Đời vận động viên: Cần phải có cơ chế lương, thưởng thỏa đáng...

Thứ Năm, 27/04/2017, 08:51
Những năm gần đây, đời sống của các VĐV đã được quan tâm hơn, nhưng để duy trì thành tích Top đầu khu vực và có thứ hạng cao ở châu Á, đời sống VĐV Việt Nam cần phải được cải thiện hơn nữa.

Về vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT):

PV: Nhiều người cho rằng, chế độ cho VĐV hiện nay quá thấp, không thu hút, không giữ chân được người giỏi. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Trọng Hổ: Đúng vậy, hiện chế độ của VĐV rất thấp. Đối với VĐV đội tuyển quốc gia, tiền công là 150 nghìn đồng/ngày, tiền ăn 200 nghìn đồng/ngày. Đối với đội tuyển trẻ quốc gia, tiền công là 120 nghìn đồng/ngày, tiền ăn là 200 nghìn đồng/ngày. Nếu tính đủ 26 ngày công, mỗi VĐV tuyển quốc gia có mức lương gần 4 triệu, trong khi tuyển trẻ là 3,1 triệu/tháng.

Các cháu phải chi tiêu rất nhiều, tiền ăn dĩ nhiên là phải ăn hết vì các cháu ăn theo khẩu phần chứ không được mang tiền về nhà. Hầu hết các cháu cứ hết tháng là không còn đồng nào. Các cháu thiếu tiền, phải vay mượn khắp nơi.

Cháu nào tiết kiệm hết sức thì mỗi tháng mới có thể gửi về cho bố mẹ 1-2 triệu. Nếu so với những người lao động chân tay bình thường như phu hồ thì thu nhập của VĐV không bằng một nửa. Tiền công cho VĐV bao năm nay không thay đổi trong khi mọi thứ trượt giá rất nhiều.

Mặt khác, trung bình mỗi ngày, một VĐV tiêu thụ 5.000-6.000 cal, trong khi người bình thường là 1.000 cal. Như vậy, VĐV cần lượng dinh dưỡng gấp 5-6 lần người bình thường. Chúng ta phải có chế độ đặc biệt với VĐV đỉnh cao. Chế độ dinh dưỡng hiện nay chưa đáp ứng được một nửa yêu cầu. Đó là lí do VĐV Việt Nam có vóc dáng nhỏ bé, thể lực chưa tốt. Nhiều cháu do ăn không đủ nên lại phải ăn thêm bữa, lại mất thêm tiền. Đồng lương đã ít, lại càng hẻo thêm.

Ông Nguyễn Trọng Hổ thừa nhận, ở Việt Nam, nghề VĐV vất vả và bạc bẽo.

PV: Tình trạng VĐV sau khi giải nghệ không có việc làm khá phổ biến. Ngành thể thao có thấy được đây là câu chuyện đáng buồn không?

Ông Nguyễn Trọng Hổ: Có chưa đến 10% số VĐV có việc làm sau khi giải nghệ. Tôi từng huấn luyện cho 200-300 người, nhưng đến nay, có chưa đến 10 người được biên chế, có việc làm tử tế, số còn lại làm đủ nghề để kiếm sống như sửa xe, bốc vác…

Rất nhiều VĐV đỉnh cao chỉ cần có cái danh rồi bỏ chứ không muốn gắn bó lâu dài. Trên thế giới, VĐV 35-40 tuổi vẫn tập luyện nhưng ở ta chỉ 25-26 tuổi đã nghỉ. Đó là điều rất lãng phí. Chúng ta lại phải mất thời gian rất lâu để đào tạo được lớp VĐV như vậy. Nhưng cũng phải hiểu cho họ, họ còn phải mưu sinh, lo cho gia đình. Rất nhiều người buộc phải rẽ ngang vì thấy tương lai mờ mịt.

Hiện nay, một nghịch lý của thể thao Việt Nam là chưa kết hợp được giữa giáo dục và thể thao. VĐV đỉnh cao khi tập luyện triền miên thì không còn thời gian để học. Do vậy, đến khi giải nghệ, họ trở thành đối tượng thất nghiệp vì không có bằng cấp gì trong tay.

PV: Theo ông, hiện nay có địa phương nào làm tốt công tác chăm lo đời sống cho VĐV chưa?

Ông Nguyễn Trọng Hổ: Tôi cho là chưa có địa phương nào. Ngay như Hà Nội, mặc dù là Thủ đô, ngân sách không thiếu nhưng tiền lương, tiền thưởng của VĐV rất thấp. Hầu hết các địa phương đều đầu tư theo hướng ăn xổi và dàn trải. Môn nào thiếu huy chương thì kích thích môn đó mà không có một chiến lược dài hạn.

