Mắc zịch ảo tung chảo

Thứ Bảy, 30/10/2021, 12:29

Trên kệ sách, “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy” (Lê Văn Nghĩa) đặt kề “Những đứa trẻ mắc zịch” (Trần Nhã Thụy). Thử hỏi, nhan đề hai quyển sách này có từ nào cùng hàm nghĩa?

Chà, trả lời câu hỏi này khó nhỉ?

Thôi thì, trước mắt ta hãy khảo sát từ "nhà ảo thuật". Có thể hiểu nôm na, bằng động tác khéo léo, thành thục, nhuần nhuyễn, người đó đã nhanh tay lẹ mắt "biến hóa" cái gì đó từ không sang có và ngược lại khiến người xem ngạc nhiên, sững sờ một cách thích thú. Do không thể phát hiện nổi, giải thích vì sao, họ cứ tưởng như thể người đó có phép thuật. Chỉ cần cầm "cây đũa thần" chỉ vào vật đó, để "thêm phần long trọng" và "nặng phần trình diễn" có thể mồm mép tép nhảy câu "thần chú" ngộ nghĩnh: "Úm ba la… xì bùa". Kìa, nhìn kìa, sự vật/ sự việc đang nhìn thấy lập tức thay đổi cái rẹt.

Nếu diễn suôn sẻ, đâu ra đó thì nhận được nhiều tràng pháo tay tưởng chừng như "bể rạp"; còn nếu xí lắt léo, tréo ngoe tróe ngỗng không xẩy như ý muốn, gọi là "tổ trác". Trác là lừa gạt, quấy phá, chơi khăm một vố khiến ai đó "bể dĩa" bất ngờ. Ngược với "tổ trác" là "tổ đãi". Tức là những người biểu diễn trên sân khấu tin có ông tổ nghề, muốn mọi việc hanh thông, không xúi quẩy hắc xì dầu, không bị rơi vào tình huống nhọ nồi thì mình phải cư xử, ăn ở cho phải đạo.

Còn nhớ, trước đây ở miền Trung, miền Nam thường có gánh bán thuốc dạo Sơn Đông mãi võ cũng diễn ảo thuật, trổ tài võ thuật như đập đầu vào gạch, gạch bể tan tành, ngửa cổ đút cái que dài ngoằng vào lỗ mũi mà cứ tỉnh bơ v.v… là nhằm giữ chân, thu hút khán giả càng đông càng nhộn, càng vui đặng quảng cáo, bán các thuốc thượng vàng hạ cám, hầm bà lằng xắn cấu từ thuốc chữa ghẻ, đau răng đến nhức đầu sổ mũi kể cả chữa bệnh miễn phí. Họ là xứng danh thầy lang nhưng hầu hết chỉ lang băm. Thường chỉ dăm ba người đến nơi nào đó, họ chọn miếng đất rộng, có nhiều người qua lại, rồi khua chiêng gõ mõ gây náo động, ồn ào khiến thiên hạ tò mò dần dần ùa tới. Muốn giữ chân đám đông, phải trổ tài làm trò ảo thuật lòe mắt, hớp hồn một phen. Sau đó, họ lại quảng cáo thuốc, do tin sái cổ vào mấy trò ảo thuật đó, ai nấy ùn ùn tranh nhau mua, đem về sử dụng không khéo lợn lành thành lợn què, tiền mất tật mang, ráng chịu.

À, trò ảo thuật đó thế nào? Kể lại nghe chơi đi nào. Muốn kể hay ắt phải có duyên ăn nói, cái này, tôi thua. Xin mượn lời học giả Vương Hồng Sển kể giúp. Cụ kể chuyện xảy ra ở Sóc Trăng đầu thế kỷ XX, tới cái đoạn sau khi lão thầy Sơn Đông ra tay nhổ răng cho bà già cúp bình thiết, không thèm lấy xu teng nào, thấy thế, thằng Thân bèn nhờ lão vì trong túi nó không có lấy một xèng. Tất nhiên lão gật gù đồng ý nhưng bù lại nó phải trở thành "vật tế thần" là nằm ra lão lấy con dao bén to tổ chảng chém ngang người.

son-dong-mai-vo-tri-thuc-vn.jpg -0
Một gánh Sơn Đông mãi võ thời xưa Ảnh: L.G

Ghê rợn quá đi mất. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?

