Trở lại Yang Tao

Chủ Nhật, 28/07/2024, 08:16

Trở lại Yang Tao lần này, tôi muốn tìm lại Mí Kim (H Lưm Uông) người phụ nữ đã tặng tôi chiếc ấm trà nhỏ bằng gốm trong một lần tình cờ gặp gỡ 10 năm trước. Mùi của khói rơm, của đất và nước quện vào là phong vị của gốm người M'nông Rlăm ở xứ sở này, khiến tôi cứ khắc khoải mãi…

Hồn gốm Dơng Bắk

10 năm sau gặp lại, tôi ngỡ ngàng khi biết Mí Kim giờ đã là nghệ nhân làng gốm Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) với khả năng nói tiếng Kinh lưu loát. Trở thành nghệ nhân có tiếng ở Yang Tao, nhưng căn nhà sàn của bà vẫn như xưa, nó đã rệu rã với thời gian, cột kèo đã xiêu vẹo trước giông gió. Thứ quý nhất còn lại chính là những sản phẩm từ gốm, do chính tay bà làm. Đôi tay ấy, như một phù thủy nhào nặn, chế tác. Từ một miếng đất ven bãi bồi con sông Krông Ana được bà lấy về rồi biến hóa nó thành những đồ gốm tinh xảo và đẹp mắt, mang hồn cốt và tâm tình của người làm ra nó. 

Trở lại Yang Tao -1
Nghệ nhân Mí Kim giới thiệu với phóng viên về quá trình làm gốm truyền thống.

Trước khi nói về gốm, Mí Kim đã kể về đất và nước với lòng biết ơn vô tận dành cho mẹ thiên nhiên. Bà kể, vùng Yang Tao ở cuối nguồn con sông Mẹ, cách gọi thân thương về sông Krông Ana nằm ở phía Đông Bắc, trước khi hợp lưu cùng sông Cha - sông Krông Nô để đổ về dòng Sêrêpốk hùng vĩ ngược lên phía Tây. Những bãi bồi ven sông luôn trù phú, cây trái tốt tươi và đặc biệt, nằm sâu trong lòng nó là các vỉa đất sét dẻo mịn. Mí Kim không nhớ từ bao giờ, chỉ biết ngày bé đã được đi lấy đất cùng cha để về làm gốm.

Thuở ấy, đồng bào M'nông ở Yang Tao làm ra những chiếc chum chóe, nồi niêu để phục vụ  sinh hoạt đời thường và lao động sản xuất. Khi Mí Kim 18 tuổi đã thấy buôn làng mình sôi động với nhịp chày giã đất. Nghề làm gốm rất hưng thịnh, ai cũng biết làm, sản phẩm làm ra được các dân tộc Ê Đê, Jrai ở nơi khác rất chuộng. Đồ gốm được làm nhiều nhất là chén, bát, ấm, ché chum, nồi chảo rồi mang đến các buôn khác để trao đổi lấy gạo, lúa, gà, heo...Những nghệ nhân giỏi họ còn làm các con vật như trâu bò, hổ, voi để trưng trong nhà hoặc mang đi biểu diễn trong các lễ hội buôn làng.

"Suốt hành trình cần mẫn, nhọc nhằn của mình, đất đã đem lại cuộc sống tươi vui đầm ấm cho các buôn làng. Chúng tôi quý đất như xương thịt của chính mình", Mí Kim bộc bạch.

Dải đất mà Mí Kim kể, không phải nơi nào cũng có, đó là loại đất đặc biệt để làm gốm sứ. Theo hướng chỉ tay của bà, đất này nằm ở dưới chân núi Chư Yang Sin, một phần tiếp giáp với cánh đồng Lắk, phần còn lại nối liền hồ Lắk mênh mông. Đi lấy đất phải chọn những ngày nắng ráo thì đất mới khô và dẻo. Mỗi lần lấy chỉ vừa đủ dùng, tuyệt đối không lấy thừa. Sau khi mang đất về nhà, người thợ gốm phải loại bỏ các tạp chất rồi ủ bằng cách đắp các loại vật dụng như lá chuối, nong nia, giần sàng... Hàng ngày, đất sét được tưới một lượng nước nhỏ để không khô đi, giữ vẹn tính nguyên thủy của khối đất.

