Thể thao đâu chỉ có thắng và thua

Thứ Năm, 12/05/2022, 11:25

SEA Games 31 đã diễn ra được vài ngày, Thể thao Việt Nam từ chỗ không có huy chương vàng nào đến lúc vượt qua Malaysia để dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương. Và câu chuyện của người thắng, kẻ thua trong các cuộc tranh tài cũng bắt đầu "nóng" lên.

Tô Thị Trang cô gái sinh năm 1999 tại Hà Nội được nhắc đến rất nhiều trong những ngày qua khi trở thành người mang về tấm huy chương vàng đầu tiên tại môn Kurash. Rất nhiều lời khen ngợi đã được gửi tới võ sỹ Việt Nam. Tuy nhiên đằng sau tấm huy chương vàng ấy không chỉ có hạnh phúc mà còn cả mồ hôi, công sức thậm chí cả nỗi đau mất mát.

Là một vận động viên chuyên nghiệp thì không ai không phải chịu cảnh xa nhà thường xuyên, Tô Thị Trang cũng không phải ngoại lệ. Chồng cô - võ sỹ muay Đào Đại Hải cũng là một vận động viên thuộc đội tuyển Quốc gia tham dự SEA Games nên thời gian hai vợ chồng sống gần nhau cũng không có nhiều.

Cả hai quen nhau khi cùng tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I (Nhổn, Hà Nội), trước khi chính thức lập gia vào tháng 12/2021. Cặp vợ chồng VĐV này không may mắc COVID-19 vào đầu năm 2022, và để vợ duy trì tập luyện, Hải tự nguyện làm "quân xanh".

6198f49a_9ae7_4c41_90a6_99c59432-1652250691928.jpg -0
Tô Thị Trang đăng tin bố mất sau khi đoạt huy chương vàng SEA Games. Ảnh: FBNV

Nhưng có lẽ câu chuyện gây xúc động nhất về Tô Thị Trang là về người cha của cô. Khi xuất sắc đoạt huy chương vàng, Trang từng nghẹn ngào phát biểu rằng thành tích này của cô là để giành tặng người cha đang bị bệnh nặng. Đáng tiếc ông Tô Văn Sen cha của Trang không thể qua khỏi. Theo nhiều nguồn tin, gia đình đã không cho Trang biết về tình trạng sức khỏe của cha để cô yên tập luyện tập.

Một người cha đã hi sinh những ngày tháng cuối cùng của mình để con gái có thể yên tâm thi đấu mang vinh quang về cho tổ quốc, người đàn ông ấy xứng đáng nhận được sự tôn trọng và cảm ơn. Hình ảnh Trang để tấm huy chương vàng quý giá vào tay người cha yêu quý trên giường bệnh có lẽ sẽ là một trong những hình ảnh gây xúc động nhất liên quan để SEA Games 31. Vinh quang nào cũng có cái giá của nó, trong thể thao cũng vậy.

d4bac815-ce7b-4506-bb3e-9f7100470b32.jpg -0
Trang đã đánh đổi rất nhiều để có được tấm huy chương vàng SEA Games 31. Ảnh: CTV.

Chiến thắng rất dễ được tán thưởng nhưng thất bại thì lại rất khó tìm được sự sẻ chia, đồng cảm. Trong ngày 11/5 khi nhiều người thông qua mạng xã hội gửi lời chia buồn tới Tô Thị Trang thì một vận động viên khác của đoàn thể thao Việt Nam lại ở trong tình cảnh khác. Vận động viên nhảy cầu Nguyễn Tùng Dương đã thực hiện lỗi trong cú nhảy cuối cùng tại nội dung cầu mềm 3m. Chàng trai được mệnh danh là "hot boy" môn nhảy cầu tiếp nước với tư thế úp mặt và chỉ được 0 điểm xếp cuối cùng trong số 6 vận động viên.

Mọi chuyện dường như đã diễn biến xấu với Tùng Dương khi đây là nội dung sở trường của vận động viên này. Tại kỳ SEA Games trước đó Tùng Dương từng đứng ở vị trí thứ 4. Không chỉ có vậy trước đó 2 ngày, Tùng Dương cũng nhận điểm số 0 (điểm liệt) tại nội dung cầu mềm 1m nam.

Thất bại liên tiếp nên những ý kiến chỉ trích Tùng Dương cũng xuất hiện. Dẫu vậy nếu xét theo một cách công bằng thì trong thể thao không thể chỉ nhìn vào thắng thua để làm chỉ tiêu duy nhất bình xét một vận động viên. Cần nhớ rằng đua tranh với đoàn thể thao Việt Nam tại nội dung này là Malaysia một trong nhưng quốc gia mạnh hàng đầu khu vực và châu lục.

Nước bạn đã có 7 huy chương vàng trong 8 nội dung môn nhảy cầu tại SEA Games đủ thấy sức mạnh của họ. Thi đấu cùng những đối thủ mạnh như thế thì Tùng Dường cùng đồng đội chịu áp lực là một điều dễ hiểu. Và cũng cần nhớ rằng đội tuyển nhảy cầu Việt Nam mới chỉ thoát cảnh "tập cạn" từ cuối tháng 4. Tuyển nhảy cầu cũng là một trong những đội tuyển gặp nhiều thiệt thòi nhất do dịch bệnh nên ít được đi tập huấn nước ngoài...

vdv-3bc593d90c37cd699426-1--1652268977-591-width740height493.jpg -0
Cú nhảy khiến Tùng Dương nhận 0 điểm. Nhiều VĐV môn nhảy cầu cùng từng phải nhận kết quả tương tự. Ảnh chụp màn hình.

Và một một lý do khác cũng cần phải kể để là tâm lý áp lực khi thi đấu trên sân nhà. Đối với nhiều VĐV việc thi đấu dưới sự cổ vũ của khán giả nhà đôi khi còn khó khăn hơn là ở trên "sân khách". Áp lực tâm lý với vận động viên nói chung và vận động viên nhảy cầu nói riêng không  phải là điều gì quá mới mẻ. Minh chứng là đồng đội của Tùng Dương là Ngô Phương Mai-người mang về tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 này cũng đã thi đấu không thành công ở nội dung đơn nữ cầu mềm 3m, không bảo vệ được tấm HCĐ đã giành được ở SEA Games 30.

Quan trọng hơn lỗi mà Tùng Dương mắc phải thì gần như tại môn nhảy cầu ở các giải thể thao lớn luôn có. Tùng Dương còn trẻ và còn khả năng khắc phục điều này. Trong thể thao có thắng có thua nhưng quan trọng sau đó người ta sẽ ứng xử thế nào. Thất bại nếu nhìn nhận đúng cách lại là động lực giúp ta vươn lên.

Nguyễn Bình
.
.
.