bất cập, hạn chế, khó khăn, đề xuất giải pháp hiệu quả nâng cao công tác  THTK, CLP. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật; tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện. 

Cho ý kiến vào báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị UBTCNS chủ trì, phối hợp các cơ quan thay đổi lại cách viết, tập trung vào một số điểm nổi bật, nêu rõ kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, bộ ngành, địa phương nào làm chưa tốt để tạo chuyển biến trong thời gian tới.

Báo cáo thẳng, nêu rõ địa chỉ, tạo chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí -0
Toàn cảnh phiên họp.

Chẳng hạn, về ngân sách, năm 2021 Việt Nam gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh, lúc đầu dự kiến hụt thu rất lớn, nhưng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo, một mặt phòng, chống dịch, mặt nữa thực hiện nhiệm vụ "kép", vừa phòng, chống dịch vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển KTXH, đến nay ước thu ngân sách vượt 6,7% so với dự kiến. Rồi con số tiết kiệm chi hơn 70.000 tỷ đồng; công tác tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy; cải cách thủ tục hành chính... báo cáo cần thuyết minh, giải trình cụ thể hơn.

Về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội đánh giá còn phân tán, dàn trải, chậm tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia..., nhấn mạnh đây là "căn bệnh trầm kha" mà báo cáo cần nói thẳng, chỉ rõ, cương quyết bày tỏ thái độ. Kể cả việc cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị công lập không có tiến triển; mua sắm tài sản công thì điển hình nhất là vụ Việt Á, sai phạm của CDC các tỉnh...

"Báo cáo tóm tắt cần nêu thẳng ra những việc tốt, việc nổi bật so với những năm trước, cũng là để động viên những bộ ngành, địa phương làm tốt, đồng thời xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong lĩnh vực này. Đề nghị báo cáo phải nêu rõ địa chỉ, không có ngại gì cả. Phải đổi mới cách làm mới có tác dụng được, những năm sau mới có sự chuyển biến trong THTK, CLP", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả thanh tra việc mua sắm kit xét nghiệm trong tháng 5/2022

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, cho biết, liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, trong đó có giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch. Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cũng như hướng dẫn các bộ ngành, địa phương tiến hành thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. "Sơ bộ bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, kit test, sinh phẩm phòng chống dịch COVID -19. Kết quả chính thức sẽ báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2022", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin.

Quỳnh Vinh
.
.
.