"Nói rồi lão bắt Thân nằm dài giữa sân gạch lão trùm đầu và thân thể Thân che kín mít bằng một cái mền đỏ lòm. Đoạn lão lấy trong rương ra một cây dao băng tô. Băng tô: couteau (tiếng Pháp, dao thật lớn, thứ các chú bán thịt bò thịt heo chặt và xả thịt). Lão vừa liếc lưỡi dao xuống nền gạch tiếng kêu sột soạt, bóng ngời lạnh mình, miệng không ngớt rao hàng: "Anh em cô bác hãy xem cho kỹ. Cây dao nầy lát nữa sẽ hành hình thằng nhỏ nầy chặt nó đứt làm hai khúc. Rồi tôi sẽ lấy thuốc dán gia truyền chánh gốc Thiếu Lâm Tự của tôi có sẵn, tôi dán chỗ bị thương, giây lát sẽ liền lạc như cũ, cho cô bác thấy một môn thuốc thần".

Thân nằm trong mền nghe lão hăm chặt đứt làm hai khúc thì cục cựa, định chừng nó hoảng hồn toan chạy trốn, lúc ấy tôi ngồi ngoài nầy nghe lão nói quả quyết thì tưởng thật, vừa hồi hộp đánh trống bụng lo cho Thân, vừa bối rối không biết phải làm gì để giải vây cho thằng bạn lâm nguy… Giữa lúc lão Sơn Đông cầm dao liếc sột soạt càng căng thẳng nỗi lo sợ của tôi và khách hàng quen, bỗng lão tay trái đè đầu Thân không cho nhúc nhích, tay mặt lão huơ dao chặt pháp ngay hông Thân, máu từ lưỡi dao phun tóe ướt cái mền đỏ thêm nhiều vết đỏ sậm bầm. Tôi thấy rõ ràng lưỡi dao to lớn cắm lút ngập mất nửa vành ôm sát thân hình bé tí của Thân trong cái mền đỏ, mặt tôi không còn một chút máu, thôi rồi còn gì thằng bạn mỗi ngày đi học và cùng chơi giỡn với nhau. Tôi ôm mặt khóc lớn, không kể mắc cỡ chạy lại níu áo lão thầy một hai đòi đền mạng. Mà thú thật cả bàng quan khán giả ai ai cũng xanh mặt và đều nín thở với lão thầy, sợ có khi mắc làm chứng một án mạng bất ngờ.

Trong khi ấy lão Sơn Đông vẫn bình thản như thường, gỡ từ miếng thuốc lựa một miếng lớn lòn tay vào mền dán vào mình Thân, rồi đứng dậy đọc một câu thần chú rồi dỡ tốc mền ra, và ồ may quá, thằng Thân của tôi sống nhăn đứng phắt dậy theo cái mền, miệng cười lỏn lẻn, mất hết một cái răng, mà có vẻ sung sướng. Khi ấy tôi mừng quá, buông áo lão thầy, lật đật nắm tay Thân chạy một mạch về nhà, vừa mừng cho thằng bạn thoát chết vừa nín thinh không dám hò hé nửa lời, một là sợ cha mẹ hay bữa nay mình đi chơi quá lâu, hai là sợ cha mẹ biết mình dám giao thiệp với lão thầy Sơn Đông tà thuật.

