Bóng đá “phủi” và câu chuyện tìm kiếm tài trợ của VFF
Sức hút của bóng đá “phủi”
Dù không phải là giải đấu hấp dẫn nhất nằm trong hệ thống giải của Vietfootball tổ chức, thế nhưng HL1-S4 vẫn khẳng định được sức hút với sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ. Điều đáng nói là trong mùa thứ 4 được tổ chức, HL1 có cả những người đồng hành vừa cũ, vừa mới. Điều này cho thấy sức hút mà bóng đá “phủi” tạo ra đang lan toả mạnh mẽ đến cộng đồng.
Đây cũng là vấn đề được giới truyền thông quan tâm khi nhìn sang bóng đá chuyên nghiệp. Chính vì vậy ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Giám đốc Vietfootball đang giữ cương vị Ủy viên ban chấp hành VFF, Trưởng ban bóng đá phong trào đã được đặt câu hỏi: “Bí quyết để giải phủi thu hút tài trợ và ông có chia sẻ gì với VFF trong công tác tìm kiếm, vận động tài trợ?”.
Khán giả chen chân đi xem bóng đá “phủi”. Ảnh: H.H.. |
Ông Phạm Ngọc Tuấn nói rằng: “Trong xu thế phát triển chung của xã hội, bóng đá phong trào phải có nguồn lực, sự đồng hành của các nhà tài trợ mới có thể duy trì và phát triển. Điều mà chúng tôi định hướng chính là phải xây dựng chất lượng chuyên môn giải đấu thật tốt. Bên cạnh đó, giải đấu phải được đưa đến gần với những người yêu thích và tham gia chơi bóng đá phong trào. Có được điều này sẽ thu hút đông đảo người chơi, quan tâm và theo dõi. Đây là yếu tố quyết định để các nhà tài trợ đồng hành. Đó cũng là vấn đề của không chỉ riêng bóng đá phủi”.
Một điểm mới trong cách làm của Vietfooball dựa trên những ý kiến đóng góp và kinh nghiệm rút ra trong các lần tổ chức trước đây chính là giảm dần các cầu thủ chuyên nghiệp. Mỗi đội bóng tại HL1-S4 chỉ được đăng ký tối đa 5 cầu thủ đã thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2018.
Điều này đã được áp dụng tại HPL-S6. Bên cạnh đó, tiêu chí xác định đối tượng là cầu thủ chuyên nghiệp cũng được mở rộng hơn, ngoài các cầu thủ thi đấu tại giải hạng Nhất Quốc gia, V.League, Cúp Quốc gia thì còn có cả những cầu thủ tham dự các giải U.21, U19 Quốc gia cũng được tính là chuyên nghiệp. BTC đặt những đối tượng là dân chơi phong trào làm nhân vật chính ở “sân khấu HPL” chứ không phải là các cầu thủ chuyên nghiệp nổi tiếng.
Và câu chuyện vận động tài trợ của VFF
Nhìn hình ảnh lễ ra mắt HL1-S4 khiến nhiều người nhớ đến hình ảnh công bố nhà tài trợ của Cúp Quốc gia nữ và giải Vô địch Quốc gia nữ mới đây của VFF. Việc VFF khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ khiến cho những mối quen thuộc là LS và Thái Sơn Bắc phải vào cuộc. Đáng nói là Thái Sơn Bắc đã 8 năm liên tiếp đồng hành với giải nữ Vô địch Quốc gia bởi chính VFF cũng không thể tìm kiếm được đối tác thay thế. Nguyên nhân là do giải nữ không thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả như bóng đá nam.
Chính đơn vị tài trợ cũng thẳng thắn thừa nhận hiệu quả về mặt truyền thông không có, những gì mà họ đóng góp thời gian qua chỉ dừng ở vấn đề trách nhiệm với cộng đồng.Đó chỉ là câu chuyện điển hình trong việc khó khăn tìm kiếm tài trợ cho bóng đá Việt Nam. Thực tế, sau những thành công của U23 và ĐTQG trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp mới cam kết gắn bó và đồng hành lâu dài không có nhiều gương mặt mới. Những đối tác chính của VFF hiện tại chủ yếu là các đơn vị cũ.
Trong bài phát biểu tại lễ ra mắt HL1-S4, Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính Cấn Văn Nghĩa có nói đến vai trò của Vietfootball trong tư cách thành viên VFF và có đại diện nằm trong ban chấp hành sẽ thúc đẩy sự phát triển của bóng đá phong trào Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ điều mà VFF cần chú trọng lúc này là có một lộ trình và kế hoạch cụ thể trong công tác vận động và tìm kiếm tài trợ cho bóng đá Việt Nam.
Một vấn đề đã được định hướng là nguồn lực từ các doanh nghiệp trong nước. Chẳng nói đâu xa, Vietfootball chính là đơn vị đang là tốt những việc nhỏ của mình trong câu chuyện mà VFF đang định hướng lớn ở nhiệm kỳ VIII.
Khi trúng cử chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, ông Cấn Văn Nghĩa từng tuyên bố sẽ kiếm cho VFF 400 tỉ trong nhiệm kỳ của mình. Ông cũng cho biết sẽ chú trọng phát triển, tìm kiếm nguồn tài trợ cho bóng đá nữ. Còn việc hiện thực hoá lời hứa trăm tỉ thì đang bỏ ngỏ.