Căng thẳng ngoại giao Ấn Độ - Canada
Những cáo buộc mới nhất của Canada nhằm vào Ấn Độ đang làm trầm trọng thêm quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước, làm giảm khả năng hòa giải trong tương lai gần và làm tăng nguy cơ hạn chế dịch vụ lãnh sự, gián đoạn đi lại đối với nhân viên Ấn Độ và biểu tình của các nhóm hoạt động, mặc dù thương mại song phương có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Trả đũa ngoại giao
Ngày 14/10, Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã cáo buộc các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự Ấn Độ tại Canada lợi dụng chức vụ chính thức của họ để tiến hành các hoạt động bí mật trên lãnh thổ Canada. RCMP cũng cáo buộc Ấn Độ can thiệp vào các tiến trình dân chủ, dù không cung cấp thông tin cụ thể.
Giữa những cáo buộc này, cùng ngày, Chính phủ Canada tuyên bố 6 nhà ngoại giao và viên chức lãnh sự Ấn Độ - bao gồm Cao ủy Sanjay Verma, nhà ngoại giao hàng đầu của nước này ở Canada - chính thức bị trục xuất. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly tuyên bố quyết định trục xuất là kết quả của việc Ấn Độ từ chối quyền miễn trừ ngoại giao và lãnh sự, không hợp tác với cuộc điều tra của Canada.
Vài giờ trước khi RCMP đưa ra tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố rằng Canada đã xác định Cao ủy Ấn Độ và các nhà ngoại giao khác là các “đối tượng cần quan tâm” liên quan đến cuộc điều tra đang diễn ra xoay quanh vụ sát hại một công dân Canada người Sikh. Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó bác bỏ cáo buộc của RCMP, cho rằng chúng là một phần trong “chương trình nghị sự chính trị” của Thủ tướng Justin Trudeau.
Đáp lại, Ấn Độ tuyên bố sẽ triệu hồi nhà ngoại giao hàng đầu của mình tại Ottawa và những người khác có liên quan, với tuyên bố rằng “bầu không khí cực đoan và bạo lực” ở Canada đe dọa đến sự an toàn của họ. Ấn Độ cũng cáo buộc Chính phủ Canada tạo điều kiện cho “những kẻ cực đoan và khủng bố” bạo lực quấy rối và hăm dọa các nhà ngoại giao và nhà lãnh đạo cộng đồng Ấn Độ tại Canada. Cuối ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo 6 nhà ngoại giao Canada tại Ấn Độ, bao gồm cả Cao ủy Stewart Ross Wheeler, đã bị yêu cầu rời đi trước ngày 19/10.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang sau khi một nhà lãnh đạo người Sikh nổi bật của Canada, Hardeep Singh Nijjar, bị sát hại tại British Colombia vào tháng 6/2023. Đến tháng 9 năm đó, Thủ tướng Trudeau tuyên bố rằng ông có trong tay “những cáo buộc đáng tin cậy” khẳng định mối liên hệ giữa vụ việc này với Chính phủ Ấn Độ. New Delhi đã mạnh mẽ bác bỏ lời buộc tội này, cáo buộc Ottawa kích động cộng đồng người Sikh đông đảo của Canada vì lý do chính trị và hợp tác với phe ly khai người Sikh ủng hộ ông Trudeau và đảng Tự do Canada.
Trong loạt động thái trả đũa, hai nước đã trục xuất các nhà ngoại giao của nhau, với việc Canada trục xuất quan chức tình báo hàng đầu của Ấn Độ và Ấn Độ trục xuất người đồng cấp Canada. Ngoài ra, Ấn Độ đã đình chỉ việc cấp thị thực mới cho người Canada, mặc dù sau đó đã nối lại dịch vụ thị thực vào cuối tháng 10/2023. Vào thời điểm đó, cáo buộc của Canada được Mỹ hưởng ứng khi vào tháng 11/2023, Mỹ cáo buộc các điệp viên Ấn Độ tìm cách ám sát một nhà lãnh đạo ly khai người Sikh khác là Gurpatwant Singh Pannun tại New York vào năm 2023, dẫn đến việc Mỹ truy tố một công dân Ấn Độ bị cáo buộc hành động theo lệnh của một quan chức Chính phủ Ấn Độ giấu tên.
Ảnh hưởng đến giao thương
Canada là nơi cư trú của cộng đồng người Sikh lớn nhất bên ngoài Ấn Độ, chiếm khoảng 2% dân số Canada. Ấn Độ khẳng định một số thành viên cộng đồng người Sikh ở Canada đang tích cực tham gia phong trào Khalistan - một phong trào ly khai ủng hộ nhà nước Sikh độc lập ở Ấn Độ. Ấn Độ cũng chỉ trích việc Canada cho phép tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ Khalistan và cáo buộc Chính phủ Canada hỗ trợ phong trào này. Tuy nhiên, Ottawa cho biết họ chỉ đang bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình chính trị.
Tranh chấp ngày càng tăng giữa Canada và Ấn Độ làm tăng nguy cơ các dịch vụ lãnh sự và các cuộc biểu tình bị hạn chế ở cả hai nước. Việc trục xuất các nhà ngoại giao làm tăng khả năng các dịch vụ lãnh sự ở cả Ấn Độ và Canada bị cắt giảm, cản trở việc đi lại của lao động Ấn Độ và làm gián đoạn kế hoạch đi lại của các doanh nghiệp. Những sự gián đoạn này cũng sẽ tác động đến cộng đồng sinh viên Ấn Độ đông đảo ở Canada thông qua việc cản trở họ tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và sự hỗ trợ liên quan đến thị thực. Ấn Độ trước đó từng đình chỉ việc cấp thị thực mới cho công dân Canada và vì thế có thể lặp lại hành động này, mặc dù cho đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy điều này sẽ xảy ra.
Mặc dù những gián đoạn lớn về kinh tế vẫn khó có thể xảy ra vì căng thẳng chính trị cho đến nay chỉ tác động tối thiểu đến thương mại song phương, nhưng Canada dường như đang mở rộng cửa cho các biện pháp trừng phạt trong những cáo buộc gần đây. Ngày 14/10, Ngoại trưởng Canada Melanie Joy dường như đã làm tăng khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt khi cảnh báo rằng mọi việc đang được xem xét.
Một thực tế là trong các tranh chấp chính trị vừa qua, Ấn Độ và Canada đều tránh đặt ra các quy định hạn chế dòng chảy hàng hóa dịch vụ và nhiều khả năng sẽ không phá vỡ xu hướng này. Trên thực tế, bất chấp căng thẳng song phương, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ từ Canada trong giai đoạn từ tháng 9/2023 đến năm 2024 vẫn tăng 4,6 tỷ USD. Thêm vào đó, bất kỳ hành động đáp trả tiềm tàng nào của Canada trong lĩnh vực kinh tế đều sẽ chỉ ảnh hưởng hạn hẹp đến Ấn Độ, vốn không phụ thuộc nhiều vào thương mại với Canada và có thể tìm được các nhà cung cấp thay thế nếu họ mất đi quyền tiếp cận hàng hóa nhập khẩu từ Canada. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Canada bao gồm đá quý, trang sức, dược phẩm, vải vóc và máy móc, trong khi các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Canada sang Ấn Độ bao gồm các loại đậu, gỗ, bột gỗ, giấy và các sản phẩm khai thác mỏ.