PV: Để duy trì thành tích Top đầu khu vực và có thứ hạng cao ở châu Á, ngành thể thao cần phải quan tâm hơn nữa tới đời sống VĐV. Nói như nhiều người, cần phải coi VĐV là một nghề để xây dựng chế độ đãi ngộ một cách hợp lí. Ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Trọng Hổ: Để khuyến khích những VĐV đỉnh cao cần phải có cơ chế trả lương hàng tháng, tặng nhà cho những VĐV đạt huy chương Olympic và thế giới. Chúng ta mới chỉ có 3 huy chương Olympic của Hoàng Xuân Vinh, Trần Hiếu Ngân và Hoàng Anh Tuấn. Cần có quy định rõ ràng, nếu VĐV có huy chương Olympic sẽ trả lương hàng tháng thay vì chỉ thưởng một lần với mức khá khiêm tốn như hiện nay. Với 3 huy chương Olympic trên, nếu trả 30 triệu đồng/tháng/HCV, 20 triệu/HCB, 15 triệu/HCĐ thì số tiền mỗi năm cũng chưa đến 1 tỉ đồng, đó không phải là số tiền lớn đối với một đất nước hay ngành thể thao.

Cả nước mới có một Hoàng Xuân Vinh, cả nghìn năm nữa cũng chưa chắc đã có tấm HCV Olympic thứ 2 nhưng Hoàng Xuân Vinh cũng chỉ được thưởng 80 triệu, không kể tiền thưởng của doanh nghiệp.

Giả sử Hoàng Xuân Vinh không phải là Đại tá quân đội mà là VĐV của một địa phương nào đó như Cao Bằng, Bắc Kạn thì có lẽ khi giải nghệ cũng thất nghiệp. Ngoài việc trả lương hàng tháng, các địa phương cũng nên hỗ trợ cấp nhà ở cho những VĐV được huy chương thế giới.

Đội tuyển Taekwondo CAND.

PV: Vừa làm công tác huấn luyện vừa làm công tác quản lí, ông có đề xuất gì đề cải thiện cuộc sống, kích thích các VĐV bám nghề tốt hơn?

Ông Nguyễn Trọng Hổ: Ở Việt Nam, VĐV chưa được coi là một nghề. Không như nước ngoài, ở Việt Nam, VĐV nghỉ thi đấu là hết tiền. 10 người về già thì cả 10 đều có chấn thương, không nặng thì nhẹ. Bản thân tôi cũng bị đau lưng, thoái hoá xương vì ngày trước gánh tạ nặng. Chúng ta cần phải có quy định, VĐV giải nghệ thì có chế độ gì, chấn thương thì được hỗ trợ thế nào. Hiện nay, bảo hiểm của VĐV nhiều nơi còn chưa có, hỏi các tỉnh thì họ bảo không có tiền để đóng bảo hiểm. Lẽ ra, phải có quy định rõ ràng, các đơn vị phải đóng bảo hiểm cho VĐV, có bảo hiểm mới được thi đấu. Tôi làm thể thao bao nhiêu năm, tôi sẽ không cho các con tôi theo thể thao, vì nó vất vả và bạc bẽo lắm.

PV: Xin cảm ơn ông.

VĐV sẽ được hưởng chế độ mới

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo trình Chính phủ 2 phương án về chế độ tiền công đối với HLV, VĐV không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 

Phương án 1 là trả công bằng tiền theo ngày (22 ngày/tháng) áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, HLV trưởng đội tuyển quốc gia được hưởng mức tiền công tháng bằng 8 lần mức lương cơ sở (tương đương 473.000 đồng/người/ngày); HLV đội tuyển quốc gia được hưởng mức tiền công tháng bằng 5,42 lần mức lương cơ sở (tương đương 320.000 đồng/người/ngày); VĐV đội tuyển quốc gia được hưởng mức tiền công tháng bằng 3,99 lần mức lương cơ sở (tương đương 236.000 đồng/người/ngày); VĐV đội tuyển của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hưởng mức tiền công tháng bằng 3 lần mức lương cơ sở (tương đương 177.000 đồng/người/ngày). 

Phương án 2 là trả công theo ngày trong thời gian được tập trung tập huấn và thi đấu...

Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch cũng đã thông qua danh sách 55 VĐV, 14 HLV được đầu tư trọng điểm cho SEA Games 2017 và ASIAD 2018.

Thu nhập phải ở mức 20 triệu đồng/tháng mới thỏa đáng

Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho rằng, muốn duy trì được vị thế của thể thao Việt Nam, đời sống của VĐV cần phải được nâng lên. Theo đó, thu nhập của HLV đội tuyển quốc gia phải ở mức 20 triệu đồng/tháng; VĐV phải ở mức 10-12 triệu đồng/tháng mới đủ so với mức trượt giá hiện nay. Mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng của HLV nội vẫn thấp hơn nhiều so với mức thù lao phải trả cho HLV ngoại ở trình độ tương đương. Hiện, thù lao thấp nhất cho HLV ngoại ở mức 1.500 USD/tháng. 

Khánh Vy
.
.
.