V.League nỗ lực chuyên nghiệp từ những điều xuề xòa
Nhiều năm qua, VFF và VPF luôn cố gắng để hình ảnh V.League thật sự chuyên nghiệp. Nhưng có những chi tiết nhỏ nhặt lại vô ý không được quan tâm thấu đáo hoặc bị xuề xòa bỏ qua. Cho đến thời điểm này, điều vụn vặt ấy mới được để ý và nghiêm túc đưa vào khuôn khổ, theo chuẩn chuyên nghiệp của bóng đá.
Đưa chuẩn AFC vào V.League
Trong thời gian vừa rồi, những đợt tập huấn giám sát, trọng tài ở cả hai miền Nam và Bắc được tổ chức. Mục đích của đợt tập huấn này không chỉ giúp các trọng tài rèn giũa bản lĩnh cầm còi, nghiêm túc rút kinh nghiệm sau những sai lầm ở lượt đi mà còn là các tình huống xoay quanh tổ chức trên sân dành cho những giám sát trận đấu.
Trên thực tế, nhiều chi tiết khá vụn vặt nhưng đã không được giám sát trận đấu ở V.League thực hiện một cách nghiêm khắc hoặc chặt chẽ. Điển hình là hoạt động tác nghiệp của giới truyền thông. Theo quy định từ đầu, việc các phóng viên di chuyển qua khán đài A giữa hai hiệp không được phép thực hiện. Điều này vốn dĩ đã được LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) và LĐBĐ châu Á (AFC) thực hiện chặt chẽ từ hệ thống các giải trẻ thuộc lứa U15/U16. Tuy nhiên tại Việt Nam, chỉ những trận đấu có sự giám sát của AFF và AFC thuộc cấp độ ĐTQG, quy định này mới thật sự được đảm bảo nghiêm ngặt. Các trận đấu ở V.League đa phần khá thoải mái cho các phóng viên. Nhưng vô hình trung, điều đó lại tạo nên tâm lý xuề xòa đến từ cả 3 phía: Phóng viên, BTC trận đấu và Giám sát trận đấu.
Tất nhiên, một số trận đấu đã được làm nghiêm túc vấn đề tài. Điển hình trong các trận đấu của Hà Nội FC, hai bên cánh hướng về khán đài A lập tức được căng dây cùng với sự hỗ trợ của lực lượng an ninh. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách truyền thông của đội cũng thường xuyên có những chia sẻ với các phóng viên về quy định của BTC trận đấu. Điều này cũng đảm bảo cho phạm vi và quyền hoạt động đúng mực của các cơ quan báo chí có bản quyền hay không có bản quyền phát sóng, sử dụng, khai thác hình ảnh của giải.
Một câu chuyện mới đây xuất hiện ở sân Thống Nhất (TP.HCM) tại V.League mùa này. Giám sát trận đấu đã thẳng thắn mời một phóng viên rời khỏi khu vực tác nghiệp vì lý do anh mặc không đúng áo bib (dù vẫn đeo thẻ tác nghiệp) được phát hành của mùa giải năm nay. Trước việc giám sát trận đấu làm nghiêm như vậy, nhiều phóng viên khác và chính người trong cuộc cũng tỏ ra bất ngờ. Nhưng họ cũng hiểu được vấn đề nằm ở đâu. Phóng viên kể trên cũng chấp nhận yêu cầu đúng luật của giám sát trận đấu. Những chi tiết về quyền và nghĩa vụ tác nghiệp tại V.League trước đó vốn dĩ được xem như xuề xòa cần phải nghiêm túc thực hiện ngay từ thời điểm này.
Giới truyền thông thể thao tại Việt Nam từng nói rất nhiều về việc thói quen phản ứng trọng tài của các cầu thủ tại V.League có thể khiến họ phải trả giá đắt trước sự nghiêm khắc của các “vua áo đen” tại AFF, AFC hay rộng hơn là FIFA. Và tương tự như câu chuyện kể trên, nếu các phóng viên xuề xòa trong hoạt động tác nghiệp tại V.League thì rất có thể khi tác nghiệp ở tầm Đông Nam Á, châu Á…, chính họ sẽ phải chịu bài học lớn vì tác phong làm việc chưa chuẩn chỉ của mình.
