Man Utd và câu chuyện mô hình một chủ

Thứ Hai, 02/05/2022, 16:10

2h sáng ngày 3/5 (giờ Việt Nam), Man Utd sẽ chơi trận cuối cùng của mùa giải trên sân nhà Old Trafford. Đội bóng dự định sẽ chạy 1 vòng quanh sân để tri ân khán giả nhà đã cổ vũ họ suốt mùa giải. Nhưng từ phía khán giả, chắc chắn sẽ có những phản ứng bất ngờ…

Đáp lại màn tri ân kể trên, hội CĐV Man Utd dự tính việc sẽ đồng loạt đứng dậy bỏ ra ngoài một khoảng thời gian ở phút thứ 17 của trận Man Utd tiếp Brentford, trận cuối cùng của Man Utd ở mùa giải 2021/22 trên sân nhà. Tại sao lại phút thứ 17? Đơn giản, họ muốn thể hiện sự phẫn nộ của mình đối với gia đình Glazers, sau 17 năm họ làm chủ Man Utd, vì thành tích của CLB nhiều năm qua là quá bết bát.

Man Utd và câu chuyện mô hình một chủ  -0
Thành tích của Man Utd không tương xứng với thương hiệu ngôi sao của họ.

Nhìn vào cái cách Liverpool ganh đua từng bước một với Man City ở Premier League cũng như ở cả Champions League mùa giải này; nhìn vào sự nghẹt thở trong cuộc cạnh tranh vé Champions League cuối cùng giữa Arsenal với Tottenham, các ủng hộ viên Man Utd chắc chắn rất chạnh lòng. Vị thế đua tranh ngôi vô địch vốn dĩ đã là thói quen của CLB này và giờ đây, họ bị gạt khỏi cuộc đua hạng sang ấy và ngay cả một chân vững chãi trong cuộc đua lấy vé Champions League họ cũng đã bị khước từ. Đáng nói, chính họ khước từ cơ hội đó của mình và với CĐV Man Utd, lỗi thuộc về chính gia đình Glazers.

Man Utd và câu chuyện mô hình một chủ  -0
Hết mùa giải, Rangnick sẽ là HLV trưởng ĐT Áo nhưng vẫn giữ vai trò cố vấn ở Man Utd 

Thực tế, trách cứ gia đình Glazers về thành tích của Man Utd cũng là hơi quá đáng. Đồng ý là họ đã biến Man Utd thành một CLB thương mại (như cách nói của nhiều người) nhưng không có nghĩa là họ chỉ biết vắt cạn kiệt thương hiệu ấy mà không đầu tư gì cho nó. Theo thống kê, trong suốt 10 năm qua, Man Utd vẫn là đội dẫn đầu châu Âu về đầu tư chuyển nhượng. Tất cả những cái tên họ mang về Old Trafford đều là những thương hiệu thực sự, từ HLV cho tới cầu thủ. Nhưng thương hiệu và chất lượng không đồng hành lại là câu chuyện rất khác, câu chuyện mà giới chủ chỉ chịu trách nhiệm một phần nhỏ.

Sai lầm của Man Utd nhiều năm qua là ở chính sách và quản trị. Với mô hình chuyển nhượng là sự thoả hiệp giữa đội ngũ tuyển trạch và HLV trưởng, Man Utd có thể mang về những ngôi sao có thể tên tuổi rất lớn nhưng chưa chắc đã phù hợp với toan tính của HLV trưởng. Chính sự thoả hiệp này đã khiến HLV trưởng không thể có được một kế hoạch hoàn chỉnh và lâu dài cho đội bóng. Cỗ máy do đó vận hành không hề trơn tru trên sân khi những cá nhân mà HLV trưởng sử dụng chưa chắc đã phù hợp với triết lý bóng đá và lối tiếp cận của HLV ấy.

Chính vì thế, Man Utd đã bắt đầu có dấu hiệu cải cách bắt đầu từ lúc này. Chọn HLV Erik ten Hag với thoả hiệp để Ten Hag toàn quyền quyết định nhân sự là một thay đổi bước ngoặt về chính sách và quản trị. Để thực hiện thay đổi này, Giám đốc tuyển trạch của Man Utd cũng đã phải từ chức để bộ máy tuyển trạch phải được xây dựng hoàn toàn theo ý đồ của Ten Hag và phục vụ thứ bóng đá “hợp khẩu vị” với vị tân HLV này.

