Vẳng nghe tiếng còi tàu trên núi

Thứ Sáu, 27/12/2024, 09:12

Đến với Đà Lạt, ngoài việc đắm chìm giữa cảnh sắc thiên nhiên và không khí se lạnh của núi rừng, lữ khách còn có dịp trải nghiệm hình thức du lịch bằng đường sắt trên núi, thong thả ngắm những đồi thông, vườn tược đủ sắc màu chầm chậm trôi về phía sau con tàu mang phong cách cổ điển, từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát.

1. Bản thân ga Đà Lạt đã là một công trình kiến trúc độc đáo. Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, kết hợp giữa kiến trúc nhà rông Tây Nguyên với kiến trúc phương Tây, với điểm nhấn là ba hình chóp mái lấy ý tưởng từ ba đỉnh Lang Bian, là nhà ga đẹp nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Giữa ánh nắng ban ngày, nhà ga nổi bật với đỉnh chóp màu vàng đậm trên mái ngói đỏ rêu phong màu thời gian. Đêm đến, lại rực rỡ ánh đèn viền quanh đỉnh mái.

Vẳng nghe tiếng còi tàu trên núi -0
Các nghệ sĩ biểu diễn bên con tàu hơi nước cổ.

Đến nay, tòa kiến trúc vẫn giữ nguyên dáng vẻ thuở ban đầu, gợi không gian hoài niệm với những hàng chữ màu vàng trên nền đỏ, “CAO THI GIO TAU” – Cáo thị giờ gàu, “CAO THI SO HOA-XA” – Cáo thị sở hỏa xa, “PHONG KHACH HANG BA” – Phòng khách hạng ba, “VE HANH LY” – Vé hành lý... Bên trong sân ga, trưng bày chiếc đầu máy hơi nước cổ mang số hiệu 131-428 cùng những toa tàu gỗ một thời, nằm im lìm trên đoạn ray răng cưa còn sót lại.

Tuyến đường này, vốn không chỉ một đoạn ngắn 7km nối hai ga như hiện nay, mà từng là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo dài 84km, với 43km vượt đèo từ ga Krongpha đến ga Đà Lạt, nối xứ sương mù với miền nắng gió Phan Rang. Tuyến đường sắt Đà Lạt - Tour Cham (Tháp Chàm) là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa chạy bằng đầu máy hơi nước hiếm hoi của thế giới, bên cạnh tuyến leo đèo Furka, thuộc cung đường Jungfraujoch ở vùng núi Alps, Thụy Sĩ, nhưng Đà Lạt - Tour Cham hơn hẳn về chiều dài lẫn độ dốc, xứng tầm là tuyến đường sắt huyền thoại không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.

Khi Đà Lạt được chọn làm trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đông Dương thì vấn đề cấp thiết đặt ra là xây dựng đường giao thông kết nối các vùng đồng bằng với xứ cao nguyên, cả đường bộ lẫn đường sắt.

Nhiều trở ngại ngay trong quá trình khảo sát. Địa hình hiểm trở, sơn lam chướng khí gây ra bệnh tật, cướp đi sinh mạng nhiều người trong đoàn. Cộng thêm nguồn ngân sách khổng lồ, 200 triệu franc, đã vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều quan chức Pháp.

Mặc cho những thách thức, tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm vẫn được khởi công bằng sự quyết tâm sắt đá của chính quyền thuộc địa. Bắt đầu xây dựng từ vùng đồng bằng, đến năm 1932, vươn tới ga cuối cùng của xứ cao nguyên, sau gần 30 năm xây dựng, vượt 2 ngọn đèo hiểm trở, trong đó đoạn răng cưa Sông Pha-Eo Gió thi công trong 5 năm ròng rã, dài 9km vượt đèo Ngoạn Mục, độ dốc 12%, cheo leo giữa vực sâu và rừng thẳm, là đoạn nguy hiểm và tốn nhiều nhân mạng nhất. Vì tàu leo núi nên đường sắt được thiết kế đặc biệt gồm 3 ray, ray giữa là loại răng cưa 2 lưỡi, đầu máy lắp thêm bánh răng, khớp vào đường ray răng cưa, khóa hệ thống bánh răng, hệ thống hãm trục để tàu bám vào ray, leo và xuống dốc an toàn.

