Giải mã những góc khuất hay mức độ hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử
Trong khoảng hơn 10 năm viết tiểu thuyết lịch sử với “Phùng Vương”, “Ngô Vương”, “Nam Đế Vạn Xuân”, “Triệu Vương phục quốc”, “Lý Đào Lang Vương”, “Lý Phật Tử định quốc”; “Trưng Nữ Vương”, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi rằng: Với những góc khuất, khoảng mờ, vùng trắng của sử liệu, nhất là chính sử, thì mức độ hư cấu trong sáng tác tiểu thuyết lịch sử sẽ ra sao?
1. Phần lớn sự quan tâm của bạn đọc đều xoay quanh tới mấy nội dung: Khi các triều đại lịch sử càng về sau như: Lý, Trần, Lê, Nguyễn, các vùng tư liệu khá phong phú thì nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử có cần hư cấu không? Tỷ lệ hư cấu như thế nào? Giới chính sử, nhất là giới nghiên cứu phê bình phản ứng như thế nào? Bạn đọc đón nhận như thế nào? Và nhất là các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử với nhau nhận định, đánh giá, đồng cảm như thế nào? Có hay không, sự thống nhất về tỷ lệ hư cấu của các nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử? Với người viết, đó là những câu hỏi rất thú vị.
Đó chính là sự quan tâm không chỉ của nhà văn mà cái chính yếu là của bạn đọc với tiểu thuyết lịch sử. Cá nhân tôi luôn cho rằng, tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam còn thưa vắng. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam vô cùng hào hùng với nền văn hiến rực rỡ, với những võ công chói lọi. Bác Hồ từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tìm hiểu về ngọn nguồn lịch sử chính là chỉ dấu của sự trưởng thành của mỗi con người.
Những câu hỏi ở trên không chỉ khiến mỗi nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử hưng phấn với ngọn bút của mình, mà còn nhắc nhở họ phải có trọng trách, nhất là phải luyện bút với tất cả nguồn tri thức và trái tim nhiệt huyết để viết ra những trang văn về lịch sử dân tộc.
Nói thì như vậy có vẻ dễ dàng, song cầm bút viết những trang tiểu thuyết lịch sử mới thực sự khó khăn.
Khó khăn nhất chính là “giải mã những góc khuất hay là mức độ hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử” phải làm như thế nào? Với mỗi người viết văn, tầm vóc lớn nhỏ của nhà văn chính là khả năng hư cấu của họ. Nhân vật Tôn Ngộ Không ngoài đời chắc chắn không thể có, nhưng chính là từ vô số cuộc đời gộp lại mà thành. Làm gì có Xuân Tóc Đỏ ở ngoài đời với nguyên mẫu cụ thể, song trong không ít con người, đều có một phần Xuân Tóc Đỏ. Chí Phèo cũng thế. Thị Nở cũng vậy. Họ vừa thật gần vừa xa xôi diệu vợi chính là nhân vật sống động của văn học, chính là hư cấu trong văn chương. Một nhà văn càng hư cấu đến độ “thật hơn cả thật” chính là nhà văn lớn. Nhà văn nào không có nhân vật riêng bước ra từ trang sách chính là nỗi khổ tâm lớn nhất của nhà văn ấy.
Quay lại mức độ hư cấu hay là giải mã những góc khuất trong tiểu thuyết lịch sử đã khiến tôi trăn trở rất nhiều. Không thể nào mỗi khi gặp phải góc khuất, khoảng mờ, vùng trống của lịch sử, nhà văn cứ thế mặc sức hư cấu thật lực, “bịa tạc” bừa bãi. Điều này chính là sự sống còn của nhà văn, thể hiện bản lĩnh không chỉ trong văn chương nghệ thuật mà còn là bản lĩnh công dân trước nhân dân, đất nước và lịch sử.
Mức độ hư cấu khi trước các sự kiện lịch sử đã hai năm rõ mười hoặc các vùng trống, vùng trắng của lịch sử đều đòi hỏi phải vượt khó khăn và trách nhiệm như nhau. Nhà văn không thể nào và không cần chép lại lịch sử, minh họa lịch sử hoặc làm rối rắm thêm lịch sử. Điều này nếu không ý thức một cách sâu sắc, sẽ là thất bại ngay từ những trang viết đầu tiên. Còn nếu như nhà văn lợi dụng những khoảng mờ, vùng trắng của lịch sử, tùy tiện hư cấu thỏa thích theo ý riêng cũng sẽ là thảm bại. Khi nhà văn chỉ dựa vào khả năng hư cấu của mình mà tách rời các đặc điểm căn cốt của lịch sử, sáng tác của anh ta, chắc chắn chỉ là con số không.