Điều đó cho thấy không phải giới chủ Man Utd không quan tâm tới cải thiện thành tích CLB. Dễ hiểu, bóng đá là một ngành kinh doanh dựa rất nhiều trên thành tích thể thao. Không có thành tích, Man Utd khó duy trì vị thế thương hiệu bóng đá top 5 toàn cầu. Phải có thành tích là điều nhà Glazers muốn. Nhưng việc CĐV Man Utd phản đối gia đình Glazers, nếu nhìn ra ngoài câu chuyện thành tích đơn thuần, cũng có những điểm lý thú rất cần lưu tâm. Đó chính là mô hình quản trị một CLB bóng đá, cụ thể hơn là cơ cấu chủ sở hữu.

Man Utd và câu chuyện mô hình một chủ  -0
Hai anh em nhà Glazers .

Với căng thẳng Nga - Ukraine, việc Abramovich buộc phải bán CLB Chelsea là một tất yếu. Todd Boehly, tài phiệt Mỹ, đã xuất hiện trong vai trò người mua và tiếp quản CLB thành London này. Nhiều CĐV Chelsea đã cảm thấy nghi ngại về việc Todd liệu có tận tâm với Chelsea như Abramovich đã từng hay không. Họ nhìn sang nhà Glazers của Man Utd và lo ngại sẽ có một ông chủ Mỹ chỉ quan tâm đến doanh số thay vì tỷ số. Và chỉ cần với ví dụ này, chúng ta nhận thấy thật ra mô hình CLB một chủ như đa số các đội bóng ở Anh đang theo đuổi chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Man City, một CLB được xem là hùng mạnh bậc nhất châu Âu hiện nay, nằm dưới tay giới chủ Abu Dhabi. Newcastle, CLB mới trở nên giàu có, đang có 80% là sở hữu của giới chủ ở Arab Saudi nhưng thực tế, 20% còn lại cũng bị họ khống chế và việc họ hoàn tất sở hữu 100% chỉ là chuyện thời gian mà thôi. Hãy đặt ra câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu có những biến động chính trị toàn cầu dẫn tới việc giới chủ của các CLB kể trên buộc phải bán lại CLB của mình như cái cách mà Chelsea đã phải trải qua? Chắc chắn, con đường, vận mệnh của đội bóng sẽ khác bởi không ai dám đảm bảo một vị chủ mới sẽ quan tâm tới thành tích chu đáo như ông chủ tiền nhiệm.

Cơ cấu một chủ này cũng khá phổ biến ở Pháp, với điển hình là PSG, và đang lây lan sang TBN. Người Đức, tỉnh táo hơn, đã có quy định 51-49 từ rất nhiều năm nay để khống chế không cho phép một cá nhân nào có thể thao túng toàn bộ một CLB. 51% sở hữu của CLB phải thuộc về cộng đồng, tức các thành viên ủng hộ đội bóng trong dân chúng. Còn ở TBN, mô hình cổ điển CLB hội đoàn như Real, Barca vẫn được xem là mô hình “utopia” khi sở hữu CLB hoàn toàn thuộc về các hội viên. Ở hai mô hình Đức và TBN, bất kỳ sự thay đổi chủ tịch nào (ở TBN) hay thay đổi cổ đông lớn nhất nào (ở Đức) đều không khiến CLB bị tổn thương trong các chiến lược đường dài.

Phải thừa nhận, mô hình một chủ giàu có và tập trung quyền lực đầy quyết đoán đã giúp các CLB Anh vươn mình cực nhanh nhờ vào các khoản đầu tư không ai có thể cưỡng lại. Nhưng như cách nói “thuyền lớn nước lớn”, khả năng sóng gió của các CLB này dù ít nhưng một khi đã gặp sóng gió là toàn cỡ bão táp cuồng phong. Dễ hiểu, khi vận mệnh CLB bị đặt vào tay một cá nhân, nó phụ thuộc hoàn toàn vào vận mệnh của cá nhân ấy hoặc cảm hứng của cá nhân ấy với môn thể thao vua.

Người Anh đang bàn luận rất nhiều về một quy định để hạn chế cơ cấu một chủ này nhưng e rằng khó có thể đưa ra được ngay một phương án khả thi khi các ông chủ giàu có nước ngoài đã bén rễ quá sâu ở các CLB. Và ở lần cải cách này của Man Utd, nhà Glazers có cơ hội chứng minh họ thực sự quan tâm tới bóng đá chứ không phải doanh số từ bóng đá. Nhưng nếu cải cách không mang lại kết quả và áp lực từ giới ủng hộ viên là quá lớn với hạt nhân là sự chống đối lại nhà Glazers nhiều năm nay thì kết cục sẽ là gì? Bán Man Utd? Bán cho ai? Và người chủ mới liệu có cái tâm, cái tầm, và một vận mệnh kinh doanh hoàn toàn chắc chắn hay không?

Hà Quang Minh
.
.
.