U23 Việt Nam - Thái Lan 1-0: Chiến thắng nhìn từ hàng thủ

Chủ Nhật, 22/05/2022, 21:11

Thắng U23 Thái Lan 1-0 ở trận chung kết, chúng ta đã bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games. Trong chiến thắng ấy, dấu ấn nhìn từ hàng thủ là rõ rệt nhất…

Thực tế trên sân, U23 Thái Lan mới là đội bóng làm chủ thế trận. Nhưng bóng đá là vậy, không phải cứ làm chủ thế trận là chiến thắng. U23 Việt Nam với sự kiên nhẫn của mình và những thay đổi hợp lý đã có được chiến thắng tuyệt vời nhờ vào pha đánh đầu đẳng cấp của Nhâm Mạnh Dũng. Nhưng điểm nhấn của trận chung kết này phải là hàng thủ, tuyến quan trọng nhất mà chúng ta có thể mổ xẻ được ưu nhược điểm ở đó rất nhiều.

Có thể nhìn thấy rõ, U23 Việt Nam chơi với sơ đồ 3-5-2 mỗi khi cầm bóng tổ chức tấn công và xoay trở lại thành 5-3-2 hoặc 5-4-1 mỗi khi đối thủ cầm bóng. Sự thay đổi linh hoạt này, với cự ly giữa tuyến hậu vệ và tiền vệ được duy trì rất tốt đã giúp U23 Việt Nam trụ rất vững trước những đợt dàn xếp mà Thái Lan cố gắng tìm đường vào vòng cấm địa của thủ môn Văn Toản. Có thể nói, việc chúng ta có được kết quả chung cuộc như vậy đến từ chính cơ sở này.

U23 Việt Nam - U23 Thái Lan: 1-0 Một chiến thắng nhìn từ hàng thủ  -0
Tiến Linh đã chơi một trận rất tốt (Ảnh: Lâm Thoả).

Khi cự ly hậu vệ, tiền vệ được duy trì đủ gần để bao quát và bọc lót cho nhau, U23 Việt Nam đã không tạo ra không gian cho U23 Thái Lan dễ dàng chơi bóng ở khoảng cách 30m trước mặt khung thành Văn Toản. Không có không gian thuận lợi, việc tổ chức đưa bóng vào vòng cấm là bế tắc hoàn toàn đối với người Thái. Và với bức tường người chặt chẽ như thế, những cú sút xa của đối phương cũng khó có thể phát huy được tính chính xác cũng như uy lực. Thêm vào đó, mỗi dịp hiếm hoi họ có thể đưa bóng vào vòng 16m50, các trung vệ của chúng ta đều chơi tỉnh táo, chính xác và hoá giải thành công. Từ đó, có thể nói Thái Lan gần như không có cơ hội rõ rệt nào.

Nhưng không phải Việt Nam không bộc lộ những nhược điểm. Cự ly giữa tuyến tiền đạo và tuyến tiền vệ của chúng ta mỗi khi đối phương kiểm soát bóng là không tốt. Trong khi đó, người Thái phân tầng hiệu quả hơn tính theo trục dọc và họ luôn có nhân sự rảnh chân để điều phối bóng giữa sân. Nhưng điều đáng nói nhất chính là khả năng thoát pressing của chúng ta chưa tốt. Chính vì thế, dù hàng thủ của U23 Việt Nam chơi rất tốt trong phòng ngự nhưng mỗi khi triển khai bóng từ tuyến dưới thì chúng ta bế tắc trước cách phong toả, áp sát hiệu quả của đội bạn. Cách duy nhất chỉ là những đường bóng dài và nó dễ đẩy tuyến tiền vệ vào thế tranh chấp, dẫn tới mất quyền kiểm soát vào chân đối phương.

U23 Việt Nam - U23 Thái Lan: 1-0 Một chiến thắng nhìn từ hàng thủ  -0
Đội trưởng Hùng Dũng vẫn luôn là đầu tàu (Ảnh: Lâm Thoả).

Nhưng việc ông Park Hang-seo có những thay đổi nhân sự hợp lý và đặc biệt là cách ông cho học trò tăng tốc ở phần nửa cuối hiệp 2 đã tạo ra một cục diện khác hoàn toàn. Cái cách hai biên thủ của chúng ta là Lê Văn Đô và Phan Tuấn Tài thường xuyên leo biên đã buộc người Thái cũng không được phép mạo hiểm.

Trong khi đó, việc đưa Lý Công Hoàng Anh vào sân đã tạo ra những thay đổi tích cực ở khâu cầm bóng của tuyến trên. Cùng với sự di chuyển rộng và sâu của Tiến Linh, U23 Việt Nam bắt đầu có các cơ hội chuyển hướng tấn công. Và cho dù chúng ta vẫn chủ yếu dùng bài tạt cánh (với sự thay đổi là có những quả tạt sớm nhiều hơn), cách thay đổi hướng tấn công khá liên tục đã khiến người Thái có những xộc xệch nhất định. Và ở một tình huống như thế, Nhâm Mạnh Dũng có quả đánh đầu xuất thần đúng nghĩa để giữ lại bộ Huy chương vàng bóng đá nam SEA Games cho Việt Nam.

U23 Việt Nam - U23 Thái Lan: 1-0 Một chiến thắng nhìn từ hàng thủ  -0
Hoàng Đức - một nhân tố tăng cường trên 23 tuổi (Ảnh: Lâm Thoả) .

Đây là trận chia tay đẹp mắt của ông Park Hang-seo với đội U23. Người kế tục ông chắc chắn sẽ phải cải thiện U23 rất nhiều để cỗ máy ấy ngày càng hoàn chỉnh hơn. Chiến thắng đáng ghi nhận, đáng tưởng thưởng nhưng không có nghĩa là nó đã đủ để thoả mãn. Với những nhân tố hiện nay, U23 hoàn toàn có thể tiến bộ hơn nữa nếu được tinh chỉnh để hiện đại hơn nữa.

Hà Quang Minh
.
.
.