Câu chuyện doping: Tất cả nằm ở khâu quản lý
- Cựu Chủ tịch LĐ Điền kinh thế giới bị đình chỉ cương vị thành viên
- Vận động viên Nguyễn Thị Huyền đi Nga tập huấn
- Nguyễn Thị Huyền có thể mất vé dự Olympic 2016
- Thể thao Nga rúng động vì... doping
Sẽ không ảnh hưởng tới Nguyễn Thị Huyền
Trao đổi mới nhất với cựu HLV trưởng đội điền kinh Việt Nam tại SEA Games 28/2015 (bây giờ đang là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 - Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Trọng Hổ, ông cho biết sự việc của điền kinh Nga đã được WADA thông báo nên chúng ta biết ở góc độ thông tin chia sẻ.
Đặt câu hỏi: “Trong trường hợp vận động viên (VĐV) Nguyễn Thị Huyền được đi Nga tập huấn thì có bị ảnh hưởng gì không vì bê bối doping của thể thao quốc gia bạn?”, ông Hổ cho biết, nếu Huyền được đi Nga tập huấn thì sẽ không bị tác động hay ảnh hưởng gì. Bởi lẽ, chúng ta (ở đây là đề xuất của địa phương Nam Định cùng HLV Vũ Ngọc Lợi) muốn Huyền đi Nga tập huấn được HLV Lợi trực tiếp huấn luyện học trò. Điền kinh không thuê chuyên gia nước bạn cho Huyền. Vì thế, sự e ngại rằng chân chạy nổi tiếng nhất của điền kinh Việt Nam gặp khó khăn do sự cố doping ở đây là không có cơ sở.
Hiện tại, số đông các đội tuyển thể thao của Việt Nam không có đội nào tập huấn tại Nga. Dù vậy, thể thao nước bạn với bề dày thành tích và khả năng huấn luyện tốt của các HLV tên tuổi nên là nơi để chúng ta học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Trường hợp của Nguyễn Thị Huyền có được đi Nga tập huấn hay không phải chờ vào năm 2016. Bây giờ Huyền chưa thể ra nước ngoài tập huấn do kinh phí của đơn vị chủ quản Nam Định không thật rủng rỉnh, và còn một lý do nữa, nếu tại đây đã bắt đầu chuyển sang thời tiết lạnh mùa đông thì hiệu quả trong tập luyện sẽ không cao. Vì lẽ ấy, thời gian hiện tại, Huyền đang tập duy trì dần trở lại ở Việt Nam sau chấn thương.
VĐV Nguyễn Thị Huyền. |
Trong quá khứ, không ít VĐV Việt Nam từng dính nghi án doping
Việt Nam hiện tại đã có Trung tâm Doping và Y học thể thao. Đây là đơn vị đầu ngành với nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống doping ở thi đấu thể thao đối với VĐV cũng như có vai trò giáo dục, thông báo và khuyến cáo các chất cấm không được sử dụng. Mặc dù vậy, tính từ khi trung tâm ra đời (2011) đến nay, một số lần thể thao Việt Nam đã gặp nghi án doping trong thi đấu quốc tế.
Điển hình nhất là cầu thủ Đoàn Ngọc Hảo của đội futsal (bóng đá trong nhà) Việt Nam bị Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) phát hiện dương tính với chất cấm lúc thi đấu giải vô địch châu Á futsal năm 2014 tại TP Hồ Chí Minh. Trước đó, cua-rơ xe đạp Nguyễn Trường Tài của đội tuyển nam Việt Nam bị nghi án dùng chất cấm prednisnone tại giải quốc tế ở Indonesia năm 2013 vì mẫu thử A cho kết quả dương tính.
Ba tháng sau, Trường Tài được thông báo không bị phạt vì mẫu thử B đã cho kết quả âm tính. Vì sự cố trên của Tài, thời điểm ấy, cố Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Xe đạp - môtô thể thao Việt Nam là ông Đoàn Kim Phách đã khẳng định trước công luận rằng trong giới xe đạp, chuyện VĐV sử dụng doping là rất nhiều. Biết là như vậy nhưng nhà quản lý khó phát hiện được do tất cả phải theo thử trên phương tiện y học. Điều này gặp khó vì chi phí cao nếu muốn thử một mẫu nghi án nào đó. Còn nhiều trường hợp khác của thể thao Việt Nam từng dính nghi án doping trước thời gian năm 2011.
Người nổi tiếng có, người ít tên tuổi cũng có. Đơn cử như Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Đỗ Thị Ngân Thương (TDDC)… Tóm lại, muốn không doping trong thể thao thì phải nằm ở khâu quản lý.
Tài chính quyết định tất cả Theo giới thể thao, vấn đề doping là điều “tế nhị” nhất của thể thao cả thế giới lẫn tại Việt Nam. Điểm mấu chốt phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính có mạnh hay không. Chúng ta thấy trường hợp đã gây rúng động nhất làng thể thao thế giới chính là cua-rơ xe đạp Lance Armstrong. Có thể thấy, để “phục vụ” cho cua-rơ này, các đội đua đã tiêu tốn rất nhiều tiền thì việc sử dụng doping mới không bị phát hiện. Trong thể thao Việt Nam, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7/2014, chúng ta có hơn 1.000 VĐV ở các tỉnh, thành, ngành trong cả nước tham gia tranh tài nhưng chỉ thử doping được 30 mẫu trong 4 môn quy định sẵn. Chia sẻ về việc chỉ lấy ít mẫu như vậy, lãnh đạo ngành thể thao cho biết, vì chi phí kiểm tra một mẫu thử tốn kém không dưới 300 USD và những mẫu ấy sau khi lấy phải gửi sang nước ngoài kiểm tra chứ tại ta chưa thể xét nghiệm được. Vì vậy, 30 mẫu thử doping (sau Đại hội TDTT lần thứ 7-2014, Ban tổ chức thông báo tất cả âm tính) chỉ xem như “muối bỏ bể” trong việc kiểm tra có gian lận hay không. D.P. |