Cần sự đồng bộ và nỗ lực hơn nữa
Ngay sau câu chuyện ở sân Thống Nhất, một số BTC trận đấu cũng đưa ra thông báo nhắc nhở về hoạt động tác nghiệp của các phóng viên. Tuy nhiên, điều đó cần được thực hiện một cách đồng bộ trên từng trận đấu, ở các sân vận động và xuyên suốt mọi vòng đấu của giải, thay vì một vài những “điểm sáng nhỏ lẻ” như vừa qua.
Thêm một câu chuyện nữa liên quan đến việc khán giả tràn xuống sân sau khi trận đấu khép lại. Theo quy định giải đấu, người hâm mộ sẽ chỉ có thể ở lại khán đài hoặc buộc phải ra về thay vì lao xuống sân như một số trận đấu đã qua ở V.League. Tuy nhiên, điều đó đã không được đảm bảo trên tất cả các sân vận động. Sân Lạch Tray của Hải Phòng chứng kiến 2 vụ lùm xùm liên quan đến khán giả xuống sân.
Cuối tháng 7, BTC sân Lạch Tray của Hải Phòng đã bị phạt 70 triệu đồng vì đã để cho CĐV tự do xuống sân sau trận đấu. Thậm chí, người này còn có hành động tấn công, nhổ nước bọt vào mặt trọng tài chính khi đó là Hoàng Ngọc Hà. Cuối tháng 9, trong trận Hải Phòng và HAGL, các CĐV lại tràn xuống sân để xin chữ ký các cầu thủ. Vô hình trung, việc Công Phượng từ chối ký tặng hay chụp hình với người hâm mộ khi đó lại bị phán xét trên mạng xã hội, như một hành động thiếu thiện cảm từ cầu thủ này. Tuy nhiên ở thời điểm ấy, việc Công Phượng từ chối là một điều hoàn toàn chính đáng và đúng luật.
Một lần nữa, khâu tổ chức trận đấu xoay quanh an ninh khi màn so tài giữa hai đội khép lại đã không được thực hiện chặt chẽ. Những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ ấy có thể tác động đến hình ảnh giải đấu nếu một sự vụ tiêu cực liên đới sau đó bùng phát bất ngờ.
Vậy nên, việc giám sát trận đấu nghiêm khắc trong câu chuyện mời anh phóng viên ngừng tác nghiệp vì không đáp ứng đủ hành trang tác nghiệp kể trên cũng là điều phải làm. Và nếu như mỗi một thành viên tham gia vào trận đấu, từ khán giả, truyền thông cho đến những cầu thủ, Ban huấn luyện đều ý thức được rõ nhiệm vụ và phạm vi của mình thì chắc chắn, ngày V.League chuyên nghiệp một cách thực sự cũng đến gần hơn.
VFF làm chặt quy chế cấp phép chuyên nghiệp với CLB
Trước khi V.League 2022 diễn ra, Ban Cấp phép VFF đã họp và rà soát, kiểm tra lại danh sách các đội bóng đủ hoặc không đủ tiêu chí cấp phép. Theo đó, có 11 CLB V.League được cấp phép tham dự các giải châu Á năm 2022. Gồm: HAGL, Viettel, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Dương, Hà Nội FC, Đà Nẵng FC, Hà Tĩnh, CLB TP.HCM, Sài Gòn FC, Hải Phòng. SLNA, 1 trong 3 CLB không đủ tiêu chí cấp phép đã nỗ lực nâng cấp các hạng mục sân Vinh để đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất. Trường hợp của Bình Định cũng được nhắc nhở xoay quanh tiêu chí đào tạo trẻ. Với trường hợp của Than Quảng Ninh, đội bóng này đã bị thẳng tay loại khỏi hệ thống giải chuyên nghiệp vì không đảm bảo tiêu chí về tài chính.
Có thể nói so với những năm trước, Ban cấp phép VFF đã làm chặt chẽ hơn, hạn chế những trường hợp phải cấp phép ngoại lệ nhằm giúp V.League có một diện mạo chuyên nghiệp hơn từ các CLB.