Bèo, béo, bẹo, bẻo, bẽo…

Thứ Bảy, 30/07/2022, 14:00

Bà Ba béo bủng bán bún bò, bún bung, bánh bèo, bánh bò, bầu bí, bòn bon, bưởi bòng, bột báng… bên bờ biển. Bả buôn bán bịp bợm, ba bứa, bày biện bừa bãi, bưng bê bê bối bị bộ binh bắt bỏ bót bít bùng, biền biệt ba bốn bữa. Bả bấm bụng buồn bã, bực bội bởi bị ba bên bốn bề bỉ bai: “Bèo”.

Bèo là gì?

Sử chép, năm 1540, lợi dụng tình hình nước Nam ta đang rối ren, vua nhà Minh sai Mao Bá Ôn sang dò xét nội tình để vạch kế hoạch xâm lược. Khi đến ải Nam Quan, y kiêu ngạo viết bài thơ có tựa là “Bèo”. “Giai thoại làng nho” (Nam chi tùng thư xuất bản năm 1972) của nhà nghiên cứu Lãng Nhân có đưa ra “bản dịch cũ”, trong đó có câu:

Tụ rồi đã chắc không khi tán,

Nổi đó nào hay có lúc chìm.

Đến độ trời chiều phong khí lạnh,

Quét về hồ biển hẳn khôn tìm.

Ta hiểu là nói về thân phận của bèo. Bấy giờ, vua Mạc Phúc Hải đưa bài thơ cho Trạng nguyên Giáp Hải họa lại. Biết thâm ý của “thiên triều”, ông hạ bút:

Nghìn trùng sóng đánh thường không vỡ,

Muôn trận phong suy cũng chẳng chìm.

Nào cá nào rồng trong đó ẩn,

Cần câu Lã Vọng biết đâu tìm.

Nhận được bài thơ họa, Mao Bá Ôn tuy giận run người nhưng cũng khâm phục tài năng và khí phách người nước Nam. Có lẽ đây là một trong những bài thơ trước nhất lấy bèo để ngụ tình ngụ ý trong thơ Việt. Tuy nhiên, bèo được nhiều người nhớ đến nhất vẫn là câu thơ: “Văn chương hạ giá rẻ như bèo” (Tản Đà). Thế thì bèo này có liên quan gì đến bà Ba béo bủng, lúc thiên hạ bỉ bai là “bèo”? Trước hết, ta hãy bàn về… bánh bèo. Bánh làm bằng bột gạo đổ vào chén nhỏ, có hình thù giống như cánh bèo, người ta chưng cách thủy, giữa bánh có chỗ lõm để cho nhân vào đó.

Trong chuyên luận “Người Quảng Nam” (NXB Trẻ - 2012) tôi có kể lại cách ăn bánh bèo của người xứ Quảng: “Thuở nhỏ, tôi đã thấy mẹ tôi làm bánh bèo. Khi hấp xong. Bánh chín, bột nở, mặt bánh trắng như cơm dừa, sát vành miệng chén. Phần trũng ở giữa chén bánh, khi ăn có đổ kín một lớp “nhưn” (nhân) sềnh sệt. Đơn giản chỉ là tôm khô giã nhỏ, xào với lá hành hay hẹ. Khi ăn bánh bèo người Quảng Nam dùng một vật dụng gọi là cái siêu - làm bằng thanh tre cật già, dài khoảng 10 cm, vót giống hệt thanh siêu đao. Ta dùng thanh siêu rạch chén bánh một chữ thập, tách thành bốn miếng. Nếu ăn nhỏ nhẻ kiểu “yểu điệu thục nữ” thì xin mời xéo đường siêu thêm một chữ X nữa để có tám miếng bánh nhỏ hơn.

Động tác kế tiếp là dùng mép siêu kê sát bên trong vành chén, xoáy một vòng tròn giáp mí để các miếng bánh không còn dính chén. Xong, ta chan nước mắm vào trong chén, rồi dùng mũi nhọn của siêu cắm từng miếng bánh để ăn. Ăn chỉ độ vài ba chén là ta cảm thấy no một cách nhẹ nhàng như vừa thưởng thức xong một bài thơ trường thiên lục bát! Chẳng mấy ai ăn bánh bèo vào buổi sáng, thông thường họ chỉ ăn vào khoảng ba, bốn giờ chiều, lúc ngủ dậy bụng lưng lửng đói”.

