Tội phạm xe môtô trên xa lộ Mỹ

Thứ Ba, 08/12/2020, 11:09
Có một điểm thú vị của lịch sử mà từ trong lịch sử, rất ít người để ý tới: Mỗi khi có một phương tiện mới được phát minh ra, cũng là thời điểm xuất hiện một loại hình tội phạm mới.


Khi xuất hiện tàu hoả, "ra lò"  những toán cướp cưỡi ngựa chặn đầu những chuyến tàu. Khi có máy bay, ngay lập tức "ra đời" những kẻ không tặc bắt cóc các hành khách vì mục đích đòi tiền chuộc hay khủng bố. Xe môtô phân khối lớn cũng không phải ngoại lệ. Từ hơn 3/4 thế kỷ trở lại đây, trên những xa lộ tại nước Mỹ đã bị thống trị bởi các băng đảng tội phạm có tổ chức chuyên cưỡi xe môtô phân khối lớn, v.v...

Lịch sử

Với tư cách là một trong những "quê hương" của ngành công nghiệp ôtô, ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, xe hơi đã phổ biến trong xã hội Mỹ, xe môtô vẫn là thứ xa lạ với nhiều người. Phải đến thế chiến thứ hai nhiều thanh niên Mỹ mới có cơ hội được cưỡi xe mô tô lần đầu để làm công việc giao liên và do thám trên những chiến trường châu Âu. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ vinh quang, những thanh niên này trở về Mỹ với cảm giác trong lòng đam mê những chiếc môtô. Họ mua xe và lập thành những hội, nhóm khác nhau để chia sẻ lòng yêu xe môtô của mình. Chẳng mấy chốc việc sở hữu một chiếc xe môtô trở thành "mốt" của giới trẻ Mỹ.

Chính vào thời điểm đó, những đối tượng bất lương cũng bắt đầu nhận ra lợi ích của xe môtô khi thực hiện hành vi cướp đường. Một chiếc ôtô to không phải đoạn đường nào cũng đi được, đoạn cua nào cũng rẽ được, mà lại còn dễ bị cảnh sát phát hiện. Ngược lại, một chiếc xe môtô hiệu Harley-Davidson với kích thước nhỏ gọn có thể đi được bất kì đâu, kể cả những con đường đất, đường đồi. Và khi những tên tội phạm cần lẩn trốn, việc giấu một chiếc xe môtô cũng không có gì khó khăn. Vậy là những băng cướp đường đi xe mô tô đầu tiên xuất hiện một cách tự nhiên tại Mỹ vào cuối thập niên 1950.

Một buổi diễu hành của băng Hells Angels.

Những băng cướp tổ chức tương tự như các hội, nhóm người yêu xe mô tô hợp pháp.  Chúng cũng có hội trưởng, hội phó, thủ quỹ, v.v… mỗi thành viên trong băng phải tuân theo một số quy định nhất định: phải mặc đồng phục; không được đi vượt xe hội trưởng, v.v… người ta hẳn sẽ cảm thấy lạ khi đã làm cướp lại phải tuân theo luật lệ, nhưng trên thực tế việc này có tác dụng nhất định: những tên tội phạm cảm thấy như mình trở thành người trong "gia đình", một anh em trong hội bằng hữu. Chúng trở nên đoàn kết hơn; biết hợp tác tốt hơn khi thực hiện hành vi phạm pháp, và không phản bội lại nhau. Một tổ chức nghiêm chỉnh với các quy định chặt chẽ tóm lại đã khiến những băng cướp xe mô tô trở nên lớn mạnh nhanh như vậy.

