Nếu U23 Việt Nam đá V.League...

Chủ Nhật, 03/07/2022, 08:30

Đề xuất sẵn sàng hỗ trợ tài chính để U23 Việt Nam thi đấu tại V.League của một doanh nghiệp có thể xem là hợp lý nếu ý tưởng này diễn ra ngay trong mùa giải năm nay. Nhưng điều đó là bất cập nếu xuất hiện ở những mùa giải kế tiếp.

Sự táo bạo của đề xuất U23 Việt Nam đá V.League

Xin nhấn mạnh, đây không phải là một ý tưởng xuất hiện đâu đó qua báo giới. Cách đây 3 ngày, một doanh nghiệp đã gửi công văn tới VFF với cam kết tài trợ toàn bộ chi phí ba năm nếu U23 Việt Nam được chấp thuận đá V.League.

Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này lý giải kỹ hơn với báo giới về mục đích hỗ trợ tài chính để U23 Việt Nam thi đấu ở giải đấu số 1 Việt Nam. Ông nói: "U23 Việt Nam thi đấu rất ấn tượng tại giải U23 châu Á vừa qua, nhưng khi trở về, các tuyển thủ không chắc có nhiều cơ hội được thi đấu ở V.League. Chúng tôi không muốn các tài năng bị mai một, nên muốn tìm một hướng đi thích hợp cho các em, vì lứa cầu thủ này có thể là nòng cốt của đội tuyển Việt Nam về sau”.

Tại giải U23 châu Á 2022, Việt Nam có 16 cầu thủ đang khoác áo các CLB ở V.League. Tuy nhiên, trừ một số ít cầu thủ như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Hai Long (Hà Nội), Nguyễn Văn Toản (Hải Phòng), Nguyễn Thanh Bình (Viettel) hay Lý Công Hoàng Anh (Bình Định)... được trao cơ hội thi đấu, số còn lại đều khó cạnh tranh vị trí trên đội một, trong khi nhiều thành viên khác chỉ đá ở giải hạng Nhất.

Nếu U23 Việt Nam đá V.League... -0
U23 Việt Nam được đề xuất thi đấu ở V.League.

"Chúng tôi biết đề xuất này sẽ rất khó khăn vì cần được sự chấp thuận của VFF, VPF và các đội bóng. Nếu nó được chấp thuận rồi đưa vào hệ thống thi đấu ngay năm nay càng tốt, còn không thì lên kế hoạch cho những năm sau", lãnh đạo này nói.

Khoan nói đến việc ý tưởng này sẽ vận hành ở năm sau như thế nào nhưng riêng tại V.League 2022, đó có thể xem là một điều không tồi nếu U23 Việt Nam hiện diện ở giải đấu. Trình bày tiếp theo của ông Lê Nguyên Hòa trên báo giới như sau: “Đề xuất của doanh nghiệp gửi VFF không phải để U23 Việt Nam tranh tài ở V.League giống như 13 đội còn lại. Đội U23 Việt Nam sẽ đá lần lượt với CLB nghỉ ở mỗi vòng. Cụ thể, V.League 2022 có 13 đội nên mỗi vòng có 6 trận, một đội không thi đấu. Ý tưởng của doanh nghiệp là U23 Việt Nam sẽ đá với lần lượt trước các đội bóng nghỉ ở mỗi vòng đấu tại V.League.

Như đã biết, V.League 2022 có 13 CLB và mỗi vòng đấu sẽ có một đội nghỉ. Để tránh ảnh hưởng đến cuộc đua V.League, U23 Việt Nam khi tham gia V.League có thể sẽ không tính điểm, không tranh hạng. Thời điểm bất kỳ đội V.League nào không thi đấu ở mỗi vòng đấu, sẽ là cơ hội tổ chức trận đấu với U23 Việt Nam. Với cách bố trí này, các đội V.League có thêm điều kiện luyện tập và thử nghiệm, còn lợi ích của U23 thì như chúng ta đã bàn ở trên. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án trận giao hữu này sẽ trở thành ngày hội của người dân địa phương, là nơi để các cầu thủ V.League tri ân khán giả nhà và không bán vé. Chi tiết hoặc triển khai như thế nào còn phải phụ thuộc vào sự bàn bạc thấu đáo của VFF và VPF, các CLB để cho ra cơ chế phù hợp”.

