Đánh lộn sòng rồi đánh một giấc…
“Chùa Đàn, ấy là tất cả nhà văn Nguyễn Tuân, một Nguyễn-Tuân-toàn-vẹn, tinh hoa tư tưởng, tài hoa văn chương”, Giáo sư Hoàng Như Mai nhận định khi viết Lời nói đầu trong bản in năm 1989 do nhà xuất bản Văn học tái bản, tr.11. Đọc tác phẩm này, về chữ nghĩa hẳn chúng ta thích thú với đoạn: “Lãnh Út gọi Bá Nhỡ lên, bảo ban về việc ngày mai điều khiển dân ấp Mê Thảo đi đánh cây cổ thụ ở suối Vầu”. Ơ hay, cây cổ thụ này tội tình gì mà phải đánh?
Hỏi như thế, bởi ta thừa biết đánh là động tác dùng sức mạnh của bàn tay co chặt lại, hoặc trên tay cầm thêm vật dụng vung/ quật mạnh vào thân thể người/ vật nào đó khiến cho phải đau đớn, phải sợ. Khôn ngoan ở đời còn là “Đánh chó ngó chủ”, tương tự “Chặt tre phải dè đầu mắt”, chứ không khéo: “Chưa đánh được người mặt xanh mày tía, đánh được người hồn vía chẳng còn”, tương tự “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ”. Vang, “Thứ cây có gai, người ta hay trồng mà làm rào, rễ nó làm màu nhuộm đỏ” - theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895). Suy ra, thứ rượu/ rượu vang chính là dùng từ vang này, dùng để chỉ rượu màu đỏ, còn gọi rượu chát/ rượu nho, chứ không phải vay mượn “vin” từ tiếng Pháp.
Một điều hết sức thú vị là có nhiều trường hợp người ta vẫn cùng từ đánh, dù nó hoàn toàn không hàm nghĩa như đánh ở trên. Thí dụ, lúc Thúy Kiều tìm Kim Trọng: “Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”. Đánh/ đánh đường trong ngữ cảnh này là dò tìm đường đi; có bản ghi “trổ đường” là cũng hiểu như thế, vì thế, cụ Đào Duy Anh giải thích: “Phát quang cây cối mà vạch đường, nghĩa rộng là tìm đường một cách vội vàng”.
Có thể kể thêm các câu thông dụng khác như để thấy cùng dùng từ “đánh” nhưng nghĩa lại khác. Thí dụ: “Trời nóng bức, hắn ta đánh trần ra đánh đàn”: cởi trần, gẩy đàn; “Cá rô phải đánh vẩy”: tróc, cạo vẩy cho sạch; “Đi ăn tiệc cưới, vợ tôi đánh lông mày”: sửa, tỉa, tô vẽ làm đẹp; “Hôm nọ, dù đánh chén bét nhè nhưng lúc trò chuyện, tớ vẫn đánh lưỡi ngon lành”: ăn, uống nói chung có bia rượu nhưng vẫn nói năng trôi chảy, khéo léo đâu ra đó. Đánh lưỡi trong trường hợp này được hiểu là uốn lưỡi, múa lưỡi chứ không phải chắt lưỡi/ tróc lưỡi.
Xin nhắc, đánh lưỡi/ uốn lưỡi trong chừng mực nào đó cũng như “Đá đưa đầu lưỡi” là khéo léo ăn nói, nói ngon nói ngọt như rót mật vào tai người khác nhưng tâm địa giả dối. Bài “Thế tục phú” của Trần Văn Nghĩa viết thời nhà Nguyễn có câu: “Đá đưa đầu lưỡi, tinh những trương hoàng; sấp ngửa bàn tay, rặt màu phản phúc”. Trương hoàng/ trang hoàng, trong ngữ cảnh nay là cách nói ra như bố trí bày biện rặt những điều lộng lẫy, rực rỡ nhưng chỉ nháy mắt đã khác. Sở dĩ cái lưỡi xuất hiện bởi “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.
Có câu ca dao phản ánh sự chung tay lao động thật đáng yêu:
Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh
Muốn đưa tranh lợp nhà thì trước đó phải “đánh tranh” là xếp/ kết nhiều cỏ tranh có lớp lang thành một tấm dày. Khi nhà văn Ngô Tất Tố miêu tả trong “Lều chõng” lúc rước ông nghè về làng: “Rồi đến một chiếc trống đánh đu dưới cây đòn gỗ bắc dọc trên vai hai người dân phu”, lại là chiếc trống ấy đang được treo tòng teng, không cố định.
