Không vì Tết mà nể nang xử phạt vi phạm giao thông
Sáng 6/1, Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2022 và Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2021, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2022.
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh- Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các Bộ Ban ngành, lãnh đạo 63 tỉnh trực thuộc Trung ương.
Không để người dân nào không về ăn Tết do thiếu phương tiện
Mở đầu Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, đến thời điểm này 3 tiêu chí về ATGT trong năm 2021 đã giảm tương đối lớn so với 2020. Đây là cố gắng của cả hệ thống chính trị và quốc gia, các tỉnh thành, các lực lượng quốc gia.
Tuy nhiên, nguyên nhân khách quan, năm 2021 chúng ta có một giai đoạn giãn cách xã hội với thời gian dài. Mức độ tham gia giao thông trong tất cả các tỉnh thành đều giãn, nên cũng đóng góp vào việc hạn chế vụ TNGT trên đường trong năm 2021. Sau khi nghe báo các của các tỉnh thành, chúng ta cần nhìn nhận đánh giá chung của cả nước, cần phân tích sâu hơn nguyên nhân, đề xuất kiến nghị giải pháp với năm 2022. Dù còn nhiều khó khăn do dịch diễn biến phức tạp nhưng chúng ta đã quay trở lại tình hình bình thường mới, nên hoạt động giao thông vận tải sẽ tăng nhịp độ. Nên công tác đảm bảo ATGT phải triển khai và chú trọng, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán.
Trước đó, vào sáng sớm ngày 6/1, tham dự và phát biểu tại lễ ra quân Năm ATGT 2022 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh cho biết, năm 2022, dự báo tình hình dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những biến chủng mới, Phó Thủ tướng cho rằng, điều này đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải có chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để nhanh chóng phục hồi và từng bước phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.
"Chúng ta đồng thời phải thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tương ứng với nhịp độ phát triển kinh tế, sự gia tăng nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện, đồng thời phải đảm bảo phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong giao thông vận tải và trong quá trình thực thi nhiệm vụ bảo đảm ATGT", Phó Thủ tướng nói. Uỷ ban ATGT Quốc gia đã xây dựng kế hoạch Năm ATGT 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Mục tiêu là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Cũng theo Phó Thủ tướng, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu đi lại của nhân dân sẽ tăng cao, tình hình giao thông sẽ diễn biến phức tạp. Để bảo đảm ATGT cho nhân dân đón Tết cổ truyền, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Công điện số 1725 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022. Trong đó, cần thực hiện chỉnh trang, hoàn thiện, bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông gắn với tổ chức tốt công tác vận tải hàng hoá, hành khách, bảo đảm ATGT, an toàn phòng dịch; không để bất kỳ người dân nào không về ăn Tết với gia đình do thiếu phương tiện vận tải. Tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết, kiên trì xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện. Đây là hai nguyên nhân chính gây TNGT và làm tăng tỷ lệ thương vong trong các dịp lễ, Tết; không vì Tết mà nể nang, xuê xoa.
"Các lực lượng cần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao thông và lực lượng thực thi nhiệm vụ", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
55/63 điạ phương có số người chết vì TNGT giảm
Báo cáo chung về tình hình ATGT năm 2021, đồng chí Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia thông tin, năm qua toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với 12 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm 3.496 vụ (-23,32%), số người chết giảm 1.068 người (-15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (-28,16%). Có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có An Giang và Sơn La giảm trên 40% số người chết do TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn 4 tỉnh có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020, 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là: Kiên Giang và Thái Bình. Về Ùn tắc giao thông: theo báo cáo của Cục CSGT, trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 124 vụ ùn, tắc giao thông kéo dài trên các quốc lộ. Xảy ra 44 vụ, làm 9 đồng chí bị thương, lực lượng CSGT đã trực tiếp, phối hợp bắt giữ 45 đối tượng. Trong đó, riêng tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 (có sự tham gia của lực lượng CSGT) xảy ra 7 vụ. Đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, phát hiện 537 vụ, bắt giữ 3.681 đối tượng có hành vi điều khiển xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, có dấu hiệu đua xe trái phép gây rối trật tự công cộng; tạm giữ 3.110 phương tiện. Trong đó, đã khởi tố 11 vụ, 75 đối tượng. Về điều tra, xét xử các vụ án liên quan TNGT: khởi tố 4.353 vụ, với 4.323 bị can (truy tố 2.559 vụ, với 2.669 bị can; xét xử 2.435 vụ, với 2.516 bị cáo).
Tính từ 15/12/2020 đến 14/12/2021, CSGT cả nước đã xử lý trên 2,8 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa, phạt tiền gần 3000 tỷ đồng, tước hơn 248.000 giấy phép lái xe , bằng, chứng chỉ chuyên môn tạm giữ hơn 460.000 phương tiện các loại. So với năm 2020, xử lý giảm gần 800.000 trường hợp, tiền phạt giảm hơn 478 tỷ đồng. Thanh tra Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện gần 70.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính trên 49.000 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt trên 226 tỷ đồng; tạm giữ 317 ô tô; đình chỉ hoạt động 123 bến, 54 phương tiện thủy nội địa; giám sát 614 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 445 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Cùng đó, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng CSGT nắm chắc tình hình diễn biến của dịch để phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa thực hiện “mục tiêu kép”. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khi sử dụng phương tiện đưa, đón cán bộ, chiến sỹ và trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Bộ Công an, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và cơ quan chức năng địa phương tiếp tục thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 14/12/2021: lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 90.000 trường hợp (3,18%) chở quá tải trọng hàng hóa...