Sẽ bất cập ở mùa giải kế tiếp

Quả thực, nếu nhìn vào đề xuất áp dụng ở riêng V.League 2022 đến từ doanh nghiệp này thì đó cũng là một điều có thể cân nhắc. Bởi ở mùa giải này, việc Than Quảng Ninh bị loại vì không đáp ứng được yếu tố tài chính đã khiến giải đấu chỉ có thể diễn ra với 13 đội thay vì con số 14 như nhiều năm trước đó. Mỗi vòng hiện tại đều chứng kiến 1 CLB phải nghỉ thi đấu và chờ thời gian tiếp theo. Do đó, việc đội bóng đó có thể tranh thủ thi đấu với U23 Việt Nam và không ảnh hưởng đến cục diện của V.League cũng là một tín hiệu phù hợp.

Tuy nhiên, chi tiết này vẫn chưa thể thuyết phục được để ý tưởng U23 Việt Nam thi đấu tại V.League ngay mùa 2022 đi vào thực tiễn. Bởi trên thực tế, V.League 2022 sẽ trở lại guồng quay với mật độ thi đấu dồn dập đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8. Mỗi đội thực tế sẽ chỉ nghỉ khoảng 4-5 ngày trước khi bước vào vòng đấu kế tiếp, nhằm đáp ứng tổng số vòng đấu còn lại lên đến 22 vòng diễn ra trong 3 tháng tới đây. Vậy nên, việc được nghỉ khi các CLB khác thi đấu cũng có thể xem là cơ hội để những đội bóng tại V.League năm nay phục hồi thể lực trong một quãng nhất định.

Những nút thắt về cơ chế thi đấu vốn dĩ vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn ở mùa giải năm nay thì ý tưởng về việc tiếp diễn sự xuất hiện của U23 Việt Nam ở V.League tại những mùa giải kế tiếp càng rối hơn tơ vò. Trong trường hợp U23 Việt Nam được tính thành tích, thứ hạng sòng phẳng như các CLB khác, hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ bị xáo trộn. Còn nếu xem U23 Việt Nam như đội bóng “bình vôi”, không được tính kết quả và thứ hạng như các đội khác, tính chất các trận đấu sẽ bị nghi ngờ.

Câu hỏi quan trọng nữa đến từ chính mùa giải năm nay chứ chưa nói đến năm tới đây là U23 Việt Nam sẽ lấy nguồn cầu thủ như thế nào. Và các CLB có chấp nhận việc nhả quân cho U23 Việt Nam hay không. Một lãnh đạo CLB đặt câu hỏi ngược lại: “Nếu bây giờ thành lập một đội đá chỉ để tích lũy kinh nghiệm nhằm đấu giải quốc tế thì có ăn nhập với hệ thống bóng đá Việt Nam không?”.

Việt Nam đang cố gắng vận hành bóng đá chuyên nghiệp như nhiều nước phát triển trên thế giới. Và những J.League, K.League, Bundesliga, Ngoại hạng Anh, La Liga không hề xuất hiện một đội tuyển trẻ thu nhỏ ở giải đấu của họ. Bởi mỗi sân chơi có một ý nghĩa riêng và luật chơi, điều lệ chuyên nghiệp của nó.

Tại sao không phải là giải dự bị của V.League?

Trên thực tế, việc vận hành một đội chuyên nghiệp tại V.League tiêu tốn khoảng từ 30-50 tỷ đồng/mùa. Nếu doanh nghiệp kể trên thật sự sẵn sàng đầu tư cho U23 Việt Nam tại V.League, họ cũng sẽ mất khoản tiền tương tự kể trên.

Nhưng trong bối cảnh những ý kiến trái chiều vẫn xuất hiện và tính khả thi của sự xuất hiện U23 Việt Nam tại V.League rất mịt mờ thì thay vào đó, doanh nghiệp này hoàn toàn có thể cùng VPF và VFF chung tay tổ chức hệ thống giải dự bị cho V.League. Ở các nước châu Âu, mô hình này hoạt động rất hiệu quả. Bởi những cầu thủ không có cơ hội đá chính tại các vòng đấu ở giải chuyên nghiệp quốc gia hoàn toàn hy vọng được thi đấu ở giải dự bị này. Thông qua đó, họ vẫn duy trì mật độ thi đấu trung bình 1 lần/tuần. Cũng căn cứ từ đây, Ban huấn luyện sẽ đánh giá phong độ, màn trình diễn của các cầu thủ dự bị để sẵn sàng đưa họ lên đội hình chính khi cần thiết.

Ở Việt Nam, ý tưởng này vốn dĩ đã manh nha. Nhưng suy cho cùng, sự thiếu hụt tài chính khiến giải đấu này chưa bao giờ được thực thi. 

Thành Trần

.
.