2. Vậy nhà văn khi giải mã các góc khuất hay là mức độ hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử sẽ phải làm như thế nào? Đã có một ông Tư Mã Thiên với bộ sử ký lừng lẫy nghìn năm vừa là đỉnh cao của văn chương, vừa là đỉnh cao của nghề viết sử. Viết sử đến như sử ký chính là bậc thượng thừa trong văn có sử, trong sử có văn, sự kiện trùng trùng mà không rối rắm, nhân vật từ hoàng đế, quân vương, bạo chúa, tướng soái, con buôn,... đều nhất loạt hiện hình đến tầng bản chất. Trải các vương triều, luận bàn bao trùm từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử nghìn năm của Trung Hoa khúc triết rõ ràng, tài hoa diệu thủ, khiến giới nhà văn các đời sau phải kính phục, liệu rằng hôm nay, những người viết tiểu thuyết lịch sử có phải học theo không?
Nếu không tính văn chương về đề tài lịch sử thuần túy, chỉ riêng ngành phim ảnh Trung Quốc và thế giới, đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm bộ phim điện ảnh, truyền hình với hàng ngàn tập phim lịch sử về các nhân vật trong sử ký của Tư Mã Thiên e rằng còn chưa có hồi kết. Liệu đó có phải là sức sống của lịch sử khi đi tìm những câu hỏi về các góc khuất cũng chính là mức độ, biên độ hư cấu của nhà văn, nhà biên kịch với sử ký? Đây vừa có thể hiểu là câu hỏi, vừa có thể hiểu là câu trả lời có được không?
Mức độ hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử của các tác phẩm đã xuất bản ở Việt Nam nên được nhìn nhận, đánh giá, xem xét như thế nào? Đây là câu hỏi tưởng chừng không có hồi kết, bởi mỗi câu trả lời về nó lại nảy sinh ra những câu hỏi mới không dễ trả lời một cách rốt ráo, gãy gọn một lần. Việc hư cấu trong sáng tác của mỗi nhà văn với các mức độ khác nhau không thể đo bằng một khuôn thước, càng không thể có một phép tắc nào chung cho tất cả mọi nhà văn. Tuy nhiên, tất cả những hư cấu trong tác phẩm, phải thể hiện trên tinh thần khoa học lịch sử với cấu trúc nghệ thuật của văn bản văn chương. Chính điều này là thước đo tầm vóc của mỗi nhà văn, điều mà trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế con người.
Thời gian gần đây, khi các văn nghệ sĩ lên tiếng về AI, đã có không ít băn khoăn khi AI có thể thay thế con người viết ra những truyện ngắn, bài thơ, kịch bản phim… sẽ dẫn đến điều gì? Một số cho rằng như thế chính là sự đạo văn khổng lồ của AI với vô số tác giả từ dữ liệu là tác phẩm đã công bố của họ. Ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Chắc chắn, chúng ta phải có một hành lang pháp lý và quản lý cụ thể, bao trùm, chặt chẽ để phục vụ đời sống con người một cách công bằng, văn minh nhất.
Quay trở lại sự hư cấu trong văn chương nghệ thuật nhằm giải mã các góc khuất trong tiểu thuyết lịch sử. Đây là vấn đề quan trọng bậc nhất của mỗi nhà văn trong các tác phẩm cụ thể của mình. Hư cấu chính là sáng tạo. Sáng tạo luôn phải đặt yếu tố hư cấu lên hàng đầu. Còn các góc khuất lịch sử thì sao? Có những góc khuất đã nhiều trăm năm, thậm chí nghìn năm còn chưa được giải mã. Như oan khuất về vụ án Lệ Chi Viên chẳng hạn? Giới sử gia và các nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử đã tốn rất nhiều giấy mực còn chưa có kết luận thỏa đáng bởi những góc khuất đã bị phủ mờ bởi những định kiến khe khắt của chế độ phong kiến, thậm chí là “cái lừ mắt của quân vương”.
Tiểu thuyết lịch sử góp phần kiến tạo sự hoàn thiện, giải mã trên tinh thần khoa học nhân văn phù hợp với tiến trình lịch sử, sự thật lịch sử. Đây chính là những đóng góp đáng kể mà các nhà văn tiêu biểu như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải với tác phẩm của mình đã giải mã lịch sử bằng văn chương nghệ thuật.
Tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam hiện nay đã và đang là mảnh đất màu mỡ hấp dẫn các nhà văn. Các nhà văn tâm huyết có trách nhiệm với lịch sử đã cống hiến đáng kể và nhất định sẽ tiếp tục có những cống hiến đặc sắc. Chừng nào, những góc khuất, khoảng mờ, vùng trắng của lịch sử vẫn còn chưa được giải mã một cách tường tận và công bằng, chừng đó, các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử với đam mê và trách nhiệm của mình sẽ viết ra những tác phẩm mà bạn đọc hằng mong đợi.
Văn chương và lịch sử vốn luôn song hành với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho tri thức mỗi con người trong bước đường trưởng thành của con người. Đó chính là vẻ đẹp thiết thực nhất của văn chương và lịch sử.