Từ việc Thanh Hóa vô địch giải U17 quốc gia:

Nghịch lý đào tạo của bóng đá Việt Nam

Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:27
Ít ngày trước, U17 Thanh Hóa đã lên ngôi vô địch giải U17 quốc gia. Đây có thể được coi là một câu chuyện cổ tích với bóng đá Thanh Hóa, bởi hoạt động đào tạo cầu thủ trẻ của họ không thể so sánh với các địa phương khác về cơ sở vật chất lẫn số tiền đầu tư.


Gian khổ là bí quyết

1 tháng trước khi U17 Thanh Hóa vô địch U17 quốc gia, đội U15 của tỉnh này cũng đánh bại rất nhiều đối thủ mạnh khác để giành ngôi Á quân giải U15 toàn quốc.

Chuỗi thành tích ấn tượng đó hoàn toàn trái ngược với điều kiện tập luyện kham khổ của những cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn. Hình ảnh khốn khó của U17 Thanh Hóa hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng đầu tư hiện đại hóa công tác đào tạo trẻ ở nhiều đội bóng khác.

 Đâu là nguyên nhân đứng sau nghịch lý đó, khi những cậu bé thiếu thốn mọi thứ lại có thể đánh bại đối thủ được đầu tư kỹ lưỡng về mọi mặt?

Yếu tố thứ nhất là con người. Bóng đá Thanh Hóa từ lâu đã đào tạo nhiều cầu thủ giỏi, nhiều người trong số họ từng khoác áo đội tuyển quốc gia như thủ môn Vĩnh Lợi, trung vệ Bật Hiếu, tiền đạo Đình Tùng, Văn Thắng... Đất rộng người đông, bóng đá xứ Thanh luôn có những thế hệ nhân tài nối tiếp nhau trình làng. Việc Thanh Hóa chưa bao giờ giành ngôi vô địch V.League phần nhiều vì sự kém may mắn.

Một trong những trung tâm đầu tư nhiều và đang chờ đợi gặt hái thành công.

Sự khổ luyện là một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới thành tích thi đấu đỉnh cao. Trong 2 cuốn tự truyện đã xuất bản, Sir Alex Ferguson đã chỉ ra một sự thật thú vị, rằng phần lớn các cầu thủ sinh ra trong những gia đình lao động nghèo. Quá khứ khó khăn khiến họ xác định đá bóng là con đường duy nhất để vượt khó, và xuất thân nghèo khổ - vốn được coi như bất lợi - lại trở thành động lực thúc đẩy các cầu thủ tập luyện chuyên cần hơn.

"Ở thời chúng tôi còn là cầu thủ, chúng tôi đâu có điện thoại di động, trò chơi điện tử. Ngay cả nước nóng để tắm cũng không có", Sir Alex chia sẻ. Nhưng trong mắt ông, những điều kiện gian khổ như thế mới khiến một cầu thủ sớm trở nên rắn rỏi, cứng cáp. Bản thân Sir Alex cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Bố mẹ ông là công nhân, và Sir Alex từng phải đi học nghề thợ máy trước khi trở thành cầu thủ.

Điều tương tự cũng đúng với bóng đá Việt Nam, mà Lê Công Vinh là một trong những trường hợp tiêu biểu nhất. Thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng từng làm phụ hồ trước khi tỏa sáng trong màu áo U23 Việt Nam. Một thủ môn khác mới khoác áo ĐT Việt Nam là Văn Toản thậm chí phải tạm gác ước mơ chơi bóng để làm thợ sửa nhôm kính 1 năm trước.

Với trường hợp của đội U17 Thanh Hóa, rõ ràng họ phải nuôi dưỡng ước mơ chơi bóng trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn. Mỗi cầu thủ nhí chỉ được cấp tiền ăn chưa đến 100 ngàn đồng mỗi ngày, và tất cả đều không có giày mới đá bóng, phải dùng đi dùng lại những đôi giày rách nát. Ngay cả khi tham dự giải vô địch quốc gia, mọi thứ cũng chẳng khá hơn. Họ phải ở nhà trọ bình dân và không có xe đưa đón.

Cả đội Thanh Hóa tham dự U17 quốc gia bằng những đôi giày rách.

Đầu tư là chưa đủ

Những năm qua, nhiều trung tâm đã đầu tư vào công tác đào tạo cầu thủ trẻ lên tới nhiều tỷ đồng nhưng thành tựu đạt được chưa như mong muốn.

Việc chi tiền càng nhiều nhưng thành công càng ít cho thấy mỗi lò đào tạo trẻ cần nâng cấp và cải thiện điều kiện tập luyện cho các cầu thủ nhí, nhưng không thể coi đó là yếu tố quyết định thành công.

Và trong trường hợp một lò đào tạo không thể xuất xưởng thêm những cầu thủ chất lượng, rõ ràng họ đã chưa thành công trong công tác huấn luyện, một số lò đào tạo một phần xuất phát từ việc họ không có CLB chuyên nghiệp.

Không giống như lò đào tạo của những CLB như Hà Nội hay Viettel - có thể đôn trực tiếp cầu thủ trẻ lên sinh hoạt và tập luyện cùng các thành viên đội một mà một vài lò đào tào phải đem cầu thủ cho các CLB khác mượn.

Việc thay đổi môi trường khiến nhiều cầu thủ khó thích nghi ở đội bóng mới, nơi với họ cũng chỉ là một trạm dừng chứ không phải điểm đến chính thức. 

Trên thực tế, nỗ lực phát triển bóng đá của một số trung tâm thực sự đáng ghi nhận. Tuy nhiên bên cạnh những khoản đầu tư lớn nhưng thiếu hiệu quả, họ nên tập trung hơn vào kết quả cuối cùng. Và để làm được điều đó, các cầu thủ trẻ cần phải trải qua một môi trường khắc nghiệt để tôi rèn bản thân, như cách các cầu thủ Thanh Hóa đã và đang phải trải qua.

HLV kiêm chú xe ôm của toàn đội

Khi U15 Thanh Hóa vào TP HCM tham dự giải U15 toàn quốc hồi tháng trước, 2 HLV phụ trách đội cùng các cầu thủ phải tự xoay xở tìm cách đi lại. Có điều, cả thầy lẫn trò đều không có xe, thế nên họ phải mượn xe của nhân viên nhà nghỉ nơi cả đội trú quân. Và ngay cả khi mượn được xe, điều kiện đi lại của đội U15 Thanh Hóa cũng chẳng khá hơn mấy bởi cả đội chỉ có đúng... 1 chiếc xe máy.

Vì thế mỗi lần ra sân tập hay thi đấu, 2 HLV Nguyễn Đức Hoàng và Nguyễn Văn Kiên thay phiên nhau làm chú xe ôm, chở từng cầu thủ từ nhà nghỉ đến sân, rồi sau đó, lại chở cả đội về theo cách tương tự. Chế độ ăn của đội U15 Thanh Hóa cũng không khá hơn những đàn anh ở lứa U17. Sau mỗi trận đấu, buổi họp bàn chiến thuật của các thầy trò đều diễn ra trong phòng trọ, và sau mỗi lần họp xong, tất cả lại nằm lăn ra ngủ tại chỗ.

Hà My
.
.
.