Ông cà um… hù, khái, kễnh, cọp

Thứ Sáu, 30/08/2024, 12:28

Không rõ do cơn cớ gì, hễ một khi nghe đến câu “Con gái tuổi Dần” ắt không ít đấng mày râu lè lưỡi lắc đầu. Sở dĩ chọn lấy thái độ này, có lẽ do họ mường tượng về hình ảnh:

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc

Là khiến cho mọi vật đều im hơi (Thế Lữ)

Dữ dằn quá. Kinh khiếp quá. Thôi thì, cứ việc né đi cho lành. Lý giải thế nào? Nếu so sánh với các con khác cũng có vị trí xuất hiện trong mỗi năm như Tí, Sửu, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, ta thấy Dần vẫn là động vật xuất hiện với tần số nhiều nhất, cao về tính dữ dằn, dữ tợn nên mới có câu so sánh “Dữ như cọp”. Dữ đến mức độ này là đỉnh/ cực đỉnh, tôi nghĩ, còn hơn cả cách nói “Dữ như bà chằn lửa”, “Dữ như cá sấu Vũng Gấm”, “Dữ như tê giác”, “Dữ như diều tháng một”…

Do tâm thức xưa nay đã nghĩ về con cọp ác ôn, ác liệt như vậy nên mặc nhiên thiên hạ mặc định, định kiến hễ những ai “cầm tinh” con cọp ắt tính cách phải như thế. Phải là thế. Thí dụ, ta có thể kể đến… Thúy Kiều! Bằng chứng, cụ Nguyễn Du đã viết rành rành:

Hổ sinh ra phận thơ đào

Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong

Ông cà um… hù, khái, kễnh, cọp -0
Hình ảnh ông cà um, hù, khái, kễnh, cọp qua tranh dân gian Việt Nam.

Hổ trong câu Kiều này lại đồng âm với hổ theo nghĩa tủi thân, tủi hổ, hổ thẹn. Một cách chơi chữ tếu táo nhằm giải thích câu hỏi mà thiên hạ đã cắc cớ đặt ra là ai đã sinh ra nàng Kiều. Tất nhiên là đùa nhưng nghe ra cũng thiệt éo le cho những cô nàng có dính dáng đến con cọp cũng từ tuổi Dần của mình. Cách nghĩ này, đáng trách nhất vẫn là mấy gã thầy bói gà mờ đã “ăn theo”, tự vỗ ngực xung tên rằng thì là mà “trên thông thiên văn dưới tường địa lý” nên cứ phán ngậu xị như “đúng rồi”:

Lấy vợ chớ lấy tuổi Dần

Hễ mà hó hé nó dần mềm xương

Thiệt tào lao bí đao. Vì rằng, dựa vào đâu để có kết luận chắc nịch như thế? Phán như thế là cách nói tầm bậy tầm bạ, không đáng tin cậy. Mà, phán như thế, nếu nhại theo ca dao ắt ta có câu “Con cọp mà biết nói năng/ Thì thầy tướng số hàm răng không còn”. Thử tượng tình huống trong truyện “Tắt đèn”, nếu lúc gia đình chị Dậu bị chèn ép đến cùng cực mà chị chỉ nhũn như con chi chi, chỉ yểu điệu như mèo thì có là đáng khen? Chị Dậu đáng khen vì trước cái xấu, cái áp bức chị đã thể hiện tính cách dữ dằn như cọp đấy chứ? 

Lúc ấy, chị Dậu nghiến hai hàm răng: “Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét đòi trói vợ chồng kẻ thiếu sưu”. Nhân cái vụ này, xin lái qua chuyện thơ thẩn cho thi vị một chút:

Lội ngay ra biển lôi tàu lại,

Chạy tuốt lên non bắt cọp về.

