Bao giờ môn đi bộ được xem trọng
Vì sao cứ nhầm...
Nhìn thấy một điều, những nhà quản lý điền kinh gần như không xem trọng vận động viên đi bộ có thể làm nên chuyện. Năm 2012, trong các đợt thi đấu tranh vé dự Olympic, điền kinh Việt Nam tập trung hết sức vào Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương. Rốt cuộc, họ thất bại không vượt được chuẩn Olympic nào.
Năm đó, Nguyễn Thị Thanh Phúc giành suất trực tiếp dự Olympic 2012 thông qua kết quả đạt huy chương bạc và vượt chuẩn ở thi đấu đi bộ 20km châu Á tại Nomi-Nhật Bản. Bốn năm sau, trước khi đi Nhật Bản thi đấu cũng như trong nhiều giải quốc tế mà chúng ta có đăng ký thi đấu đi bộ nam, Nguyễn Thành Ngưng không thuộc diện... được chú ý.
Thậm chí, đi thi đấu tại Nomi-Nhật Bản năm nay, tiền mà đội tuyển chi chỉ dành cho Nguyễn Thị Thanh Phúc. Nguyễn Thành Ngưng và Võ Xuân Vĩnh tham dự nhưng họ đi bằng chi phí của đơn vị Đà Nẵng chi trả. Ấy vậy, Thành Ngưng đã làm nên chuyện với kết quả vượt chuẩn Olympic. Tất cả đều biết, lúc này, điền kinh Việt Nam chỉ nhắm trọn vào những gương mặt như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Bùi Thị Thu Thảo... Dù vậy, các gương mặt trên chưa ai vượt được chuẩn Olympic.
Sự tủi phận với những người trót theo nghiệp đi bộ như Phúc, Ngưng còn ở chỗ, nội dung đi bộ có quá ít giải thi đấu. Một năm tập luyện, họ chỉ được thi đấu đúng một giải thuộc hệ thống quốc gia là cuộc tranh tài giải VĐQG.
Còn lại, nếu may mắn, vận động viên được đăng ký thêm dự giải vô địch châu Á. Khi đó, họ mới có cọ xát quốc tế. Hoặc nếu rơi vào năm tổ chức SEA Games hay ASIAD thì được thêm giải tranh tài. Bằng không, trong 365 ngày tập, một vận động viên đi bộ như chị em Thanh Phúc, Thành Ngưng sẽ chỉ ra đi bộ để tranh huy chương vỏn vẹn vài tiếng trong giải VĐQG.
Thi đấu ít, ra cọ xát quốc tế gần như không, nội dung đi bộ lại đang giữ kỷ lục hai kỳ liên tiếp có người vượt chuẩn Olympic. Xem ra, nhà quản lý phải xác định lại cách đầu tư.
Vận động viên Nguyễn Thành Ngưng. Ảnh: Đông Huyền. |
Huy chương đồng SEA Games nhưng đã có chuẩn Olympic
Nguyễn Thành Ngưng về độ nổi tiếng chỉ kém chút xíu so với người chị gái Nguyễn Thị Thanh Phúc. Hai chị em họ đều là tuyển thủ quốc gia trưởng thành từ nội dung đi bộ 20km ở Đà Nẵng. Người làm nghề vẫn không quên, giây phút tất cả phải nghẹn ngào về chị em họ chính là cuộc đấu tại SEA Games 2013 (tổ chức ở Myanmar).
Trên đường chạy khi ấy, Thanh Phúc về hạng nhì nhưng phải khóc ròng bởi cô đã có thể thắng vận động viên của chủ nhà (người về nhất) trước kiểu đi bộ mà như... chạy nhưng vận động viên trên vẫn không bị bắt lỗi thì tất cả đều uất ức khóc nấc. Cậu em trai Thành Ngưng cũng về đích hạng nhì nhưng trọng tài nhanh tay rút thẻ đỏ vì cho rằng phạm lỗi nên bị tước thành tích.