Bèo, béo, bẹo, bẻo, bẽo… -0
Ảnh: LG.

Ớ kìa, ngạc nhiên chưa, hiện nay, đã xuất hiện cụm từ quen tai mà không phải ai cũng hiểu rõ nghĩa “Gái bánh bèo”. Với “từ khóa”: “Gái bánh bèo là gì?”, chỉ nháy mắt ta sẽ có “Khoảng 1.120.000 kết quả (0,83 giây)” cùng lời giải thích trước nhất: “Dùng để chỉ những cô gái hay chàng trai quá nữ tính, yểu điệu... Thường thì người bánh bèo thích dựa dẫm vào người khác. Họ không tự chủ bản thân mà thích nhờ vả, dựa dẫm hơn, vì thế mà đôi khi còn bị gọi là “bánh bèo vô dụng”.

Tham khảo tiếp các ý kiến nữa, xét ra hầu hết các “định nghĩa” khác cũng na ná. Nhưng chẳng ai có thể giải thích, tại sao bánh bèo lại bị lôi tuột vào trong vụ “scandal” gái bánh bèo, có phải do từ bản chất của bánh là mềm? Ơ hay, bánh nào lại không mềm? Hoặc do từ bèo khiến thiên hạ dễ liên tưởng tới “bèo nhèo” mà từ này nghĩa: “1. Mềm nhũn, nhão, bầy nhầy: miếng thịt bèo nhèo; 2. Nhõng nhẽo hay quấy khóc, vòi vĩnh, gây cảm giác khó chịu: Thằng bé bèo nhèo đòi ăn suốt ngày”, “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích. Hay vì gì lý do gì khác? Khó có thể “chốt hạ”. Điều này cho thấy một khi tìm hiểu cách nói tiếng lóng của người trẻ hiện nay không dễ lắm đâu.

Một người than: “Sắp Tết rồi mà tiền thưởng bèo quá” là hàm ý chẳng đáng bao nhiêu, số tiền ấy nhỏ nhoi, ít ỏi chẳng khác gì “Bò chét nhét miệng hùm”. Bèo là ít, mà bèo bọt càng ít hơn nữa, tuy nhiên với câu: “Rộng thương cỏ nội hoa hèn/ Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau” (Truyện Kiều) thì “bèo bọt” phải hiểu qua nghĩa khác. Bèo bọt là cánh bèo, cái bọt nổi trôi, trôi dạt trên mặt nước theo dòng chảy, không chốn nương thân nhằm ngụ ý về thân phận hèn mọn, bọt bèo trôi nổi…

Có người nọ hỏi người kia đang “Gà trống nuôi con”: “Thế nào, dạo này đã có ai chưa?”, bèn đáp: “Tớ bèo quá, chẳng cô nào thèm”. Bèo này nghèo, chẳng có gì đáng giá, đã mất giá. Lúc “Bà Ba béo bủng bị ba bên bốn bề bỉ bai: “Bèo”, thì bèo hiểu theo nghĩa này. Nay, còn có câu ngộ nghĩnh: “Bèo như con cá kèo”. Có đốt đuốc sáng đêm đi tìm con cá kèo hỏi tại sao có so sánh này, chắc nó cũng bí rị bà rì, rồi biết đâu lại còn bị nó mắng do hỏi câu quá sức “Tào lao bí đao” đấy nhỉ?

Vậy, làm nên sự lắt léo, thậm chí rắc rối trong tiếng Việt còn là do sự xuất hiện trùng trùng điệp điệp của các từ đồng âm. Đã có một vài từ điển đồng âm tiếng Việt được ấn hành, tuy nhiên chỉ mới dừng lại khảo sát các từ có tính phổ thông, như thế vẫn chưa đủ. Bởi vì rằng, cũng từ đồng âm đó, nhưng tùy vùng miền lại hiểu theo nghĩa khác. Thế mới là tiếng Việt. Đã thế, cũng một từ đó nhưng thay đổi dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng ắt nghĩa cũng thay đổi. Tất nhiên rồi, nói như cách nói tếu táo hiện nay là: “Chỉ được cái nói đúng”.

Nghe khen thế, vui quá, từ bèo, ta hãy cà kịa quá béo xem sao.

Này, bạn mình ơi, trước hết xin hỏi rằng, một khi ai đó, có thể do vợ chết/ ly dị vợ nên mới trở thành “lính phòng không”. Vậy, nếu người này đến với người đàn bà cùng hoàn cảnh thì sự xe duyên đó gọi là gì? À, gọi bằng cụm từ dân dã, dễ nhớ, nghe tức cười: “Rỗ rá cạp lại”. Cạp là buộc/ viền/ bịt xung quanh mép dụng cụ đan dệt/ đan lát để nó khỏi xơ, sờn, rách bị bung ra. Gần đây, có kẻ huênh hoang huếnh hoáng: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Cạp trong ngữ cảnh này lại là gặm, cắn từ ngoài vào như cạp bắp, cạp khoai lang sống… Từ cạp đi vào thơ Trang Thế Hy:

Em cầm một củ khoai

Ghé răng cạp vỏ rơi

Xong rồi mình chia đôi…

Với từ cạp, tục ngữ còn có câu “Béo như bồ sứt cạp” là nhằm chỉ ai đó sồ sề, béo quá cỡ thợ mộc, béo ục ịch được so sánh na ná “Béo như con cun cút”, “Béo như trâu trương”, “Béo như bò mộng”… Một người khoe: “Tớ vừa ký được cái hợp đồng béo bở quá”. Béo bở là béo ra làm sao? Béo bở là từ đôi nhằm chỉ món hàng sộp, ngon lành, có thể kiếm được nhiều lời/ lãi. Nghe câu khoe ấy, người đối diện bĩu mép: “Cậu béo mép đến là tài”. Người kia chống chế: “Ừ, có thế mình mới béo chứ?”. Béo này lại là lợi lộc. Còn béo mép là chỉ ai đó nói trơn miệng, lưỡi như thoa mỡ nhưng chẳng làm được gì sất, đúng là “Ba voi không được bát nước xáo”. Béo là mập - trái nghĩa với gầy. Nếu không dùng từ gầy, gọi là ốm cũng chẳng sao:

Chim chuyền nhành ớt líu lo

Sầu ai nông nổi ốm o gầy mòn

Nỗi tương tư này, còn gọi sầu tình:

Sầu tình cơm chẳng muốn ăn

Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm

Cha chả tội nghiệp. Không ăn thì gầy/ ốm, ốm tong ốm teo là phải rồi. Khổ nổi, ốm còn chỉ trạng thái không được khỏe mạnh - như cụ Tú Xương có lúc:

Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông

Tưởng rằng ốm dậy, hóa ra không

Lúc hết ốm, bước vào quán phở làm một bát bồi dưỡng chăng? Tất nhiên. Có người dặn chủ quán: “Vẫn tái nạm giòn, ít béo”. Thì béo lại chỉ nước mỡ béo ngậy. Một cô bé la toáng lên: “Má ơi, chị Hai béo má con nè”. Mà béo cũng là véo. Véo là lúc ấy cô bé bị chị nghịch ngợm chụm đầu ngón tay trỏ với tay cái bẹo ngay vào má. Véo/ béo trong ngữ cảnh này cũng là bẹo. Thế nhưng lúc nhà văn Trang Thế Hy viết: “Em bẹo hình hài đem bán...”. Thế thì, hiểu thế nào cho đúng từ bẹo? “Việt Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Bẹo: Nêu ra, để ra cho người ta ngó thấy”. Ta hiểu là phô trương, phơi bày hình thể, khêu gợi sự thèm muốn của người khác. Dấu vết của nghĩa này, còn nằm trong câu cửa miệng: “Bẹo hình bẹo dạng”.

