COP29 hướng tới nguồn cung năng lượng bền vững
2024 đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong bức tranh năng lượng thế giới, nhiều nguồn năng lượng kém bền vững dần mất vị thế nhường chỗ cho các nguồn năng lượng tái tạo. Một trong những sự kiện tô hồng cho bức tranh ấy chính là hàng loạt quốc gia giàu có ký cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than nếu không có biện pháp kiểm soát khí thải tại COP29 vừa rồi.
Hành động thiết thực cho tương lai
Ngày 20/11, tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra ở Baku (Azerbaijan), 25 quốc gia đã cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than nếu không có biện pháp kiểm soát khí thải, như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức và Australia nằm trong số các nền kinh tế phát triển ký cam kết tự nguyện này.
Song song với đó, vào tháng 10 vừa rồi, Ratcliffe-on-Soar - nhà máy điện than cuối cùng của nước Anh đã chính thức đóng cửa. Sự kiện này đánh dấu việc nước Anh chễm chệ trên vị trí đầu bảng trong quá trình chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch tại Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Nhằm nắm chặt vị trí này, gần đây, nước Anh cũng đã tuyên bố chính phủ sẽ sớm có biện pháp mạnh tay với những bộ luật mới nhằm hạn chế tối đa việc mở những mỏ than mới trong tương lai.
Tuy vậy vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều về bản cam kết tại COP29. Họ cho rằng tuy bản cam kết yêu cầu các nước không xây dựng thêm nhà máy điện than nhưng lại không yêu cầu các quốc gia phải ngừng khai thác hoặc xuất khẩu than. Phải chăng đây là động thái vừa cấm, vừa ngầm cổ vũ điện than - nguồn nhiên liệu đang tạo ra khí thải carbon làm nóng hành tinh nhiều hơn cả dầu khí và là yếu tố chính gây ra biến đổi khí hậu?
Ông Wopke Hoekstra - đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), cũng tỏ ra nghi hoặc về sự kiện không xây dựng nhà máy điện than tại COP năm nay, dù cho chính tay ông đã ký vào bản cam kết. Ông Hoekstra cho rằng: “Cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cần được cụ thể hóa thành những hành động thực tế”. Bởi lẽ, dù đã có cam kết lịch sử việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất năng lượng tại COP năm ngoái nhưng cho đến nay điện than vẫn đang được phát triển mạnh mẽ, chưa hề có dấu hiệu suy yếu.
Ngoài ra, các quốc gia xếp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất điện than như: Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ tỏ ra khá thờ ơ với “lời kêu gọi hành động” được đưa ra tại COP29. Cả 3 nước đã quyết định không ký vào bản cam kết nêu trên khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng khai tử loại nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm hàng đầu này.
Phao cứu sinh của các nước nghèo trước “bão” biến đổi khí hậu
Cũng tại COP29 vừa rồi, các quốc gia giàu có đã được kêu gọi cam kết tài trợ lên tới 900 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu. Đây được coi là hành động thiết thực để kéo gần khoảng cách chuyển đổi xanh giữa các quốc gia. Vì các nước nghèo, các nước đang phát triển cần dồn nguồn lực của mình vào những mục tiêu cấp thiết hơn là chuyển đổi năng lượng xanh.
Một số quốc gia đang phát triển thậm chí đã yêu cầu khoản tài trợ lên đến 1.300 tỷ USD/năm, không nên bao gồm các khoản vay, sự đóng góp từ khu vực tư nhân mà cần giữ nguyên ý nghĩa và tính thực tế của nó. Tuy nhiên, tại COP29, sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng giữa 200 quốc gia, các nước đã đi đến thống nhất với mục tiêu tăng gấp 3 lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035.
Bà Tina Stege, phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall, thẳng thắn cho rằng những nhóm lợi ích liên quan đến nhiên liệu hóa thạch "đã quyết tâm ngăn chặn tiến trình và làm suy yếu các mục tiêu đa phương mà chúng tôi đang nỗ lực xây dựng". Bà cũng cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ chỉ nhận được một phần nhỏ trong số tiền tài trợ mà các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu đang rất cần. Số tiền này không đủ, nhưng đây là một khởi đầu".
Ông Antonio Guterres - Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm tương tự. Dù cho bản thân, ông cũng không mấy lạc quan trong thỏa thuận tài chính khí hậu đã đạt được tại COP29 lần này, nó chưa tiến đủ xa so với kỳ vọng cá nhân. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc vẫn khá hào hứng, tích cực kêu gọi các quốc gia coi đây là "nền tảng" để tiếp tục xây dựng.
Thông điệp cuối cùng
Mặc dù khi nhìn vào truyền thông, nhiều người không khỏi an tâm khi mọi người đã và đang có ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế cho thấy những hành động của con người vẫn còn đang quá chậm so với tốc độ của biến đổi khí hậu. Theo Cơ quan Giám sát khí hậu châu Âu Copernicus, nắng nóng bất thường trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 khiến 2024 trở thành năm nắng nóng nhất lịch sử. Theo dữ liệu của Copernicus, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2024 đã vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - "lằn ranh đỏ" trong việc bảo vệ mẹ thiên nhiên. Xu hướng tăng nhiệt khủng khiếp này còn được dự báo này sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Trong bối cảnh nhiều bất lợi từ biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị leo thang khiến quá trình chuyển đổi xanh bị chậm lại, cũng như thái độ thờ ơ của các quốc gia lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ khiến việc đảm bảo an ninh năng lượng và giảm khí thải đang trở thành mục tiêu tối quan trọng của toàn nhân loại.
Ngoài sự hợp tác tích cực từ các quốc gia trong cam kết chống biến đổi khí hậu, bản thân mỗi nước cũng cần có những hành động thiết thực trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách riêng. Nổi bật có thể kể đến như: hoàn thiện các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào công nghệ khai thác năng lượng sạch, phát triển xe điện, đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế, chuyển đổi xanh,... Đây sẽ là nền tảng tiên quyết để chúng ta cùng nhau hướng tới một tương lai phát triển bền vững.