Ca dao ngược và cái nhìn đảo chiều trong việc dạy và học văn hôm nay

Chủ Nhật, 01/12/2024, 08:37

Ca dao Việt Nam có nhiều câu hát thú vị, thể hiện sự thông minh, hóm hỉnh và hài hước của người bình dân xưa. Trong số đó, có thể nói đến những câu ca nói ngược gợi ra cái nhìn đảo chiều về các sự vật, hiện tượng trong đời sống. Từ những bài ca dao ngược, tới cái nhìn đảo chiều khi khám phá một số truyện cổ dân gian của Việt Nam, có thể thấy việc dạy và học văn hiện nay ở trường phổ thông hoàn toàn có thể được "kích hoạt" theo một cách khác để khơi dậy tư duy phản biện, mở rộng tầm nhìn và bồi dưỡng năng lực suy nghĩ độc lập ở học sinh.

Ca dao ngược

Nhắc tới những bài ca dao ngược, có thể kể tới bài "Bao giờ cho đến tháng ba" với những câu: "Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng/ Hùm nằm cho lợn liếm lông/ Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi/ Nắm xôi nuốt trẻ lên mười/ Con gà nậm rượu nuốt người lao đao/ Lươn nằm cho trúm bò vào/ Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô…".

Ca dao ngược và cái nhìn đảo chiều trong việc dạy và học văn hôm nay -0
Truyện “Tấm Cám”.

Cách nói ngược đã lộn trái hình ảnh đời sống quen thuộc, mang đến những ồ à bất ngờ trong hình dung và tưởng tượng của người đọc, từ đó phát khởi tiếng cười, niềm vui và hoàn toàn có thể kích hoạt những suy tư mới ở người đọc, người nghe. Hay chuyện thời tiết nóng lạnh vốn quen thuộc với người dân miền Bắc cũng được nhìn với cái nhìn "đảo chiều" trong bài ca dao: "Bước sang tháng sáu giá chân/ Tháng một nằm trần bức đổ mồ hôi/ Con chuột kéo cày lồi lồi/ Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong….".

Những hình ảnh đảo chiều trong bài ca dao đã phá vỡ cái nhìn quen thuộc, lối tư duy dường như đã bị tự động hóa ít nhiều của bạn đọc, tái tạo lại hình ảnh đời sống trong một dáng vẻ tươi mới, bất ngờ và mang lại tiếng cười với nhiều cung bậc khác nhau. Làm sao có thể không cười khi hình dung ra cảnh: nắm xôi nuốt đứa trẻ, người say rượu bị chính con gà và be rượu lấy làm "đồ nhắm", con chuột kéo cày ì ạch còn con trâu ngồi trong cong bốc gạo… Sau tiếng cười sảng khoái, thú vị, nhiều người đọc có thể nghĩ tiếp tới những chuyện lạ có thật, những chuyện ngược đời tưởng không có mà hoá ra vẫn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.

Cách nói ngược này, nếu xem như một gợi ý về phương pháp để nhìn lại một số truyện cổ tích vốn quen thuộc của Việt Nam như "Thạch Sanh", "Tấm Cám", "Cây tre trăm đốt" có thể mang tới nhiều phát hiện bất ngờ.

Truyện cổ tích qua một số trường hợp "nhìn ngược"

"Thạch Sanh" là một truyện cổ tích quen thuộc. Thạch Sanh mồ côi cha mẹ, sống ở gốc đa, ngày ngày vào rừng đốn củi nuôi thân. Một hôm, Thạch Sanh gặp Lý Thông và kết nghĩa anh em. Từ đó, Lý Thông liên tiếp lừa gạt Thạch Sanh khiến cuộc đời chàng gặp hết tai họa này đến tai họa khác. Phần lớn những tai họa trong cuộc đời Thạch Sanh đều do Lý Thông trực tiếp gây ra. Cách diễn giải thông thường về truyện cổ tích này gắn với câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác. Lý Thông đại diện cho phe ác, kẻ ác, cái ác - tìm đủ mọi cách để tiêu diệt Thạch Sanh. Còn Thạch Sanh đại diện cho người hiền, điều thiện nên cuối cùng chàng chiến thắng. Mẹ con Lý Thông phải trả giá đắt cho những việc làm độc ác, xấu xa của mình.