Khi đi về miền sông nước miền Tây Nam Bộ, ta thấy một cách tiếp thị sản phẩm rất độc đáo là các trái cây mua bán như dưa hấu, bầu bí, khoai lang, bưởi, khóm, chuối, hành, tỏi… được treo lủng lẳng trên vài cây tre cắm ngay tại thuyền/ ghe. Khách đi xa cũng có thể nhìn thấy, tìm đến mua. Cây này gọi là “cây bẹo”. Xưa kia, nhằm đuổi chim chóc, không cho chúng phá hoại mùa màng, sà xuống ăn thóc, lúa thì nông dân thường dựng bù nhìn/ bồ nhìn trên cánh đồng, vườn tược. Đó là cái hình người nộm được bện bằng rơm rạ, đầu đội nón cời - hầu như nay ít thấy nữa, tuy nhiên thành ngữ vẫn còn ghi nhận: “Bồ nhìn coi ruộng dưa”. Tương truyền vua Lê Thánh Tông có bài thơ vịnh bù nhìn, và câu luận miêu tả chính xác:

Dẹp giống chim muông xa phải lánh,

Dể quân cày cuốc gọi không thưa.

Tương tự “bù nhìn”, thời xưa ở miền Nam lại gọi “bẹo chim”, hiểu theo nghĩa: “Để vật chi cho chim ngó thấy mà tránh”, ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích. Nếu muốn trêu chọc, chọc tức, trêu ngươi, trêu gan ai đó, ta còn có thể dùng từ bẹo gan. Còn bẹo mặt là chường mặt ra để chọc tức người khác cho bõ ghét. Thế thì bẹo nhẹo là gì? Chỉ là cách phát âm của bèo nhèo hiểu theo nghĩa mềm nhũn, nhão, bầy nhầy.

Xin cắc cớ hỏi thêm rằng, đã bàn về béo, bẹo, bèo sao lại không “đá giò lái” qua bẻo/ bẽo?

Vâng bạn mình ơi, xin nói ngay, tùy ngữ cảnh “bẻo” cũng có nghĩa là bẹo. Chẳng hạn, còn nhớ kỷ niệm thời nhỏ còn đi học ở Quảng Nam, lúc ra chơi thấy bạn cầm cái bánh ngon quá, thèm quá, có đứa năn nỉ, thay vì nói bẹo thì: “Nề mi, cho tau bẻo một chút”. Bẻo là chụm hai đầu ngón tay để ngắt/ véo một chút ít. Ít như thế nào? Ít bẻo beo. Chỉ chút xíu, tí ti mà thôi. Một người mẹ bảo con: “Trưa trầy trưa trật rồi, con cứ bẻo lẻo thì sao tía nghỉ trưa?”. Bẻo lẻo là hoạt bát, tía lia, mau mồm mau miệng hay nói bô lô ba la, ồn ào...

Thiếp toan bồng bế con sang

Thấy chàng bạc bẽo thiếp mang con về

Bạc bẽo là cách ăn ở, cư xử với người thân không ra gì, không nghĩ gì đến tình xưa ân nghĩa. Nhưng bạc bẽo cũng hàm nghĩa khi bỏ ra nhiều công sức nhưng lại không được đền bù xứng đáng, chẳng hạn, osin nọ làm việc quần quật ngày đêm nhưng tới kỳ lương chỉ nhận được ba cọc ba đồng, bèn than: “Tiền công bạc bẽo quá”; hoặc nói: “Tiền công bèo quá/ Tiền công bọt bèo quá” cũng cùng nghĩa.

Bẽo cũng đi vào tiếng lóng. Kỳ bẽo là chỉ dân chơi cờ bạc bịp. Bịp là trổ mòi mánh khóe, gian lận, bịp bợm khéo léo nhằm moi tiền người khác một cách hợp lệ. Tại sao có tiếng lóng kỳ bẽo? Đơn giản, “cờ” là “kỳ”; bạc còn có tiếng đôi “bạc bẽo”. Thiên hạ mới hoán đổi và gán ghép mà thành “kỳ bẽo”. Cách tốt nhất vẫn là né xa trò chơi đỏ đen này. Mà này bạn mình ơi, nãy giờ đã bàn về bèo, béo, bẹo, bẻo, bẽo có lẽ cũng được rồi chăng? Thế thì, sao ta không diện bảnh bao đi ăn bánh bèo, lai rai bia bọt cho bĩ bàng?

Vâng, tại sao không?

Lê Minh Quốc
.
.
.