Từ "ăn bay" trên xa lộ đến vận chuyển thuê ma túy

Các lái xe tải đường dài hiện nay sẵn sàng đem theo vũ khí "nóng" để tự bảo vệ mình. Cảnh sát xa lộ Mỹ cũng được trang bị xe chạy với tốc độ  nhanh hơn và được trang bị thêm nhiều vũ khí. Vì vậy, số lượng các vụ chặn đường cướp xe tải trên đường cao tốc tại Mỹ đang có chiều hướng giảm xuống theo từng năm. Tất nhiên, vẫn có một số vụ cướp gây ồn ào dư luận. Đơn cử như vụ một toán cướp dùng súng khống chế tài xế rồi lấy đi chiếc xe tải chở số điện thoại Iphone 11, tai nghe AirPod và đồng hồ Apple Watch tổng trị giá lên tới 6,6 triệu USD. Nhưng những trường hợp này đang ngày một hiếm.

Thay vì phải liều mình chặn đường xe tải, những băng nhóm tội phạm chạy xe mô tô phân khối lớn đã chuyển sang thực hiện các hành vi phi pháp khác để kiếm lời. Hầu hết trong số chúng đều tham gia trung chuyển ma tuý giữa các bang ở Mỹ. Một số băng nhóm lớn còn lập nên điều  hành những xưởng sản xuất tinh chế chất gây nghiện. Hoặc là, chúng tìm cách biến những thị trấn ven đường cao tốc trở thành "ổ tệ nạn" bằng cách, tổ chức bảo kê mại dâm, đánh bạc, đá gà, v.v…

Những tài xế xe tải đường dài dừng lại nghỉ ngơi rất dễ bị lôi kéo rồi từ đó mất hết tiền bạc mang theo. Ngược lại, các băng đảng vừa cướp được tiền của nạn nhân, lại vừa dùng những việc kinh doanh mờ ám nói trên làm phương tiện để rửa tiền thuê cho nhiều đối tượng tội phạm khác. Khách hàng rửa tiền chính của bọn này lại chính là những tổ chức buôn ma tuý Mexico đã thuê chúng vận chuyển hàng cấm xuyên biên giới đi phân phối.

Các nhóm cướp chạy xe môtô phân khối lớn tại Mỹ hiện chủ yếu đều tập trung vào sáu băng đảng lớn. Băng Mongols thống trị khu vực miền Nam bang California với nòng cốt là những tên tội phạm người Mỹ-Latinh sống tại thành phố Los Angeles. Băng Bandidos lớn thứ hai nước Mỹ (khoảng 900 đối tượng), chủ yếu hoạt động tại các băng miền Nam và Tây nước Mỹ. Băng Outlaws ở miền Trung Tây rất manh động và đứng đằng sau nhiều vụ án nghiêm trọng như giết người thuê, bắt cóc và tổ chức sản xuất & phân phối methamphetamine.

Trong khi đó,  băng Hells Angels nổi tiếng và có tuổi đời lâu nhất, nhưng hiện nay đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các băng đảng trẻ hơn. Còn băng Pagans chuyên việc chuyên chở cocaine; methamphetamine và PCP ở miền duyên hải phía Đông. Băng Pagans quy mô và tuổi đời còn nhỏ, nhưng đã sớm được Bộ Tư pháp Mỹ đưa vào danh sách theo dõi do hàng loạt những vụ giết người; hành hung; buôn bán ma tuý và vũ khí; bảo kê mại dâm, và rửa tiền. Ước tính tổng số lợi nhuận mà các băng nhóm này thu được trong một năm có thể lên tới hơn  1 tỷ USD.

Hình xăm và áo khoác là thứ để các thành viên trong cùng một băng đảng nhận ra nhau.

Với số tiền nhận được lớn đến như vậy, các băng đảng xe môtô phân khối lớn ở Mỹ sẵn sàng "đổ máu" với nhau để bảo vệ và mở rộng địa bàn của mình. Vào năm 2013, băng Bandidos xung đột với một băng đảng khác tại thành phố Philadelphia. Chỉ trong một đêm,  băng Bandidos đã "xuống tay" bắn chết 15 thành viên của băng đảng đối địch một cách không thương tiếc tại một nhà hàng Waco, bang Texas khiến 9 người chết và 5 người bị thương. Hiện nay đang diễn ra một cuộc chiến ngầm giữa một bên là băng Hells Angels và bên kia Mongols và Bandidos. Địa bàn hoạt động của Hells Angels đang càng ngày bị thu hẹp lại bởi hai băng đảng kia. Hiện nay cảnh sát Mỹ đang theo sát tất cả các bên để có thể nhanh chóng hành động khi Hells Angels quyết định sử dụng vũ lực tấn công tổng lực đối thủ.