Trong lòng tôi lúc ấy bị kích thích đến tột độ, đêm nằm mơ không hiểu Thân bị chém thật và nhờ thuốc dán trị lành hoặc nhờ một trò thuật mà con mắt thế gian. Sau nhờ cô bác dạy lại cây dao kia vốn bộng ruột trong có lò xo và có chứa huyết heo tươi đầy dẫy. Khi chém lưỡi dao biết xếp lại ôm sát thân thể người bị chém và người ấy tức nhiên không hề hấn chút nào. Có chút trò ma giáo như vậy mà hại mình lúc nhỏ hết hồn" (tr.107-108).

Phải thừa nhận cụ Sển kể hấp dẫn ghê? Không đâu, phải nói "quá hấp dẫn" mới xứng. Riêng câu "… nhờ một trò thuật mà con mắt thế gian", có thể khó hiểu, xin giải thích "mà" ở đây nghĩa là lấy tà thuật che mắt người khác. Trở lại với chuyện chữ nghĩa, ta thấy với từ ảo thuật, nếu cần, người ta có thể sử dụng… mắc zịch là cách nói có tính hài hước, bông phèn nhại. Tại sao? Là phát âm từ "magic" tiếng Pháp: ảo thuật, quỷ thuật, ma thuật. Dù mắc zịch nhưng khi nói, khi nghe vẫn là mắc dịch còn lại hiểu qua nghĩa như ai kia mắc phải bệnh dịch nào đó, hoặc nhằm chỉ ai đó không nên thân nên nết cỡ như "Già chơi trống bỏi", đã khú đế còn "Cưa sừng làm nghé"…

Nào đã hết đâu, nếu không xài từ ảo thuật, mắc zịch, nếu cần, còn có thể dùng từ xiếc, chẳng hạn đạo diễn Việt Linh có làm bộ phim “Gánh xiếc rong”. Còn nhà văn Mạc Can khi viết “Tấm ván phóng dao”, lại dùng từ xiệc, thí dụ: "Em nhớ rõ nhứt là khi cha rã gánh xiệc rong, ông lại về ở trong một khu nghĩa địa". Xiếc/ xiệc cùng nghĩa nhau là vây mượn từ cirque tiếng Pháp.

Có một điều thú vị là từ ảo/ ảo thuật hiện nay đã đi vào cụm từ "ảo tung chảo". Với "từ khóa" trên Google: "Ảo tung chảo là gì?", ta nhận được "Khoảng 315.000 kết quả (0,47 giây)" cùng câu giải thích trước nhất: "Ảo tung chảo thực chất là một thuật ngữ được giới trẻ ngày nay sử dụng để chỉ những chiêu trò lừa đảo, câu tiền, câu tình, câu thân… trên mạng Internet. Trong đó, bao gồm cả trò lừa vì mục đích tài chính và tình ái". Theo đó, ảo này đích thị nhằm chỉ các hoạt động diễn ra trên không gian mạng, gọi nôm na là thế giới ảo.

Vậy, cơn cớ ra làm sao ảo từ thế giới ảo lại "se duyên" với chảo để trở thành "ảo tung chảo"?

Trộm nghĩ, sự thú vị của cụm từ này vẫn là kết hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa "ảo" với "chảo" cho có vần, dễ nhớ dù cả hai hoàn toàn không có dây mơ rễ má gì sất. Ở đây, ảo dính với chảo như một cách "dây máu ăn phần", "té nước theo mưa". Thế nhưng tại sao phải chảo, chứ không là từ gì khác?