Khi đánh trống là vung tay nện dùi vào mặt trống để tạo ra âm thanh. Có nhiều cách đánh trống nhưng “đánh trống lảng” lại không có cái trống. Mà, trong giao tiếp khi gặp vấn đề/ câu chuyện nào đó không ưng ý, chột dạ, người ta cố tình tảng lờ, giả vờ “đá giò lái” qua chuyện khác. Còn “đánh trống lấp” là trong tình huống nghe chối tai, bèn nói át đi để người khác không có cơ hội mở miệng ra hoặc bàn tiếp chuyện mà mình không thích.
Trong bài báo “Thuốc lậu, chuyện kiếm hiệp, vé số giả và cụ Nguyễn Thiện Hiền”, nhà văn Ngô Tất Tố có nhắc đến “đánh lộn sòng”: “Cái cả gan là Thiều đã dám lẩn vào làng báo, làm chủ cái báo Quốc gia, rồi in những giấy biên lai giống hệt như vé số Đông Dương, để đánh lộn sòng với những vé ấy. Đáng lẽ lại cũng được nữa. Nhưng vì có người tố cáo, nên Thiều phải ra tòa và bị bốn tháng tù treo” (Báo Thời vụ số 125, 1939). Đánh lộn sòng, hiểu nôm na là đánh tráo, là “đánh đồng vào một loại, xóa nhòa ranh giới giữa những cái vốn rất khác nhau về bản chất” - “Đại từ điển tiếng Việt” giải thích. Lúc bọn Ưng, Khuyển bắt cóc nàng Kiều, chúng đã láu cá đánh tráo: “Sẵn thây vô chủ bên sông/ Đem vào để đó, lộn sòng ai hay?”.
Nhưng sòng là gì?
Thường nghe nói đến sòng xóc đĩa, sòng bầu cua, sòng bài sòng bạc sặc mùi đỏ đen, cờ gian bạc lận, vậy sòng ở đây có liên quan gì trong ngữ cảnh trên? Thưa, không. Sòng ở đây hiểu theo nghĩa chỗ tụ tập sát phạt “cờ bạc là bác thằng bần”, theo nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ là tiếng Việt chuyển từ gốc Hán - Việt, từ “trường” mà ra. Trường là cái sân, chỗ đông người tụ họp - “Từ điển Hán Việt” của Đào Duy Anh cũng giải thích tương tự.
Mà sòng còn có nghĩa là nơi trũng xuống, vét sâu để nước chảy vào, đọng lại. “Cao bờ thì tát gàu giai/ Gàu sòng chỉ tát được nơi thấp bờ”. Sòng cũng là thứ gàu tát nước, có cán, móc sợi dây gàu vào ba cây tre soãi chân làm trụ, một người tát. Ta hãy đọc lại một đoạn thơ của Hồ Xuân Hương:
Đang cơn nắng cực chửa mưa tè,
Rủ chị em ra tát nước khe.
Lẽo đẽo chiếc gàu ba góc chụm,
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be.
Rõ ràng, các cô thôn nữ sử dụng gàu sòng, chứ không phải gàu dai - vốn loại gàu có bốn sợi dây dài cho hai người đứng hai bờ ruộng tát nước. Còn “Đang cơn nắng cực chửa mưa tè” là thế nào? Xin tự hiểu lấy vậy. Sòng lại có nhiều nghĩa khác nữa. Lúc Kiều nói với Kim Trọng: “Đôi ta chút nghĩa đèo bòng/ Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh”. Nói sòng tức nói thẳng, nói trắng ra, không quanh co giấu giếm. Theo nghĩa này, tục ngữ có câu “Ăn đều kêu sòng” - là mọi việc phải phân minh, hẳn hoi, sòng phẳng.
Mà này, “đánh lộn sòng” cũng na ná như “đánh lận con đen” chăng? Bởi xét cho cùng, cả hai cũng đều là mánh khóe gian lận, xảo trá nhằm mục đích đánh lừa kẻ khác, có lợi cho mình. Trước lúc “xơi tái” Thúy Kiều, Mã Giám Sinh đắn đo, suy tính rồi tự nhủ: "Nước vỏ lựu, máu màu gà/ Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên/ Mập mờ đánh lận con đen/ Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền, mất chi?”.