Câu chuyện sẽ được "tư duy lại" nếu đặt ra câu hỏi: Nếu không có Lý Thông, Thạch Sanh là ai, cuộc đời chàng diễn ra như thế nào? Có lẽ Thạch Sanh sẽ sống bằng nghề đốn củi, lấy vợ, sinh con và cuối cùng chết vì già chăng? Thật buồn lòng bởi không có Lý Thông, còn đâu chàng Thạch Sanh dũng sĩ, chất ngất khí phách, chói sáng tài năng, tạo nên những chiến công lay trời chuyển đất. Cuộc đời con người ghi dấu bằng hành động. Hành động khẳng định tài năng, vị thế và đóng góp của mỗi cá nhân. Nên nếu không có Lý Thông, Thạch Sanh đâu biết mình có nhiều tài năng đến thế? Chính vì gặp Lý Thông, nên Thạch Sanh mới có cơ hội thử thách bản thân và phát lộ những giá trị tiềm ẩn trong mình. Một người thợ đốn củi có lẽ không cần đến lòng dũng cảm nhưng giết ác thú cần tài năng, mưu trí và cả lòng dũng cảm vô song. Bắn trúng đại bàng cũng là một tài năng. Xuống hang sâu tìm ra công chúa và nhường nàng lên trước vừa thể hiện tài năng vừa cho thấy tấm lòng vị tha cao đẹp. Nếu Lý Thông không lấp cửa hang, Thạch Sanh sẽ không đi tiếp và cứu được con vua Thủy Tề.

Nên có thể thấy, mỗi tội ác Lý Thông gây ra cho Thạch Sanh, hòng cướp đi mạng sống và tận diệt chàng đều là "may mắn" với Thạch Sanh. Cứu được con vua Thủy Tề, Thạch Sanh có thêm quà tặng là niêu cơm và cây đàn thần. Vì thế, Thạch Sanh biết rằng hóa ra mình còn có tâm hồn của một nghệ sĩ. Trong những ngày bị giam trong ngục tối, cây đàn giúp chàng thổ lộ nỗi lòng qua tiếng "tích tịch tình tang". Tiếng đàn đã cứu Thạch Sanh, giúp chàng đòi lại công bằng. Và sau này, cũng nhờ cây đàn và niêu cơm thần mà Thạch Sanh hoàn thành trọng trách của người đứng đầu đất nước. Dẹp yên giặc, giữ an toàn bờ cõi đất nước mà không mất một hòn tên mũi đạn bởi chàng đánh đàn và chiêu đãi quân địch được ăn no trước khi trở về. Nếu không có Lý Thông, thử tưởng tượng xem, cuộc đời Thạch Sanh sẽ ra sao? Chắc hẳn sẽ êm đềm nhưng cũng… buồn nhiều nhiều lắm? Và người đọc, nhất là những đứa trẻ, làm sao có thể háo hức nếu nghe truyện “Thạch Sanh” mà không có Lý Thông?

Nên may mắn của Thạch Sanh chính là gặp được Lý Thông. Nhờ Lý Thông mà mọi tài năng, phẩm chất và vẻ đẹp sâu thẳm bên trong Thạch Sanh có cơ hội được hiện diện và sáng rõ. Cũng như, cuộc sống cần sự an ổn nhưng cũng cần tới sóng gió. Bởi sóng gió giúp con người hiểu: mình có thể mạnh mẽ và bản lĩnh đến nhường nào? Có phải vậy chăng?

Ca dao ngược và cái nhìn đảo chiều trong việc dạy và học văn hôm nay -0
Truyện “Thạch Sanh”.

Một câu chuyện quen thuộc khác trong cổ tích Việt Nam là “Tấm Cám”. Truyện cũng cho thấy cuộc đấu tranh giữa cái thiện mà đại diện là Tấm và cái ác mà đại diện là mẹ con Cám. Cũng như với truyện Thạch Sanh, có thể thấy mẹ con Cám tìm đủ mọi cách để hành hạ, tiêu diệt Tấm, giết Tấm hết lần này tới lần khác từ chặt cây cau, giết chim vàng anh, chặt cây xoan đào tới đốt khung cửi vốn là những hoá thân của Tấm. Sự độc ác, tàn bạo, không bỏ cuộc của mẹ con Cám cho thấy cuộc đấu tranh sinh tử, mất còn giữa cái Thiện và cái Ác vốn luôn tồn tại trong đời sống. Tấm quá khổ vì mẹ con Cám. Nhưng nếu câu chuyện được đổi hướng thành: sau khi mẹ mất, cha cũng mất, Tấm được dì ghẻ và con gái của dì là Cám rất mực yêu thương… thì câu chuyện sẽ diễn biến ra sao? Có gì để nói về cô Tấm nữa?