Kể ra cũng ghê gớm, không hề sợ cọp, nhưng tại sao nghe anh chàng kia “nổ” thế, thiên hạ lại đồng loạt cười cái rần như… pháo Bình Đà ngày xưa? Đố bạn đấy! Khó quá đi mất. Khó là dẫu có biết tỏng nhưng nào ai dám nói toẹt ra, phải không nào? Vâng ạ, đố ai dám… “bắt cọp”! Vậy nên, ta hãy quay lại với con cọp. Rằng, dám nói rằng, trong 12 con giáp chỉ có con cọp thuộc hạng “bí hiểm” nhất, xưa nay nó được gọi bằng quá nhiều cái tên, đơn giản chỉ vì thiên hạ cực sợ hãi, kiêng dè khi nhắc đến nó.

Ai đua sông trước thì đua

Sông sau có miễu thờ Vua núi rừng

Không những thế, người ta còn gọi “miễu Sơn thần” hoặc “miễu ông cọp/ miễu ông hổ”… Rõ ràng ràng, ta đã hình dung thấy... ông Dần trong câu ca dao này, đã được tôn lên thành “Vua núi rừng”, “Chúa sơn lâm”, “Sơn thần” chễm chệ một cõi. Còn nếu con cọp nào bị sa bẫy, cụt mất một chân, người ta lại gọi ông Ba cụt! 

Đi về miền Nam, thật ngạc nhiên khi biết nó còn có tên gọi ông Hương cả. Tại sao? Qua nhiều tài liệu, ta thấy rằng, chuyện cọp được lưu dân tôn làm ông Hương cả khá phổ biến. Đại khái thời khẩn hoang, cọp dữ thường xuống vùng đồng bằng sát hại sinh linh, tác oai tác quái, do đó, người dân đã “chiêu dụ” bằng cách cao tay ấn là… đã cử ông cọp nhận chức Hương cả danh dự, may ra ổng “cải tà quy chánh”, phù hộ dân làng thì tốt quá.

Chuyện trọng đại này, các hương chức hội tề có ghi biên bản giấy trắng mực đen hẳn hòi, chứ nào đùa. Biên bản viết trên giấy đỏ, cuốn tròn bỏ vào ống tre, bên cạnh là cái đầu heo quay thơm nức mũi, hũ rượu đặt cạnh gốc cây đa. Ngay đêm ấy, cọp ăn trọn đầu heo, uống hết rượu, cắp luôn ống tre, tức là đã… đồng ý nhậm chức. Thế nhưng sao còn gọi nó là “ông Thầy”? “Mèo ngao cắn cổ ông Thầy/ Ông Thầy vật chết cả bầy mèo ngao”… Tại sao còn gọi “Ông Ba mươi”? “Ông Ba mươi nhát đười ươi/ Đười ươn vắt vẻo tươi cười cành cao”, “Tránh ông Cả ngã ông Ba mươi”… Có lẽ chẳng ai có thể giải thích khiến ta phải tâm phục khẩu phục.

Ta thấy nó còn gọi là hùm, có thể kể đến “Miệng hùm gan sứa”, “Cáo mượn oai hùm”, “Làm hùm làm hổ”, “Vẽ hùm thêm cánh”, “Tránh hùm mắc hổ”… Con hùm ở trong hang, ắt gọi hang hùm nhưng với câu thơ tương truyền của Hồ Xuân Hương:

Này này chị bảo cho mà biết

Chốn ấy hang hùm chớ mó tay

Liệu có phải… hang hùm? Không đâu, bằng chứng là ông Chiêu Hổ đã “bật mí”:

Hang hùm ví bẵng không ai mó

Sao có hùm con bế chốc tay?

