Chất lượng các dự án đầu tư ngành giao thông vận tải còn thấp
- Rà soát kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án giao thông vận tải
- Việt Nam - Nhật Bản bàn cách chống tiêu cực, tham nhũng trong các dự án giao thông vận tải sử dụng vốn ODA
Tai nạn giao thông giảm liên tiếp 5 năm liền
Thay mặt Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Lê Đình Thọ báo cáo kết quả công tác năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2021, Bộ GTVT đã bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không. Tính đến hết tháng 11/2020, sản lượng vận tải giảm 29,7%; khối lượng luân chuyển hàng hóa giảm 7,9% và giảm 35,1% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2019. Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), giảm ùn tắc giao thông, từ năm 2016 trở lại đây, TNGT giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ. Ảnh: CTV |
So với giai đoạn 2011 - 2015, số vụ tai nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người bị thương giảm 53,91%. 11 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm 18,26%, số người chết giảm 13,3%, số người bị thương giảm 20,52% so với 11 tháng năm 2019.
Công tác giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, hầu như không xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại 2 thành phố lớn. Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 dự án luật, cho ý kiến một dự án luật; đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 nghị định, 11 quyết định, phê duyệt 15 đề án trong tổng số 22 đề án đã trình…
Đối với năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đặt ra những chỉ tiêu rất cụ thể. Trong đó, dự kiến năm 2021, hoạt động vận tải ổn định, dần phục hồi trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, vận chuyển hành khách tăng từ 5 đến 6%, vận tải hàng hóa tăng đến 10%, hàng thông qua cảng biển tăng 7 - 8% so với năm 2020; hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021 với số vốn dự kiến giải ngân là 46.005 tỷ đồng; thực hiện năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT”, kéo giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2020; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các TP lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…
Nhiều dự án giao thông trọng điểm còn chậm tiến độ
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những nỗ lực to lớn của ngành GTVT, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Cả ngành giao thông đều rất trách nhiệm, tích cực. Chỗ nào khó khăn nhất đều có mặt của ngành giao thông, cả ngoài biển, trên đất liền, đồng bằng, miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, giai đoạn vừa qua vẫn còn có những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục.
Cụ thể, các dự án, công trình giao thông khởi công mới (bao gồm các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư) trong giai đoạn 2016 - 2020 rất ít so với yêu cầu, quy hoạch phát triển. Việc hoàn thành 2.000km đường bộ cao tốc chậm khoảng 2 năm so với mục tiêu đề ra; phát triển đường sắt còn chưa được quan tâm bố trí vốn, các dự án đường sắt đô thị triển khai chậm.
Nhiều dự án hạ tầng giao thông còn chậm tiến độnhư: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Tuý Loan, Trung Lương - Mỹ Thuận; các dự án đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên. Hạ tầng hàng không đã được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và du lịch. Một số sân bay quốc tế lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... đều đã quá tải. Năng lực hệ thống hạ tầng đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ gia tăng dân số đô thị, nhất là về giao thông.
Với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay, không thể nào hạn chế được ùn tắc giao thông. Thiếu kết cấu giao thông đồng bộ kết nối giữa các trung tâm, vùng kinh tế với nhau, với các sân bay, cảng biển; kết nối giữa đô thị và nông thôn, giữa trung tâm và các khu vực mở rộng ven đô còn hạn chế. Chất lượng các quy hoạch phát triển ngành còn nhiều hạn chế nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời. Chất lượng các dự án đầu tư ngành GTVT còn thấp. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn khó khăn…
“Để Bộ GTVT hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến phạm vi trách nhiệm của mình. Trong đó, cần phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh và nói rõ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thông báo kế hoạch vốn đầu tư để các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ GTVT kịp thời triển khai giải ngân, bảo đảm kế hoạch được giao; Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT, quyết tâm kéo giảm TNGT; xử lý nghiêm các hành vi cố tình gây mất trật tự an ninh xã hội tại các trạm thu phí BOT.
Chính quyền, nhân dân các địa phương cần quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông; tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình; tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm của ngành GTVT, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành...