V.League cũng hành xác: Thay đổi hoặc tụt hậu
Không chỉ Ngoại hạng Anh, V.League cũng có giai đoạn thi đấu với mật độ “khủng khiếp” lên đến 3 ngày 1 trận. Nhiều đội bóng gục ngã vì không có thời gian nghỉ, nhưng cũng có những đội bứt phá mạnh mẽ. Câu chuyện ở đây không đơn thuần là lịch thi đấu căng thẳng đến đâu, mà còn là khả năng thích nghi của các CLB V.League.
Vì sao V.League 1 tháng đá 7 vòng?
Tháng 5/2024 có lẽ là tháng khắc nghiệt nhất trong lịch sử V.League khi có tổng cộng 7 vòng đấu diễn ra (từ vòng 16 đến vòng 22). Bắt đầu từ ngày 3/5 đến ngày 31/5, các CLB liên tiếp thi đấu với mật độ 3 đến 4 ngày 1 trận. Chưa kể các đội còn tham dự Cúp Quốc gia còn phải đá nhiều hơn. Để đảm bảo điều này, V.League gần như không quan tâm đến việc vòng đấu diễn ra vào thứ mấy, có phù hợp để thu hút khán giả đến sân hay không.
Chặng “hành xác” này của V.League không khác gì chặng tourmalet nổi tiếng của Ngoại hạng Anh mỗi dịp Giáng sinh, năm mới. Và tất nhiên, không phải đội bóng nào cũng có thể theo kịp lịch trình này. Nhiều HLV đã lên tiếng chỉ trích VPF và VFF sắp xếp không hợp lý, không khoa học. Gay gắt nhất là HLV Vũ Tiến Thành của LPBank HAGL.
Sau khi HAGL thảm bại 1-4 trên sân TP Hồ Chí Minh, HLV Vũ Tiến Thành nói: “VPF là làm thuê cho các CLB, mà bây giờ chúng tôi là nạn nhân của họ. VPF lên lịch bốn ngày một trận, tổ chức trọng tài thì nhiều vấn đề, trong khi VFF không can thiệp”.
“Tổ chức như thế, V-League như thế rồi tới đây tuyển Việt Nam thua thì mới thấy. Tôi nhắc lại chúng tôi yêu mới chơi, chứ chán lắm. Từ năm 1980 đến giờ bóng đá Việt Nam vẫn thế, chẳng khác gì. Đến cái đường hầm đi vào nhìn chán, không có công nghệ gì cả, nên tôi mới nói Cúp Quốc gia như giải phường đấy… Bóng đá Việt Nam phú quý giật lùi”.
Tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại. Thực tế, kế hoạch tổ chức thi đấu V.League cũng như các giải bóng đá chuyên nghiệp khác đã được VPF, VFF thống nhất với các CLB từ trước khi mùa giải mới bắt đầu. Ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc VPF, Trưởng ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2023/24 cho biết đây là mùa giải chuyên nghiệp.
Khung thời gian tổ chức V.League bị thu hẹp vì nhiều lý do. Đầu tiên là việc thay đổi theo khung thời gian chuẩn mới của AFC (vắt từ năm này qua năm khác, bắt đầu vào mùa thua, kết thúc vào mùa hè như châu Âu). Thứ hai là một số giải đấu quan trọng cấp châu lục bị lùi lịch thi đấu so với kế hoạch ban đầu, từ Asian Cup cho đến U23 châu Á. Cộng thêm các quãng nghỉ Tết Nguyên đán, FIFA Days xen giữa mùa giải khiến ban tổ chức khó xoay xở.
Ông Nguyễn Minh Ngọc nhấn mạnh lịch thi đấu đã được ban tổ chức gửi đến từng CLB, lấy ý kiến đóng góp, tổ chức hội thảo sắp xếp lịch trình cả mùa giải trước khi thống nhất. VPF cũng lên đầy đủ các phương án khả thi để trình lên Ban chấp hành VFF, nơi có đại diện của 7 CLB V.League xem xét.
