Cầu lông Việt Nam: Ra biển mới biết biển rộng

Thứ Sáu, 17/02/2017, 10:15
Đội tuyển cầu lông Việt Nam dừng chân ngay tại vòng loại tại Giải vô địch đồng đội nam nữ châu Á 2017, đang diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, cũng chẳng phải chuyện sốc hay bất ngờ. Trình độ của cầu lông Việt Nam so với đỉnh cao châu lục vẫn còn khoảng cách lớn, không dễ san lấp.


Nỗi buồn chủ nhà

Giải cầu lông vô địch đồng đội nam nữ châu Á thực sự là nơi phô diễn sức mạnh của các nền cầu lông trong tại châu lục. Thể thức thi đấu của giải ( thi đấu cả 5 nội dung tại các giải đấu cầu lông gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ) tạo điều kiện để các nền cầu lông kiểm tra, đánh giá sự phát triển các nội dung thế mạnh cũng như còn hạn chế. Cũng vì thế, giải đấu này luôn được coi trọng ở châu lục.

Sau nhiều lần dự giải, cầu lông Việt Nam lần đầu trở thành chủ nhà giải đấu với việc đăng cai giải tại TP Hồ Chí Minh vào năm nay. Nỗ lực ấy của những người có trách nhiệm cũng nhằm kiểm chứng chính xác nhất về thực lực của cầu lông Việt Nam, để xem chúng ta có và đang thiếu gì. Những nhà tổ chức giải cũng le lói hy vọng các tay vợt Việt Nam tạo nên chút ít bất ngờ trên sân nhà để làm mát lòng khán giả, giải đấu thêm xôm tụ và tạo động lực cho chính VĐV.

Đặc biệt, khi đội tuyển Việt Nam (được xếp vào nhóm 3) rơi vào bảng đấu với Nhật Bản, Thái Lan, Philippines thì hy vọng giành 1-2 trận thắng trong cuộc đấu với Thái Lan cũng được nhen lên. Mục tiêu ấy không xa xỉ dù không dễ thực hiện. Dù gì thì cầu lông Thái Lan cũng nhiều duyên nợ với cầu lông Việt Nam.

Cái yếu tố sân nhà ấy đã không thể phát huy tác dụng trước những Nhật Bản, Thái Lan dù những tay vợt tốt nhất Việt Nam hiện tại ở mọi nội dung thi đấu đã được tung vào trận. Người trong cuộc biết rằng không thể thắng chung cuộc trước Thái Lan, Nhật Bản nhưng việc thua trắng 0-5 cũng mang lại không ít nỗi buồn.

Ở tuổi 34, Nguyễn Tiến Minh khó có thể đóng góp nhiều cho đội tuyển.

Nếu trận thua 0-5 trước Nhật Bản như lẽ đương nhiên thì thất bại 0-5 trước Thái Lan khiến cầu lông Việt Nam phải ngước nhìn đối thủ cùng khu vực rất nhiều. Nguyễn Tiến Minh được kỳ vọng giành một chiến thắng ở nội dung đơn nam song cũng thất bại trước tay vợt kém hơn 40 bậc trên bảng xếp hạng đơn nam thế giới.

Những tay vợt hay đôi vợt trong nhóm 50 thế giới như Vũ Thị Trang (đơn nữ), Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo (đôi nam nữ) cũng đều thất bại trước các tay vợt Thái Lan có trình độ cũng như thứ hạng thế giới cao hơn. Thế là mục tiêu giành ít nhất 1 trận thắng trong các cuộc đối đầu với Nhật Bản, Thái Lan cũng không thể thực hiện trọn vẹn. Đấy mới là nỗi buồn đối với chủ nhà Việt Nam chứ không phải vì dừng chân ở vòng đấu bảng – điều đã được dự báo từ khi biết kết quả bốc thăm. 

Từ trước giải đấu này, cầu lông Việt Nam đã được xếp vào nhóm 3 ở châu lục. Đến khi kết thúc vòng đấu bảng, vị thế của cầu lông Việt Nam vẫn không đổi dù đang có nhiều tay vợt trong nhóm 100 tay vợt hàng đầu thế giới nhất từ trước đến nay.

Sẽ còn phải nâng cấp nhiều hơn

Trong nhiều năm qua, cầu lông Việt Nam vốn chỉ biết đến bởi những Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang. Nhưng đến lúc này, cầu lông Việt Nam sẽ không thể chỉ trông vào những người cũ. Nguyễn Tiến Minh từng bộc lộ ý định dần chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế từ sau Olympic 2016.

Ở tuổi 34, tay vợt số 1 Việt Nam khó có thể đóng góp nhiều cho đội tuyển. Do giải cầu lông đồng đội nam nữ châu Á 2017 diễn ra ngay tại Việt Nam nên anh quyết định tham dự. Dù vậy, do nghỉ thi đấu tới hơn 3 tháng nên Nguyễn Tiến Minh không thể mang lại chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam ở cuộc đấu với Thái Lan. Không có sự trách cứ với thành tích của Tiến Minh bởi sức người có hạn, “cái tuổi nó đuổi xuân đi”.

Vì vậy, những tay vợt trẻ giàu tiềm năng sẽ là mục tiêu đầu tư của cầu lông Việt Nam trong thời gian tới. Và đó cũng là lý do khiến Tổng cục TDTT đầu tư trọng điểm trong năm 2017 cho tay vợt Nguyễn Thùy Linh thay vì Nguyễn Tiến Minh như 2 năm gần đây.

Ngoài ra, còn hàng loạt tay vợt trẻ khác cần được đầu tư nhiều hơn để nâng vị thế cho cầu lông Việt Nam như Đỗ Tuấn Đức, Phạm Cao Cường, Phạm Như Thảo, Lê Thu Huyền, Lê Đức Phát… Bước đầu, người có trách nhiệm đã theo hướng này trong đó rõ nhất là ở trận đấu với Nhật Bản ở Giải vô địch đồng đội nam nữ châu Á 2017. Ở trận đấu đó, những tay vợt trẻ đã được tung vào trận để cọ xát với những tay vợt hàng đầu thế giới thay vì những tay vợt kỳ cựu.

Người ta cũng còn chú ý đến tương quan lực lượng của cầu lông Việt Nam so với những quốc gia Đông Nam Á nhân giải năm nay. Việc cầu lông Việt Nam còn thua sút các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia – những quốc gia hàng đầu thế giới về cầu lông, khiến cơ hội giành tấm HCV đầu tiên tại SEA Games vẫn hầu như bất khả thi.

Không còn cách nào khác, vẫn phải đầu tư mạnh và theo hướng trọng điểm cho những tay vợt trẻ để cầu lông Việt Nam được đưa vào nhóm 2 ở châu lục, có thể vượt qua vòng bảng giải đồng đội nam nữ châu Á và tiếp tục giành vé dự Olympic.

Hà Nội đầu tư mạnh cho đôi Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo

Trong các tay vợt Việt Nam có khả năng giành vé tham dự Olympic 2020, bên cạnh Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh còn có đôi Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo (Hà Nội, đôi nam nữ). Đôi VĐV này đang trong nhóm 50 đôi nam nữ hàng đầu thế giới và được cầu lông Hà Nội đầu tư mạnh mẽ với việc dự từ 10 đếán 14 giải quốc tế/năm. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đôi Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nếu được thi đấu quốc tế liên tục cũng như chuyên tâm tập luyện.

Minh Nhật
.
.
.