Âu cũng là cách nói tinh tế của người Việt khi đề cập đến chuyện cực kỳ… nhạy cảm. Hùm còn nói trại qua hầm/ ông hầm. Một khi chê trách thói xấu của ai đó, có người bèn nhận xét: “Gút lại, hắn ta ăn như hạm”. Hạm là gì? Dễ ẹt, cứ tra “Đại từ điển tiếng Việt” (1999), ta thấy giải thích: “Hạm: Tàu chiến loại lớn” và có các từ như hạm đội, hạm trưởng…; trước đó nữa, “Việt Nam tự điển” (1931) cũng giải thích tương tự. Thật ra, nghĩa này không thể áp dụng cho câu nói trên, cần bổ sung thêm nghĩa mà trong Nam đã gọi - như “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Thứ cọp lớn. Ăn như hạm: Ăn hung, ăn bãm, ăn dữ quá” - nói như cách nói thời @ là “Ăn giày, ăn tất, ăn cả đất xung quanh”. Và, con hạm này còn có tên gọi khác là hổ, tỷ như “Ăn như hổ đói”, “Đâm đầu vào hang hổ”, “Nhảy như hổ gặp ổ kiến càng”, “Oai như hổ giấy”…

Nó còn có tên gọi gì nữa? Ta hãy đọc câu vần vè ở Xứ Nghệ: “Hổ bắt thì nói khái tha/ Muỗi, giòi thì gọi đó là mọi, troi”. Khái chính là hổ, hiểu như thế, ta mới có thể giải thích câu cửa miệng: “Chưa qua truông đã trật lọ cho khái”. Lọ là gì? Xin tự hiếu lấy, ý muốn nói việc đó chưa đâu vào đâu, còn nhiêu khê chán, thế mà đã vội vàng chủ quan, vỗ ngực xưng tên, biết đâu tai họa ập tới như chơi. Nếu âm “k” dành cho khái thì cũng “bắt cầu” qua kễnh, hẳn ta đã từng nghe “Răng khễng, ông kễnh phải gờm”, “Dạy con con chẳng nghe lời/ Con nghe ông kễnh đi đời nhà con”…

Lại còn có cách đặt tên khác là khi người ta nhìn vào sắc lông vằn, rằn, sọc của nó. Thí dụ, “Quan võ bình văn như ông Vằn thổi sáo” - ý muốn cười ai đó đã làm việc gì đó không đúng với tài năng, chuyên môn, sở trường của mình thì chỉ vụng về. Lại nữa, ở Đà Nẵng, từ ngã ba Hòa Khánh đi lên Hòa Sơn đến khu nghỉ dưỡng Bà Nà, ta sẽ nhìn thấy núi Ông Gấm. Sở dĩ như thế vì vùng nay, ngày xưa có nhiều cọp. Trong Nam, còn có từ “hùm gấm” mà ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Con gấm, loại cọp có đuôi đen trắng xen nhau”. Không những thế, nó còn tên gọi ông Bạch (cọp trắng), ông Mun (cọp đen)…

Không chỉ nhìn lấy sắc lông lúc con cọp: “Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng”, người ta còn đặt tên do lúc nó xuất hiện: “Với khi thét khúc trường ca dữ dội” (Thế Lữ). Vậy tiếng kêu/ tiếng thét của nó ra làm sao? Ca dao miền Nam có câu: “U Minh, Rạch giá thị quá sơn trường/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Um là “Tiếng cọp kêu rền” - theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895), vì thế, nó còn có tên ông Cà um là vậy.

Đọc đến dây, bạn hãy tạm dừng lại một chốc, thử tính xem tôi đã liệt kê ra bao nhiêu tên gọi về cọp? Ừ, kể ra cũng đã đầy đủ nhưng vẫn còn thiếu đấy. Thiếu à? Không tin à? Vậy, ta hãy trở lại với mẩu chuyện mà tôi đã kể lúc mở đầu. Rằng, lúc vị bác sĩ chữa bệnh nắc (nấc) cụt: “bất ngờ ông ta nhe răng nhăn mặt, hù một một tiếng thiệt to”. Xin bật từ ám chỉ con cọp chính lúc vị bác sĩ đã “hù”.  Hù/ cọp hù là tiếng trong Nam gọi là con cọp có vóc dáng, hình thù vằn vằn mà “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) đã giải thích.

Lê Minh Quốc
.
.
.