Cảnh sát Mỹ đã và đang có nhiều hành động mạnh trấn áp các băng đảng tội phạm xe môtô phân khối lớn. Năm 2005, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI tổ chức một chiến dịch truy quét lớn, bắt giữ số ma tuý trị giá khoảng 2 triệu USD và 300kg vũ khí trái phép. Cũng cơ quan này 13 năm sau đã bắt giữ 160 đối tượng tội phạm đi xe môtô trong một chiến dịch kéo dài một tháng. Không ít đối tượng trong số này đã bị kết án từ 20 năm tù đến chung thân. Nhưng cho dù các cơ quan hành pháp Mỹ có bắt giữ, kết án bao nhiêu đối tượng hay tịch thu bao nhiêu vũ khí đi chăng nữa, họ vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề tội phạm trên xa lộ. Ngoài cách tổ chức chặt chẽ và sự manh động, những băng đảng tội phạm xe mô tô phân khối lớn còn tự bảo vệ bản thân bằng cách làm PR.

Gần như băng nhóm tội phạm nào kể trên  hàng năm cũng trích quỹ riêng để làm từ thiện. Chúng làm từ thiện theo rất nhiều cách khác nhau: từ ủng hộ đồ chơi cho trẻ em cho đến chi trả tiền viện phí cho người già. Một phần số tiền mà những tên tội phạm kiếm được lại dùng để tái đầu tư cho chính địa phương mà chúng làm kinh doanh bằng cách cấp vốn xây dựng lại cơ sở hạ tầng; mua sắm trang thiết bị công, v.v… Hầu hết các thị trấn mà những đối tượng này đặt cơ sở đều nằm trong vùng có thu nhập thấp; không có hoạt động kinh tế đáng kể, và gần như bị chính quyền các cấp "bỏ quên". Sự xuất hiện của những băng nhóm tội phạm xe mô tô phân khối lớn và số tiền mà chúng bỏ ra vì thế giống như "cứu cánh" cho các thị trấn này vậy. Người dân địa phương không những "làm ngơ" trước những hoạt động phạm pháp diễn ra hằng ngày, mà họ còn sẵn sàng tiếp tay cho các đối tượng tội phạm.

Các băng đảng xe máy rất manh động và sẵn sàng sử dụng hàng nóng.

Tương lai

Đã xảy ra một điều vô cùng thú vị: điều mà cảnh sát và toà án Mỹ không làm được nhưng dịch COVID-19 lại làm được. Đó là đại dịch đã khiến cho các băng nhóm tội phạm xe môtô phân khối lớn ở Mỹ suy yếu rõ rệt. Số lượng xe tải đi lại trên xa lộ giảm đi vì lệnh giới nhiêm. Cũng chung lý do đấy mà ít người đi sàn nhảy; quán bar hơn, khiến doanh thu từ việc bán ma tuý đi xuống. Thành viên những băng đảng vì không thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng dịch mà cứ nối nhau mắc bệnh. Có tin đồn rằng, thủ lĩnh băng Bandidos và một số thành viên cao cấp khác đã phải nhập viện do nhiễm COVID-19 sau một bữa rượu.

Tất nhiên, sự đi xuống nói trên sẽ không có ý nghĩa gì nếu như các cơ quan hành pháp Mỹ không tận dụng cơ hội hiếm hoi này mà dẹp trừ các băng đảng tội phạm xe môtô phân khối lớn. Chỉ cần nền kinh tế và xã hội Mỹ hoạt động bình thường trở lại, những tổ chức này sẽ nhanh chóng hồi phục, trở về mức trước khi đại dịch xảy ra. Điều đó buộc lực lượng cảnh sát các bang và FBI cần có chiến lược để đối phó.

Lê Công Vũ
.
.
.