Để phục vụ việc xây dựng đường tàu, hàng chục ngàn dân phu miền Trung được huy động cùng với đồng bào dân tộc bản địa làm việc trong điều kiện cực nhọc. Trong quyển “Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp”, tác giả Eric T. Jennings viết: “Trên những con đường dẫn đến Lang Bian, lũ lượt những gia đình nhập cư người Việt đói khát, kiệt sức và bỏ mạng vì những đồng lương khốn khổ, dưới những điều kiện tệ hại cùng cực… Cơ man những tù nhân, những dân tộc thiểu số cao nguyên bị trưng dụng cưỡng bức, những người Churu, Chăm và nhiều người thiểu số khác bị huy động bằng vũ lực cho việc khuân vác oằn lưng”.

Biết bao sinh mạng đã nằm xuống giữa chốn rừng thiêng nước độc, cho tiếng còi tàu vang vọng giữa đại ngàn.

Từ khi đưa vào hoạt động, khách đến Đà Lạt dập dìu, bởi đi từ Tháp Chàm lên Đà Lạt chỉ mất từ ba đến ba tiếng rưỡi. Không chỉ tiện dụng, tuyến hỏa xa mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ. Ngồi trong toa tàu ngắm cảnh sắc thay đổi bên ngoài, từ những dãy núi trơ trọi, những đồi cát bỏng ran dưới ánh nắng gay gắt của miền biển xanh cát trắng, bỗng chốc chuyển thành những đồi thông réo rắt, cảm nhận sự mát mẻ thư thái của vùng đất cao nguyên với đủ sắc màu của hoa, của rau xanh mướt, thấp thoáng vài biệt thự xa xa. Đoàn tàu như con rồng sắt len lỏi giữa núi rừng u tịch, đầu máy nhả từng ngụm khói vào không gian đẫm sương, tựa khung cảnh trời Âu giữa miền cao nguyên xinh đẹp.

Những nơi mà tuyến đường sắt đi qua trở nên sầm uất, mở ra công ăn việc làm cho nhiều người trong ngành hỏa xa cùng dịch vụ bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa đến và đi từ tàu, một số người dân sống quanh ga đem nông sản bán cho du khách. Tuyến hỏa xa còn để lại những công trình kiến trúc độc đáo, ngoài ga Đà Lạt còn có ga Dran, Cầu Đất, Trạm Bò cùng hàng trăm biệt thự Pháp rải rác xung quanh.

2. Tuyến đường nhộn nhịp một thời, góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng cho đô thị Đà Lạt, nay chỉ còn lại những dấu tích hoang phế. Quá trình khai tử diễn ra trong nhiều giai đoạn, do chiến tranh, cũng bởi con người. Năm 1969 dừng hoạt động do mất an toàn, 3 năm sau thì dừng hẳn. Đến lúc giải phóng, chuyến tàu được khôi phục, dù không thể về tới ga cuối do cầu Tân Mỹ bị hư hại, tàu vẫn lăn bánh gần 70km từ ga Đà Lạt. Nhưng sự hồi sinh ấy kéo dài không được bao lâu. Nhận thấy tuyến đường không có hiệu quả kinh tế, ngành đường sắt quyết định ngừng chạy tàu, tháo tà vẹt để tu sửa đường sắt Thống Nhất đoạn Bình Định - Quảng Nam.

Vẳng nghe tiếng còi tàu trên núi -0
Chuyến tàu du lịch từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát.

Đoạn từ ga Trại Mát về Tháp Chàm bị gỡ toàn bộ tà vẹt mặc cho nỗ lực cứu vãn của những người tâm huyết. Những thanh ray và cả những đoạn răng cưa được hóa giá đưa về các nhà máy nông trường tận dụng làm công trình, số còn lại bị người dân tháo gỡ đưa vào bãi phế liệu. Nhà ga, hầm xuyên núi bị bỏ hoang, cả cung đường phơi sương dãi gió. 