Trước hết, ta hiểu đại khái chảo là vật dụng làm bếp có hình thù rộng vành, cỡ lớn, lòng nông, dốc thoai thoải xuống đáy, có cán tay cầm, thường dùng chiên, xào, nấu, rang… Về từ chảo, căn cứ “Đại từ điển tiếng Việt” (1999), ta thấy liệt kê chảo đụn, loại chảo lớn; chảo quai vạc, chão lớn có quai như quai vạc… Thế thì, chảo chía là gì? Cũng hồi ký trên, cụ Sển giải thích: "Mấy chục năm về trước, tại Sóc Trăng có một gánh hát Tiều, vì thùng đựng y phục của họ sơn đen nên gọi là gánh thùng đen (ô láng). Mỗi dịp Tết họ tổ chức nhiều tốp đi hát dạo, gọi hát chặp và nói theo tiếng Tiều là hát chảo chía. Hai tiếng này dịch ra là "tẩu thực", tức hạt chạy gạo, hát cho mau cho lẹ rồi chạy đi chỗ khác hát nữa. Đó là chảo chía" (tr. 69). Ấy là cụ Sển nói về mục đích của hát chặp, còn hình thức của nó là lối hát tài tử, diễn viên không hóa trang, màu mè hoa lá cành, chia làm hai nhóm hát đối đáp mà họ chỉ chọn một lớp ngắn của tuồng hát bội nào đó. Sở dĩ ngắn vì họ còn phải chạy show nơi khác mới kiếm thêm lì xì.

Rõ ràng chảo chía không liên quan đến cái chảo ở nhà bếp. Cái chảo ấy, trong lúc nấu nướng, nếu cần thì tay đầu bếp  giỏi nghề cũng có thể biểu diễn cho thực khách lác mắt chơi, gọi là chảo chớp. Họ cầm cán chảo, nâng cả chảo lên rồi nhanh tay tung các thứ đang chế biến lên trời. Với động tác tung điệu nghệ này, mọi thứ từ trong chảo bật/ nhảy lên cao chỉ chừng gang tay là cùng chứ gì? Không, tay đầu bếp khéo léo cho tung lên cao cả mét. Rồi, nhanh như chớp lại đưa chảo ra hứng gọn, không mảy may suy suyển. Gọn gàng. Đẹp mắt. Muốn được thế, "trăm hay không bằng tay quen", phải "văn ôn võ luyện" mỗi ngày thì mới có thể tung chảo điêu luyện đến cỡ đó.

Thế thì qua cụm từ "ảo tung chảo", ta thấy ảo từ chỗ thuộc về thế giới ảo, nay đã trở thành ảo/ ảo thuật/ làm xiếc theo cách nhanh tay lẹ mắt.

Vậy, "ảo tung chảo" hiểu theo nghĩa những chiêu trò "lừa đảo, câu tiền, câu tình, câu thân" thì kẻ xấu đó đã sử dụng một cách thượng thừa, thành thạo, có nghề, chuyên nghiệp chứ không phải tay mơ/ tay ngang, đã đạt đến trình độ quá cỡ thợ mộc, cao thủ võ lâm. Với trình độ cỡ đó nên con mồi dễ dàng bị dính chấu do không lường trước, không nghi ngờ nên sập bẫy ngọt xớt.

Chỉ có thế thôi ư?

Không đâu, nếu chỉ có thế, sự kết hợp giữa ảo và chảo dẫn đến cách hiểu trên có phần gượng gạo, chỉ nói cho có vần chứ không mang sắc thái tếu táo lẫn bông phèn. Dám chắc rằng, qua sự kết hợp này như ta đã biết, nếu ảo ngoài ý nghĩa ám chỉ thế giới ảo, nó còn đèo thêm, kiêm thêm "chức năng" ảo thuật, làm xiếc thì chảo cũng vậy. Ngoài việc đóng vai trò cái chảo, nó còn ngầm hiểu là cách nói trại của chưởng/ tung chưởng như các tay hiệp khách giang hồ trong truyện kiếm hiệp. Từ đó, ta hiểu, "ảo tung chảo" ngầm ý chỉ hành động ai đó ra tay tung chưởng trên thế giới ảo nhằm mục đích nào đó, dù thế giới đó ảo nhưng người thật lại dính chấu nếu mất cảnh giác, nhẹ dạ.

Nói cách khác, "ảo tung chảo" đích thị là ngụ ý "ảo tung chưởng" đó thôi.

Lê Minh Quốc
.
.
.