Thay đổi hoặc tụt hậu
Nói như ông Nguyễn Minh Ngọc, các HLV chỉ trích lịch thi đấu, chê bai công tác tổ chức của VPF hoàn toàn sai. Tất cả đều đã biết trước mùa giải sẽ diễn ra như thế nào, các quãng nghỉ ra sao. Nếu phản đối, họ nên phản đối ngay từ đầu và đưa ra các giải pháp thay thế phù hợp hơn.
Dễ thấy các HLV chỉ phàn nàn khi kết quả không như ý. HLV Vũ Tiến Thành công kích VPF, VFF sau khi HAGL thua đậm TP Hồ Chí Minh. Ông không phàn nàn khi đội bóng phố Núi thắng liên tiếp Thể Công Viettel và SLNA, bất chấp việc họ không chỉ phải đá 2 trận cách nhau 4 ngày mà còn phải di chuyển hàng nghìn km.
Ngay trước đó, HLV Vũ Tiến Thành lại than vãn về lịch thi đấu V.League khi HAGL liên tiếp bị Khánh Hòa và Quảng Nam cầm hòa, khiến họ chưa thể bứt phá ra khỏi vùng nguy hiểm.
Lịch thi đấu dày đặc nhưng không phải đội bóng nào cũng sa sút. Tháng 5 chứng kiến phong độ thăng hoa của Hà Nội FC, Thể Công Viettel và Hải Phòng. Sau trận thua chính HAGL, đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng bất bại 5 trận liên tiếp ở V.League (thắng 4, hòa 1). Trong khi đó, Hải Phòng chưa thua trận nào từ đầu tháng 5 đến trước vòng 22 (thắng 4, hòa 2). Hà Nội FC bất ổn hơn nhưng đã có 3 trận thắng liên tiếp giúp HLV Daiki Iwamasa được bầu chọn là HLV xuất sắc nhất tháng.
Điểm chung của các đội bóng này là lực lượng có cả chiều sâu lẫn chất lượng, HLV có triết lý bóng đá rõ ràng. Họ không phải mẫu HLV thay đổi chiến thuật hay đổi hình liên tục chỉ vì một vài trận có kết quả không tốt. Khi sự ổn định được tạo ra, việc đá 2 trận 1 tuần không thành vấn đề. Đây vốn là mật độ thi đấu của hầu hết đội bóng trên thế giới, và là cái đích mà các CLB V.League cần hướng tới nếu muốn cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh của giải đấu.
Đây cũng là thời điểm mà họ bắt buộc phải thay đổi, bởi lẽ lịch trình tương lai hứa hẹn còn khắc nghiệt hơn khi các giải đấu mới xuất hiện. Ít nhất, một số CLB hàng đầu của V.League sẽ phải tham gia thêm Cúp C1 Đông Nam Á bên cạnh các giải Cúp của châu Á. Trên thế giới, nhiều HLV lớn cũng từng phàn nàn như HLV Vũ Tiến Thành, nhưng họ không thay đổi được điều gì. Cỗ máy bóng đá vốn vận hành theo cách như vậy để không ngừng tiến lên.
Sông Lam Nghệ An nhận thưởng gần 1,4 tỷ đồng sau 3 trận thắng tại V.League
CLB Sông Lam Nghệ An được các nhà tài trợ thưởng lớn sau khi giành 3 trận thắng liên tiếp ở các vòng 19, 20, 21 V.League 2023/24. Đội bóng thành Vinh đang sống trong những ngày hạnh phúc với hiệu ứng “thay tướng, đổi vận”. Sau khi HLV Phạm Anh Tuấn chính thức lên nắm quyền, họ giành 10 điểm từ 4 vòng đấu gần nhất và lần đầu tiên thoát khỏi vị trí áp chót bảng xếp hạng sau nhiều tháng.
Theo nguồn tin của CLB, số tiền thưởng 1,4 tỷ đồng sẽ được chia cho 41 người, gồm 30 cầu thủ, 5 huấn luyện viên và 6 nhân viên phục vụ đội 1. Số tiền đó sẽ được chia theo từng mức khác nhau, dựa trên sự đóng góp của từng cá nhân trong đội bóng. Đây là liều thuốc tinh thần quý giá cho CLB xứ Nghệ tiếp tục cuộc đua trụ hạng ở mùa giải này.