Thời điểm này, tuyến đường sắt răng cưa leo đèo Furka dài 25km cũng ngưng sử dụng, vì không còn đầu máy. Với chiến dịch “Back to Switzerland” đưa những đầu máy hơi nước trên thế giới về Thụy Sĩ, 4 chiếc còn tốt được họ mua lại để khôi phục tuyến đường sắt đẹp và hiểm trở với công nghệ răng cưa và đầu máy hơi nước cổ điển. Những toa xe được giữ nguyên dòng chữ Việt chạy ở trời Âu và trên thành đầu máy, người Thụy Sĩ không quên đính kèm tấm bảng ghi chú về mốc thời gian nó từng chạy trên tuyến đường Đà Lạt - Phan Rang.

Một năm sau khi những đầu máy cổ rời nơi nó từng hoạt động, đoạn đường sắt dài 7km còn sót lại từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát được mở trở lại để phục vụ du lịch. Là chuyến tàu du lịch, lữ khách không còn nhìn thấy cảnh hành lý trĩu trịt, người người đưa tiễn khi tiếng còi vang vọng trên sân ga. Thay vào đó tiếng nhạc du dương từ nhóm nghệ sĩ chơi đàn trong hương cà phê nồng đượm, tiếng du khách nói cười rộn rã. Tôi đã nhiều lần ngồi trên chuyến tàu này, thả hồn theo tiếng chuyển động xình xịch, tiếng còi rúc lên lảnh lót, để tìm cho mình chút không gian hoài cổ, mặc cho những náo nhiệt xung quanh.

Trong năm nay, đoạn đường có thêm chuyến đêm. Tôi cũng có mặt dịp khai trương với chương trình “Đà Lạt đêm say” do một công ty lữ hành thiết kế cho du khách ngắm thành phố lên đèn, cùng những trải nghiệm đậm không khí xứ sương mù, vừa thưởng thức âm nhạc trên toa tàu cổ vừa ngắm quang cảnh lướt đi bên ngoài khi ánh nắng lóe lên những tia cuối cùng. Tàu đến ga Trại Mát, tôi cùng nhiều du khách đi dạo Xóm Lèo, nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Đà Lạt, nhìn toàn cảnh thung lũng đèn nở rộ và thưởng thức đặc sản địa phương giữa khí trời se lạnh của phố núi. Chuyến tàu cũ với những con người mới, phong cách mới trong nỗ lực đưa nó đến gần hơn những người yêu Đà Lạt.

Tình cờ tôi biết đến một tour đặc biệt, lần theo dấu xưa trekking tuyến đường sắt răng cưa theo hướng từ Tháp Chàm lên Đà Lạt, ngắm cầu Tân Mỹ chỉ còn trơ bộ khung rỉ sét bị dây leo phủ kín, nhìn những mố cầu cao hàng chục mét sừng sững ở thung lũng Ninh Sơn, đi qua hầm xuyên núi làm bằng đá chẻ nằm im lìm giữa núi rừng, ngồi trong những nhà ga đậm kiến trúc Pháp cổ, nào là Eo Gió (Bellevue), Cà Bơ (Kbeu), Trạm Hành (Arbre Broyé) từng vô cùng nhộn nhịp, nay bị mưa nắng tàn phai. Tour tham quan phế tích lại thu hút khá đông du khách.

Hai năm trở lại đây, dự án khôi phục tuyến hỏa xa được bàn đến nhiều, với nguồn kinh phí lớn hơn cả con số người Pháp từng bỏ ra, thắp lên hy vọng cho những người nặng lòng với con đường xưa và cho ngành du lịch Đà Lạt, Ninh Thuận. Mong một ngày không xa, tôi được ngồi trên con tàu nối xứ biển và hoa, ngắm cung đèo Ngoạn Mục, đèo Dran qua tiếng rít của bánh răng móc vào thiết lộ, tiếng gầm gừ nặng nhọc của cỗ máy leo đèo, thấy bên ngoài chợt sáng chợt tối khi tàu xuyên qua núi.

Hoàng Ngọc Thanh
.
.
.