Quy hoạch nhà ở xã hội không ở quá xa, dân cư thưa thớt, không thuận lợi về giao thông

Thứ Sáu, 28/06/2024, 12:25

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có 9 điểm mới, trong đó có 3 điểm mới nổi bật.

Sáng 28/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là nhà ở xã hội được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo Luật Nhà ở.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có 9 điểm mới, trong đó có 3 điểm mới nổi bật gồm: định vị rõ vị trí quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch hiện hành; tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong công tác quy hoạch…

Cần thêm quy định, cơ chế cho nhà ở xã hội

Về các loại hình điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng cần có thêm những quy định, cơ chế đối với trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, nông thôn để thực hiện dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) đề xuất “tại Điều 46 cần bổ sung nội dung đối với nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo quy định của pháp luật về nhà ở để đảm bảo thực hiện dự án và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, xây dựng lại chung cư, tái định cư tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động”.

nguyen-thi-ngoc-xuan.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu tại phiên họp.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, cần quy hoạch để nhà ở xã hội không ở những nơi quá xa, dân cư thưa thớt, không thuận lợi về giao thông. Bởi thực tế đã có không ít khu tái định cư, nhà ở xã hội không có người ở.

“Nhà ở xã hội phải tính đến cả yếu tố thuận tiện cho việc đi làm và đi học của con cái. Nếu ở quá xa nơi người ta mưu sinh, chỉ nói đến tiền xăng cũng không đủ tiền. Chúng ta đừng nghĩ nhà ở xã hội chỉ cần nhà ở là xong mà cần phải tính toán đến nhiều yếu tố khác nhau như hạ tầng giao thông phải như thế nào, hạ tầng cơ sở dân sinh thì như thế nào…bởi vì nhu cầu của người ta không chỉ có một chỗ ở mà là cần một chỗ ở ổn định, thuận tiện cho sinh hoạt cuộc sống” – đại biểu nêu quan điểm.

Phân cấp đến cấp nào được lập quy hoạch?

Nói về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 16 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định tại khoản 6, khoản 9 về cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan thẩm định phải độc lập, song trên thực tế việc này rất khó thực thi. Vì vậy, đại biểu khuyến nghị, do đặc thù của quy hoạch kiến trúc nên không nhất thiết phải quy định cơ quan thẩm định và tổ chức lập quy hoạch phải độc lập.

trúc anh.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh phát biểu tại phiên họp.

Để tránh chồng chéo cũng như nâng cao khả năng quản lý và lập quy hoạch của địa phương, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cân nhắc chỉ phân cấp cho cấp huyện lập các cấp độ quy hoạch cho toàn bộ phạm vi địa giới hành chính cấp huyện, bao gồm: quy hoạch đô thị theo phân loại đô thị và quy hoạch nông thôn theo quy hoạch xã. Vì ở cấp xã còn khó khăn về nguồn nhân lực, trình độ, năng lực nên rất khó triển khai thực hiện.

an chung.jpg -0
Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu tại phiên họp.

Cũng đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong xây dựng và quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ khi địa phương thực hiện điều chỉnh cục bộ có cần thiết phải xin ý kiến Bộ Xây dựng hay không? Biện pháp nào được quy định để bảo đảm quy hoạch đã được địa phương phê duyệt không bị điều chỉnh tùy tiện, phá vỡ quy hoạch dẫn đến chất lượng môi trường sống, làm việc tại đô thị và nông thôn bị suy giảm?  

Phương Thuỷ
.
.
.