Đất sau đó được "trích" ra một lượng vừa đủ để làm sản phẩm. Việc "trích" đất có thể xem như là một nghi lễ, bởi khi "trích" đất rồi người ta sẽ không thêm hay bớt, sản phẩm có thể to hoặc nhỏ hơn tùy vào khối đất đã "trích".

Công đoạn tiếp theo nghệ nhân sẽ đem chày giã cho đến khi các thớ đất trộn đều, kết dính vào nhau. Sau đó, dùng tay hoặc mảnh vải ướt miết vòng quanh, miết đều mặt ngoài, mặt trong để tạo hình cho đến khi sản phẩm định hình thì đem phơi. "Xương gốm" đã hoàn thành, tùy vào thời tiết, phơi đến khi se lại vừa đủ thì vẽ họa tiết rồi đem nung. Cái cách vẽ họa tiết ở làng gốm Yang Tao cũng thật đặc biệt.

Các ngón tay của Mí Kim khua vào bình gốm mềm mại và uyển chuyển chẳng khác nào một điệu múa ba lê. Thoáng chốc, tôi đã thấy một dải hoa văn hiện lên cổ bình. Để tạo ra cánh hoa cỏ dại, Mí dùng chiếc nhẫn bạc xoay chạm vào đó, cuối cùng bà lấy đầu muỗng ăn cơm miết một đường dài thon thả tạc nên một bông hoa tuyệt đẹp hiện lên mặt gốm. Mọi thứ đều bằng đôi bàn tay thô ráp khẳng khiu của Mí Kim mà không cần bất cứ một công cụ hiện đại nào.  

Sau khi hoàn thiện hình hài gốm, là công đoạn nung nấu. Gốm Yang Tao từ xưa cho đến nay đều được đun lộ thiên, như một cách giao thoa giữa trời đất, nước, gió và lửa. Gốm nung bằng rơm, hẳn không thể nào lẫn mùi thơm của khói. Công việc canh lửa cho gốm đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn, tính kiên nhẫn và sự cẩn trọng. Chỉ khi nào lửa đều và cháy rực lên thì gốm chín. Sau đó sản phẩm được trộn ngay vào mùn cưa, vỏ trấu hoặc cám để cho ra một màu nâu đất trầm mặc, mang đặc trưng gốm sứ người M'nông Rlăm. 

Trong gian bếp nhỏ nhà Mí Kim hiện có nhiều loại gốm, được bà tích lũy vài năm trở lại đây để mỗi khi có khách du lịch ghé qua thì có cái mà giới thiệu, rồi ai thích thì mua. Gọi là mua nhưng chẳng cái nào có giá cụ thể, ai hỏi đến thì Mí chỉ cười xòa, rồi ngại ngùng: "Cứ lấy đi, cho bao nhiêu cũng được mà".

Cách làm du lịch, quảng bá sản phẩm của Mí Kim và những nghệ nhân làng gốm cổ duy nhất ở Tây Nguyên là thế, mộc mạc, chân chất như hồn đất, hồn người tự có.

"Phù thủy" Yo Khoanh

Hôm nay Mí Kim không nung gốm, tôi ngửi mùi khói ngào ngạt bay lên từ căn nhà dưới cánh đồng. Hóa ra, bên nhà nghệ nhân Yo Khoanh (H Phiết Uông) đang nung gốm. Mí Kim bảo, Yo Khoanh là người chị em của mình, bà là "phù thủy" làng gốm ở đây. Tuổi 76, bà Yo Khoanh vẫn rất tinh anh và khỏe khoắn. Đôi tay của bà chai sạm, gân guốc nhưng cực kỳ mềm mại và khéo léo.

Trở lại Yang Tao -0
Nghệ nhân Yo Khoanh bên sản phẩm gốm hoàn toàn thủ công bằng tay.

Bà kéo tôi vào bếp, chỉ lên bộ cặp voi vừa nung chín xong, bà cười thật tươi khoe: "Nó là gốm Yang Tao đó, tôi làm ba ngày mới xong. Đến gần xem đi, còn thơm mùi đất lắm".

