Điền kinh Việt Nam tại SEA Games:

Coi chừng bị Thái Lan truất ngôi nữ hoàng

Thứ Hai, 16/05/2022, 05:31

Nhiều năm trở lại đây, điền kinh Việt Nam luôn thống trị Đông Nam Á. Nhưng với làn sóng nhập tịch rầm rộ đến từ Thái Lan, Việt Nam nên cẩn trọng nếu không muốn bị truất ngôi ở bộ môn nữ hoàng.

Làn gió trẻ đáng mừng của điền kinh Việt Nam

Tại SEA Games 31, điền kinh được tổ chức xuyên suốt từ ngày 14 đến 19/5 trên sân vận động Mỹ Đình với tổng cộng 45 bộ huy chương. Trong đó, 66 vận động viên thuộc điền kinh Việt Nam tham dự hầu hết các nội dung của bộ môn này. Mục tiêu mà điền kinh Việt Nam hướng tới rất tham vọng nhưng cũng dễ hiểu. Đó là giành từ 15 đến 17 huy chương Vàng, qua đó tiếp tục bảo vệ vị trí số 1 ở kỳ SEA Games thứ 3 liên tiếp.

anh 2.jpg -0
Điền kinh Việt Nam phải đặc biệt cẩn trọng những “máy chạy nhập tịch” từ Thái Lan.

Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên diễn ra hôm 14/5, điền kinh Việt Nam đã ẵm 4 huy chương Vàng. Nguyễn Thị Oanh 2 lần được tự hào cất tiếng hát Quốc ca ở bục vị cao nhất nhờ thành tích xuất sắc ở nội dung 1.500m nữ và 5.000m nữ. Ở nội dung 1.500m nữ, Nguyễn Thị Oanh về nhất với thời gian 4 phút 14 giây 98. Sau 8 tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, cô gái cao chưa đến 1m60 này tiếp tục gây ấn tượng với việc về nhất ở thời gian 16 phút 44 giây 06.

Sau 2 tấm huy chương Vàng của Nguyễn Thị Oanh, Lương Đức Phước rinh thêm vàng cho điền kinh nước nhà ở nội dung 1.500m nam. Trong lần đầu tiên tham dự SEA Games 31, chàng trai sinh năm 2002 đã về nhất với thời gian 3 phút 54 giây 37. Chỉ sau đó ít phút, Nguyễn Hoài Văn có tấm huy chương Vàng thứ 4, tại nội dung ném lao với thông số 70,87 mét. Nên nhớ, đây là huy chương Vàng ném lao đầu tiên của Việt Nam tại SEA Games sau 11 năm,  kể từ khi Nguyễn Trường Giang làm được năm 2011.

Song song với việc sớm rinh 4 huy chương Vàng trong ngày thi đấu đầu tiên, niềm vui ẩn chứa sau thành công của điền kinh Việt Nam còn là sự trưởng thành đến từ những tài năng trẻ. Lương Đức Phước, vận động viên mới 20 tuổi đã có huy chương Vàng ngay trong kỳ SEA Games đầu đời. Đồng đội của Đức Phước là Trần Văn Đảng cũng là niềm hy vọng tiềm năng ở nội dung 1.500m nam. Điều đó khiến người hâm mộ tin tưởng vào truyền nhân của đàn anh Dương Văn Thái, vận động viên thành công nhất tại đường chạy có cự ly 1.500m kể trên.

Kế đến, Ngần Ngọc Nghĩa dù không thể đem về huy chương Vàng ở nội dung 200m nam nhưng Nghĩa phá kỷ lục quốc gia tới 2 lần trong ngày, do đàn anh Lê Trọng Hinh lập tại SEA Games 2015 (20 giây 89). Thành tích ấy có thể xem là một cú hích niềm tin cho điền kinh Việt Nam, về một thế hệ gối đầu giàu năng lực.

Nhưng hãy coi chừng Thái Lan

Như đã nói, mục tiêu của điền kinh Việt Nam là đứng nhất SEA Games lần thứ 3 liên tiếp. Nhưng tham vọng ấy sẽ vấp phải sự đối chọi quyết liệt tới từ Thái Lan. Minh chứng rõ nét nhất chính là màn “cướp vàng” của Thái Lan trước Việt Nam ở nội dung 4x400m tiếp sức nam nữ. Nên nhớ, 3 năm trước, đội Việt Nam đã xuất sắc giành HCV, nhưng lần này, họ chỉ có thể về nhì. Đội hình vẫn còn đá những gương mặt như Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn và Quách Thị Lan, còn Nguyễn Thị Huyền thay thế Nguyễn Thị Hằng. Sau 2 lượt đầu chạy tốt, Việt Nam đã để Thái Lan dần bắt kịp và ở những khoảnh khắc cuối, Lan đã thất bại. Thái Lan giành HCV với 3 phút 19 giây 29, còn Việt Nam nhận HCB với 3 phút 19 giây 37.