Dù sau này, Thanh Phúc được đôn lên nhận huy chương vàng (do vận động viên chủ nhà Myanmar dính doping) thì tất cả không thể vui. Ít nhất, chị em họ có thể cùng được vinh dự đứng lên bục nhận huy chương giống nhau. Thất bại là mẹ thành công, sau quãng thời gian ấy, cả hai tiếp tục tập luyện không nghỉ và SEA Games 2015, Phúc giành huy chương vàng nhưng hơi tiếc Ngưng đứng hạng 4 nội dung.
Đã có lúc, hỏi Thành Ngưng buồn không vì sự nổi tiếng của người chị gái làm mình khó được chú ý và chàng tuyển thủ trẻ chỉ cười mà chia sẻ rằng “đã là chị em thì không ai ganh đua hơn thiệt”. Cái ngày ông Nguyễn Việt và bà Nguyễn Thị Hòa (cha mẹ Phúc, Ngưng) sinh họ ra, không ai nghĩ các con mình mai sau là vận động viên điền kinh. Hoàn cảnh gia đình thật sự không khá giả, lại thêm ông Việt bà Hòa sinh tới 7 người nên kể như, chuyện Thành Ngưng và chị gái Thanh Phúc đến với thể thao là bố mẹ mong con thoát khỏi cảnh nghèo.
Từng chia sẻ, Thanh Phúc bảo rằng em trai Thành Ngưng là người có tố chất hơn mình nhưng lại lận đận về thành tích quá. Ước mơ đơn giản của Ngưng là một lần đứng lên bục nhận huy chương vàng SEA Games mà chưa thể.
Kết quả tốt nhất Ngưng có được vẫn chỉ là huy chương đồng đi bộ tại SEA Games 2011. Nếu không có Thành Ngưng chịu khó làm “quân xanh” tập cùng chị gái nhiều năm qua, chắc chắn tổ đi bộ nữ khó có một Thanh Phúc dẻo dai đến vậy. Đợt tập huấn tại Trung Quốc (không về ăn Tết) vừa rồi, Thành Ngưng, Võ Xuân Vĩnh và Thanh Phúc rèn luyện khá thầm lặng để đến cuộc đấu tại Nhật Bản, chàng trai trẻ Thành Ngưng làm nên chuyện.
Vật nữ có thêm suất Olympic Sau trường hợp của Nguyễn Thị Lụa (53kg), trong ngày thi đấu 20-3, đội vật nữ đang dự vòng loại Olympic môn vật của châu Á ở Kazakhstan có thêm suất chính thức nữ. Vận động viên Vũ Thị Hằng đã lọt vào chung kết hạng 48kg nữ tại giải này. Với kết quả trên và theo quy định hai vận động viên đứng đầu mỗi nội dung được nhận suất chính thức thì Vũ Thị Hằng đã có vé đi Brazil thi đấu. Như vậy, tính tới lúc này, vật nữ Việt Nam đã có hai suất chính thức dự Olympic 2016. Phương Diệu |
Nguyễn Thành Ngưng cải thiện gần 30 phút Giải đi bộ 20km vô địch châu Á 2016 tổ chức ngày 20-3, Nguyễn Thành Ngưng đạt kết quả chuyên môn là 1 giờ 23 phút 29 giây, qua đó vượt chuẩn Olympic do Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) đề ra cho nội dung này đối với nam (1 giờ 24 phút). Vận động viên Nguyễn Thị Thanh Phúc cũng dự giải nhưng do bị trọng tài bắt lỗi 3 lần nên không được công nhận thành tích và bị loại. Trước đó, kết quả quốc tế tốt nhất của Thành Ngưng chỉ là Huy chương đồng SEA Games 2011 (1 giờ 35 phút 48 giây). Tại SEA Games 2015, Thành Ngưng chỉ về hạng 4 nội dung (1 giờ 52 phút 12 giây). Sau chưa đầy một năm, từ tháng 6-2015 (thi đấu SEA Games 2015) đến tháng 3-2016 (thi đấu vô địch châu Á), thông số chuyên môn của Thành Ngưng giảm gần 30 phút, đúng là một nỗ lực đáng kinh ngạc. Hiện tại, điền kinh Việt Nam có hai người đã vượt chuẩn Olympic là Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thành Ngưng. Tới thời điểm tháng 6, IAAF sẽ công bố danh sách chính thức các vận động viên được dự Olympic 2016 thì chúng ta mới biết có suất chính thức hay không. D.P |