Làm cái này bán được bao nhiêu thưa bà, có người mua không? Tôi hỏi nghệ nhân Yo Khoanh. Bà lại cười, chẳng thèm buồn mà nói: "Không biết bán bao nhiêu cả, thích thì làm để trong nhà cho đỡ nhớ, rồi đến dịp lễ hội thì mang đi trưng bày".

Có lẽ, cuộc đời của bà đã mặc định với gốm cho đến bây giờ vẫn "ăn ngủ" cùng gốm. Bà không nói được tiếng Kinh nhiều như Mí Kim nhưng nói về tài làm gốm thì Yo Khoanh là bậc thầy. Câu chuyện của người nghệ nhân già bên gian bếp sực nức mùi khói rơm bỗng rộn ràng khi bà kể về những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, bà đã theo cha đem gốm đi khắp nơi, từ Krông Nô, Đam Rông, Quảng Phú cho đến vùng Yang Reh, Yang Mao (các địa danh thuộc tỉnh Đắk Lắk) để bán, đổi lấy gạo, mì, bắp, đậu…

Khi ấy, Yo Khoanh chỉ là cô bé 12 tuổi, vừa là thợ làm gốm, vừa là thương nhân buôn gốm. "Người ta không quy gốm thành tiền mà đổi số lượng lương thực tương ứng, ví dụ một cái chén sẽ đổi được một bát gạo, một chiếc chóe sẽ đổi ba vò thóc… Yang Tao thời gốm sứ lên ngôi có đến 11 buôn theo nghề, người người, nhà nhà làm gốm để mưu sinh", nghệ nhân Yo Khoanh hồi tưởng.

Nghề gốm của người M'nông Rlăm từng là niềm kiêu hãnh ở xứ Lắk, nhưng rồi thời gian với bao năm vật đổi sao dời, gốm sứ bên ngoài đã thay da đổi thịt, khoác trên mình màu áo của công nghệ hiện đại, nhưng ở Dơng Bắk này, mọi thứ không hề thay đổi, kéo theo sự thăng trầm của làng gốm. Thợ làm gốm không sống nổi với nghề đã lần lượt từ bỏ, chuyển sang làm nương rẫy, chăn nuôi, số khác đi thành phố làm công nhân. Những con người còn lại với gốm như Mí Kim, Yo Khoanh đều là người xưa, bám trụ vì không nỡ xa rời một dải đất được sông Mẹ ban tặng.

Gốm không còn là một nghề để sinh nhai nhưng với nghệ nhân Yo Khoanh, mỗi ngày bà vẫn miệt mài đi đào đất làm gốm, gian bếp nhỏ của bà luôn sực mùi rơm khói và đất chín. Dẫu thế giới ngoài kia gốm sứ hiện đại như thế nào, thì ở Dơng Bắk này, mọi thứ vẫn nguyên sơ dĩ vãng, vẫn chỉ duy nhất bàn tay con người. "Chúng tôi muốn giữ nghề truyền thống, giữ cái hồn cốt nguyên thủy của cha ông và mảnh đất của mình. Nếu lai tạo hoặc cách tân, chắc chắn chúng tôi chẳng theo kịp bên ngoài", nghệ nhân Yo Khoanh chia sẻ.  

Câu chuyện này cũng được nhắc lại trong chuyến đi tham quan làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) của các nghệ nhân Yang Tao. Lần đó, một người thợ gốm nổi tiếng ở đây ngỏ ý tặng chiếc bàn xoay cho đoàn để việc làm gốm đỡ vất vả hơn, nhưng các nghệ nhân đã từ chối, đơn giản vì họ muốn lưu giữ những bí ẩn của dòng chảy văn hóa thời quá vãng cho một buôn làng.

Dòng chảy ấy, vẫn đang được các nghệ nhân như Mí Kim, Yo Khoanh neo giữ và sẽ truyền dạy cho lớp con cháu của buôn làng Dơng Bắk sau này.

Ngọc Hoa

.
.
.