Quả thực, khi Việt Nam tung ra 4 gương nam, nữ mạnh nhất của mình để tranh tài gồm: Trần Nhật Hoàng (HCV SEA Games 400m), Nguyễn Thị Huyền (HCV SEA Games 400m), Trần Đình Sơn (HCB SEA Games 400m) và Quách Thị Lan (HCV Asian Games 400m), chẳng ai nghĩ đội tuyển Việt Nam sẽ thất bại. Nhưng sau cùng, Việt Nam đã mất HCV về tay Thái Lan. Có thể, phong độ của những vận động viên Việt Nam bất ngờ bị sụt giảm ở khoảnh khắc quyết định. Nhưng bên cạnh nguyên nhân chủ quan đến từ các VĐV của chúng ta thì khách quan mà nói, Thái Lan đang ngày càng mạnh lên và quyết tâm soán ngôi hậu của Việt Nam.

Theo thông tin có được, Liên đoàn điền kinh Thái Lan đã thành công trong quá trình “nhập khẩu” ồ ạt các “máy chạy” chất lượng ở hàng loạt cự ly từ ngắn, trung bình cho đến cự ly dài. Đáng kể nhất trong số này VĐV 16 tuổi Puriphon Boonsorn. Sở hữu thông số rất ấn tượng lần lượt là 10 giây 19 (100m) và 20 giây 58 (200m), VĐV sinh năm 2006 được dự đoán sẽ khó có đối thủ ở đường chạy cự ly ngắn của nam.

Ngoài ra, Thái Lan được đánh giá sẽ cầm chắc 2 tấm HCV nội dung 5000m và 10.000m nam với ngôi sao nhập tịch gốc Mỹ Kieran Tuntivate. VĐV 25 tuổi đã phá kỷ lục châu Á 2022 ở đường chạy 5.000m còn “cày” thêm nội dung 1500m ở kỳ đại hội lần này. Tấm HCV Marathon cũng sẽ khó thoát khỏi tay điền kinh Thái Lan khi họ có Tony Ah-Thit Payne, VĐV nhập tịch gốc New Zealand đang nắm giữ kỷ lục Đông Nam Á với thời gian 2 giờ 16 phút 56 giây.

Đặc biệt, Thái Lan còn nhập tịch thành công chân chạy đến từ Australia - Joshua Atkinson từ đầu tháng 4 năm nay. Mới chỉ 18 tuổi, Atkinson được đánh giá sẽ là đối trọng lớn của Trần Nhật Hoàng ở đường chạy 400m và 800m nam. Ngoài ra, Thái Lan còn được đánh giá rất cao ở các nội dung tiếp sức nam, nữ, một số nội dung nhảy và rất mạnh ở các nội dung ném, đẩy.

Đánh giá của các chuyên gia, dựa trên chiến lược nhập tịch, Thái Lan nhiều khả năng đã có chắc tầm 6-8 HCV ở SEA Games 31. Tất nhiên, đối chiếu con số này với mục tiêu 15-17 HCV của Việt Nam, điền kinh Thái Lan vẫn chưa thể soán ngôi hậu trong ngày một, ngày hai. Nhưng trong tương lai gần, đây sẽ là đối thủ mà Việt Nam cần phải hết sức đề phòng.

Đinh Thị Bích quyết giành HCV trên đường chạy 800m

Trong kỳ SEA Games 31, cô gái Đinh Thị Bích đang tập luyện rất nghiêm túc để chuẩn bị thi đấu tại hạng mục chạy 800m nữ. Ở giải điền kinh tuyển chọn những vận động viên xuất sắc nhất tham dự SEA Games 31, Đinh Thị Bích cũng là một trong gần 100 vận động viên tham gia màn tranh tài này. Với thành tích 2 phút 09 giây 90, Đinh Thị Bích về đích ở vị trí thứ 2 và giành cho mình một tấm vé tham dự SEA Games 31 tại nội dung 800m nữ. Dựa trên thành tích đầy khả quan, cô gái quê Nam Định hứa hẹn sẽ là 1 gương mặt mang lại tấm HCV cho đội tuyển điền kinh nước nhà.

An Khánh
.
.
.