Lâu nay, “đánh lận con đen” được giải thích ra làm sao?
“Con đen: (lê dân), người phàm phu (Kim, Vân, Kiều truyện - bản Trương Vĩnh Ký, in năm 1875); “Con đen là bởi chữ kiềm lê, là nói dân đầu đen, nghĩa là những người ngu dại” (Truyện Thúy Kiều, bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, in năm 1925); “Con đen: chỉ người dân đen, người khờ dại; liên hệ với con đỏ hay xích tử chỉ người dân nghèo khổ trần trụi (Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, in năm 1974).
Câu thơ “Mập mờ đánh lận con đen” trong kiệt tác Truyện Kiều, hiểu như vậy chăng? Không. “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) của Huình Tịnh Paulus Của giải thích là đúng hơn cả: “Con đen: con ngươi, tròng đen. Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”. Thế thì, hành động xảo quyệt, dối trá của gã Mã Giám Sinh là đánh lận/ đánh lừa cái nhìn của người khác, bất luận là ai chứ không chỉ “dân đen”.
Rõ ràng, từ “đánh” trong tiếng Việt được sử dụng uyển chuyển, đa dạng dành cho nhiều động tác, hành động khác nhau, tùy ngữ cảnh.
Trở lại với “Chùa đàn”, ta hãy đọc lại đoạn lúc người ta đánh cây gạo đưa về ấp Mê Thảo: “Mặt giời lệch bóng, ba chục dân ấp Thảo lực lưỡng bắt đầu thắt cổ cây gạo sừng sững trên dòng suối Vầu. Nhiều múi thòng lọng dây thừng thít mãi vào những cành to giang ra như cánh tay đầu hàng. Những cật người uốn cong gò bấy nhiêu đầu thừng về một phía. Cây gạo xiên dần xuống rồi vật mạnh xuống như một kẻ chiến tranh bị trúng độc kế ở mặt trận, làm tung bắn lên những thân hình người đang oằn oại trên những đoạn luồng già dùng làm bẫy cắm chèn vào kẽ gốc. Suối Vầu tung nước. Rừng Vầu vang bật lên một tiếng quật gốc già. Đầu rễ cái gốc gạo nhựa rỉ tuôn tợ máu phun. Bọn người đánh cổ thụ ấp Thảo bèn chặt những cành to thành những đoạn liền nhau, dúi ngang vào dưới thân cây gạo rồi đẩy dần cây to xuống dốc. Đến những chỗ không thả đà được thì họ lại lồng đầu thừng vào cánh nách mà kéo, vừa kéo vừa hò dô ta. Thân họ vẹo về một chiều trước, như xống ngọn cỏ bị gió lùa mau.
Một ngày đã ngả bóng dâu
Trở về ấp Thảo tưới dâu (ta) chăn tằm... (dô ta)
Rừng thiêng ta ngả cỗi sơn lâm (ta dô ta)
Lần lừa ấp Thảo trông tằm (ta lại) thương dâu (dô ta)
Con người rút ruột con sâu
Đem tơ trả miếng lá dâu xót lòng
Dô ta... ta ớ dô ta.
Bá Nhỡ lẩm bẩm theo: "Ấp Thảo chứ lại ấp Thảo!". Gỗ chạy ầm ầm, lăn thấm qua những giọt mồ hôi người ngả gỗ. Tiếng đồng vọng dô ta làm chấn động một cánh rừng bị thương và vang theo mãi xuống bến sông Tấm đã ken sẵn mấy bè nứa. Bè trôi ra giữa sông đưa cây cổ thụ về bờ bên kia. Bọn người ấp Thảo lau mồ hôi, dịt các vết thương, nói chuyện về ấp tàn, về chủ ấp cuồng và về cây gạo”. Rồi đọc đến câu: “Quá đêm, cây gạo đánh ở suối Vầu đã về chôn đứng trước nhà khách Mê Thảo”.
Ta hiểu đánh/ đánh cây trong trường hợp cụ thể này hàm ý nhổ/ bứng/ quật/ đào một cái cây từ nơi này, giữ nguyên rễ để đem về trồng ở nơi khác. Qua đoạn văn của nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả cực kỳ sinh động, vẽ ra cảnh đánh cây gạo hết sức dữ dội. Mỗi câu văn tràn trề sức sống…