Câu chuyện sẽ rất buồn bởi Tấm sẽ lớn lên, lấy chồng, sinh con, sống êm đềm ở làng quê rồi… khi già cô ấy sẽ chết. Trái tim mọi bạn đọc, nhất là trẻ thơ sẽ "gào thét", bởi không thể thế được. Cần trả lại cô Tấm cho độc giả như truyện cổ tích. Vậy thì Tấm chỉ có thể đẹp, thật đẹp bởi sự xuất hiện của mẹ con Cám. Dì ghẻ và Cám càng độc ác, xảo quyệt, gian ngoan, thử thách với Tấm càng lớn. Trong sóng to, bão dữ, Tấm mới biết cô không chỉ có sự chăm chỉ, thảo hiền, không chỉ có nước mắt, cô còn có cả trí thông minh, bản lĩnh quật cường, sự nhạy bén trước mọi tình thế khó khăn. Đặc biệt hơn, Tấm nhận ra: chỉ có nỗi sợ mới là điều đáng sợ. Từ chỗ sợ dì mắng, chỉ biết khóc, thụ động trông chờ sự giúp đỡ của Bụt. Tấm không khóc nữa. Không có giọt nước mắt nào rơi, chỉ có tiếng hót vàng anh lảnh lót, tiếng lá xoan đào rì rào, tiếng khung cửi kẽo kẹt. Tấm đã cất tiếng theo những cách khác nhau.

Nói cách khác, mẹ con Cám là "cây gậy thần" khiến Tấm "lột xác" thành một cô Tấm khác, với một cuộc đời hoàn toàn khác. Nếu không có mẹ con Cám, chắc hẳn giờ này, Tấm vẫn còn là Tấm, ngồi hiền lành bên khung cửi và dệt những tấm vải mà thôi. Nên, nhất định là, cần có dì ghẻ và Cám - là những tạo tác để Tấm "lột xác" thành một cô Tấm - biểu tượng cho sức sống quật cường không thể dập vùi của cái Thiện trước cái Ác. Biểu tượng của vẻ đẹp dịu hiền mà vẫn vững vàng cho mọi người hiền có thể đi qua bóng tối và những nỗi sợ khác nhau trong cuộc đời.

 "Nhìn ngược" khi đứng về phe kẻ xấu - với truyện "Cây tre trăm đốt" sẽ thấy gì? Nếu phú ông trả lương đúng hẹn, anh Khoai ngày ngày làm một người đi ở chăm chỉ thì hết đời anh Khoai vẫn chỉ là anh Khoai. Chính sự lừa bịp, xảo trá của phú ông: quịt tiền công đi ở ba năm, "đánh tháo" lời hứa gả cô út bằng việc lừa bắt anh Khoai tìm cây tre trăm đốt đã khiến anh Khoai sáng mắt, sáng lòng và sáng trí. Kết thúc truyện, dù tiên ông không dạy anh cách trừng phạt kẻ ác nhưng anh Khoai đã tìm ra cách để trừng phạt phú ông, đòi lại công bằng cho mình. Lão phú ông xấu xa - chính là thuốc sáng mắt cho anh Khoai, cũng như mọi người hiền lành, bình thường trong cuộc đời, đôi khi cũng cần đến những viên thuốc đắng để có thể biết mình thông minh và giỏi giang hơn mình vẫn nghĩ.

Tóm lại, trong việc dạy văn trong trường phổ thông hiện nay, nếu đi mãi một lối mòn, khơi mãi một dòng sông thì tất yếu con đường sẽ lầm bụi, dòng chảy sẽ cạn khô. Vì vậy, đề xuất một cái nhìn "đảo chiều" được gợi mở từ xa xưa trong văn học dân gian của cha ông, hi vọng góp thêm một cách khám phá mới cho việc dạy văn, học văn - vốn có ý nghĩa lớn trong việc bồi đắp tâm hồn trẻ thơ hôm nay.

Hương Mộc
.
.
.