Mỗi trường đại học sẽ là một công ty công nghệ phát triển

Thứ Năm, 10/12/2020, 07:56
Ngày 9/12 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức "Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" với sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn, lãnh đạo các trường đại học trên cả nước. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì hội thảo.

Chuyển đổi số để đào tạo những công dân toàn cầu

Với quy mô hơn 53.000 cơ sở GD&ĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành GD&ĐT xác định chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện GD&DT, nâng cao hiệu lực hiệu quả các hoạt động giáo dục; qua đó góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, không phải bây giờ Bộ GD&ĐT mới ban hành nhiệm vụ này mà trước đó ngành giáo dục đã cùng ngành TT&TT và các tập đoàn công nghệ thực hiện chuyển đổi số rất tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt những kết quả tích cực. Bộ GD&ĐT đã xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông với mục tiêu số hóa thông tin quản lý tất cả các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành. Bộ GD&ĐT cũng đã hợp tác với Đề án tri thức Việt số hóa xây dựng và phát triển kho học liệu dùng chung gồm 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông, đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, trên 7.500 luận án tiến sĩ.

Ảnh minh họa: Cần xây dựng nền tảng dữ liệu, kho học liệu thống nhất để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tạo áp lực nhưng cũng tạo động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, việc tổ chức dạy và học trực tuyến trong thời gian tới cần được làm bài bản để hiệu quả cao hơn. Trong đó, một số việc cần làm là phải xây dựng được một nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất, cơ sở dữ liệu và nguồn học liệu thống nhất; hoàn thiện hàng lang pháp lý về dạy học trực tuyến; xây dựng một đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số quốc gia trực tiếp và gián tiếp.

Đề xuất thí điểm đại học số tại Việt Nam

Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo trong chuyển đổi số quốc gia khi đây là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cam kết, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong hành trình đầy thách thức và vinh quang bởi vì chuyển đổi số, đầu tiên là nhắm vào giới trẻ, để từ đó thúc đẩy toàn xã hội.

“Chuyển đổi số giáo dục đào tạo, nhất là đại học và dạy nghề có lẽ là con đường đúng nhất, nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành. Nếu nhìn theo góc này, đại học ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là mô hình truyền thống, và thực sự đại học sẽ là một công ty công nghệ phát triển và nội dung về dạy học nhưng bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức của mình lên các nền tảng. Một đại học số có lẽ đã đủ điều kiện để thí điểm tại Việt Nam”- Bộ trưởng Bộ TT&TT đề xuất.

Cũng tại hội thảo, lãnh đạo Tập đoàn, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các trường đại học đã thảo luận và đi đến thống nhất rằng, để chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo hiệu quả, cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; phát triển sử dụng tài nguyên giáo dục số; phát triển kỹ năng số cho học sinh, sinh viên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số quốc gia. Hai Bộ TT&TT và GD&ĐT cũng đã ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, ký kết hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa.

Huyền Thanh
.
.
.