Vì sao nhà sáng lập Telegram bị bắt?

Thứ Ba, 03/09/2024, 08:53

Vụ việc Pháp bắt giữ, buộc tội ông Pavel Durov, nhà sáng lập mạng nhắn tin Telegram đang gây ra không ít tác động đối với truyền thông xã hội, kể cả quan hệ ngoại giao giữa Pháp với một số quốc gia.

Ông Pavel Durov bị cơ quan chức năng Pháp bắt giữ hôm 24/8 tại sân bay Bourget, ngoại ô Paris ngay sau khi rời máy bay. Ngày 28/8, ông bị cơ quan tư pháp Pháp buộc tội vì cho phép hoạt động tội phạm trên ứng dụng nhắn tin này nhưng đã thoát án tù nhờ số tiền bảo lãnh 5 triệu euro.

Năm nay 39 tuổi, Durov là một trong những tỉ phú tài năng nhất của Nga, với tài sản ước tính khoảng 15,5 tỉ USD. Ông sinh ra và lớn lên ở Nga, trở thành tỉ phú, nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram trước khi rời đất nước.

1_pavel durov.jpg -0
Pavel Durov, nhà sáng lập nền tảng Telegram.

Năm 2006, khi mới 22 tuổi, Durov đã trở nên nổi tiếng ở Nga sau khi thành lập mạng xã hội VKontakte (VK), đáp ứng nhu cầu của người dùng nói tiếng Nga. Năm 2013, Durov cùng anh trai Nikolai sáng lập ứng dụng Telegram. Durov rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của Điện Kremlin về việc đóng cửa các nhóm đối lập trên mạng xã hội VK.

Ban đầu, Telegram tương tự như các ứng dụng nhắn tin khác, nhưng sau đó đã tách ra để trở thành một mạng xã hội theo đúng nghĩa của nó. Ngoài việc giao tiếp một đối một, người dùng có thể tham gia các nhóm lên tới 200.000 người và tạo các kênh phát sóng mà những người khác có thể theo dõi và để lại bình luận. Với 950 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, Telegram đã trở thành nguồn thông tin chính và cả thông tin sai lệch về cuộc chiến Nga-Ukraine.

Durov sống tại Dubai, nơi Telegram đặt trụ sở, có quốc tịch Pháp, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ông từng cố gắng định cư tại Berlin, London, Singapore và San Francisco trước khi chọn Dubai, vì cho rằng nơi đây có môi trường kinh doanh tốt và “tính trung lập cao”. Tại UAE, Telegram không phải chịu nhiều áp lực trong việc kiểm duyệt nội dung, trong khi các chính phủ phương Tây đang cố gắng trấn áp các nội dung kích động thù địch, thông tin sai lệch, chia sẻ hình ảnh lạm dụng trẻ em và các nội dung bất hợp pháp khác.

Tuy nhiên, Telegram từ lâu đã bị các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới theo dõi chặt chẽ do bị cáo buộc đã để cho các tổ chức khủng bố, buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí và các nhóm cực hữu sử dụng để liên lạc, tuyển dụng và phối hợp. Trong khi Telegram được các nhà hoạt động đối lập ở Nga, Hong Kong (Trung Quốc) và Iran ưa chuộng thì nó cũng trở thành thiên đường cho những kẻ cực đoan, tội phạm, những người theo thuyết âm mưu và cả những người tuyên truyền ủng hộ Điện Kremlin. Tại Litva, cảnh sát đã thành lập các đơn vị đặc biệt để giám sát Telegram và các nền tảng khác nhằm ngăn chặn nạn buôn bán ma túy, trong khi cảnh sát Hà Lan nói rằng họ nhận được rất ít sự hợp tác từ nền tảng này sau khi các nhà báo của NOS phát hiện 2,5 triệu tin nhắn chào mời ma túy trên Telegram vào năm 2023.

Nga từng cấm Telegram vào năm 2018, nhưng đã dỡ bỏ mọi hạn chế đối với nền tảng này sau khi chính quyền Nga tuyên bố rằng Durov sẵn sàng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Mặc dù Durov đôi khi tự nhận mình là người Nga lưu vong, nhưng các thông tin bị rò rỉ trên báo chí cho thấy ông đã về thăm đất nước hơn 50 lần trong khoảng thời gian 2015-2021, dẫn đến những đồn đoán mới về mối liên hệ của ông với Điện Kremlin.

Các quan chức Nga đã đóng khung vụ bắt giữ Durov là có động cơ chính trị. Tổng thống Pháp Macron phủ nhận tuyên bố này. Người ta cũng đặt ra câu hỏi về thời điểm và hoàn cảnh giam giữ Durov, đặc biệt là liệu ông có biết Paris đã ban hành lệnh bắt giữ mình hay không.

Tờ Le Monde đưa tin rằng Durov đã gặp ông Macron nhiều lần trước khi nhận quốc tịch Pháp vào năm 2021 thông qua một thủ tục đặc biệt dành riêng cho những người được coi là có đóng góp đặc biệt cho Pháp. Theo tờ Wall Street Journal, Tổng thống Macron đã đề xuất vào năm 2018 rằng Durov nên chuyển trụ sở chính của Telegram đến Paris, tuy nhiên sau đó Durov được cho là đã từ chối lời đề nghị và trở thành mục tiêu săn đuổi của Paris.

Việc bắt giữ Durov cũng làm tăng rủi ro cho Liên minh châu Âu (EU), nơi đã thông qua luật tham vọng nhất thế giới để giám sát internet, đặc biệt là Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA). Có hiệu lực vào tháng 11/2022, DSA nhắm vào các nền tảng trực tuyến lớn, đưa ra yêu cầu các công ty internet xóa nội dung bất hợp pháp, bảo vệ trẻ em, giải quyết thông tin sai lệch và các tác hại trực tuyến khác. EC đã giữ khoảng cách với cuộc điều tra của Pháp đối với Durov. “Đây hoàn toàn là một cuộc điều tra hình sự ở cấp quốc gia, do chính quyền Pháp thực hiện... dựa trên luật hình sự của Pháp. Nó không liên quan gì đến DSA”, một phát ngôn viên cho biết.

Hiện, số phận của Durov và tương lai của nền tảng Telegram đang bị “đặt vấn đề”. Các nhà phân tích tin rằng vụ bắt giữ có thể cản trở nỗ lực gây quỹ trong tương lai của Telegram và làm suy yếu sự ổn định tài chính của công ty. Ngoài ra, còn có những lo ngại ngày càng tăng về khả năng duy trì các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cốt lõi của Telegram, đặc biệt là sau khi các phương tiện truyền thông Pháp đưa tin rằng các cơ quan thực thi pháp luật đang cố gắng truy cập vào cơ sở dữ liệu trò chuyện riêng tư của Telegram.

Telegram xử lý tới 80% tổng lưu lượng tin nhắn của Nga vào đầu năm 2023, vì vậy nếu nền tảng này sụp đổ có thể có tác động sâu rộng đến xã hội Nga. Đặc biệt quan tâm đến vụ bắt giữ Durov là quân đội Nga, cùng với một nhóm các blogger và phóng viên ủng hộ chiến tranh đã trở nên nổi tiếng khi đưa tin về cuộc xung đột trên Telegram.

Trong một diễn biến khác, chính quyền UAE đã lên tiếng phản đối Pháp vì vụ bắt giữ tỉ phú Durov, do ông này cũng mang quốc tịch UAE.

An Châu (Tổng hợp)

.
.