Sân khấu hiếm vở diễn về đề tài chống tham nhũng

Thứ Hai, 09/11/2020, 07:27
Mới đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm về vấn đề chống tham nhũng qua các tác phẩm nghệ thuật sân khấu, xung quanh vở diễn gây ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng gần đây, vở "Công lý như mặt trời". Nhiều ý kiến cho rằng, sân khấu dù được đánh giá là loại hình nghệ thuật xung kích nhất trong chống tham nhũng, nhưng mấy năm trở lại đây, đề tài này không có nhiều người cầm bút dấn thân, dù cho cuộc chiến chống tham nhũng đang được toàn xã hội quan tâm.


Lác đác vở diễn

"Công lý như mặt trời"- vở diễn về đề tài chống tham nhũng, đạo diễn Chánh Trực dàn dựng trên kịch bản của nhà viết kịch Vương Huyền Cơ tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh đang tạo nên một cơn sốt trong khán giả. Mặc dù được dàn dựng là một vở mang hơi hướng cổ trang, nhưng "Công lý như mặt trời" thực chất lại thể hiện những vẫn đề của hôm nay, đậm hơi thở hiện đại. Bằng thủ pháp trào lộng, châm biếm, đạo diễn đã khéo léo lột tả những thói hư tật xấu của xã hội hiện đại thông qua các hình tượng nhân vật. 

Rất lâu rồi công chúng mới được xem một vở chính kịch đề cập trực diện vào câu chuyện phòng chống tham nhũng, sâu cay mà vẫn không nặng nề, phù hợp với tâm lý người xem. Đặc biệt, tác giả kịch bản đã dùng thủ pháp ''mượn xưa nói nay'' khiến khán giả vô cùng thích thú. Thậm chí những câu nói, trào lưu thịnh hành trên mạng xã hội, những ca khúc hot, hit, gắn với giới trẻ cũng được đạo diễn đưa vào vở diễn. 

Cảnh trong vở “Bạch đàn liễu” do sân khấu Lucteam dàn dựng.

Giàu tiếng cười nhưng cũng sâu sắc nỗi đau, nỗi xót xa là cảm nhận chung về vở diễn. Nữ tác giả Vương Huyền Cơ là một trong những nhà viết kịch hiếm hoi hiện nay đau đáu với đề tài chống tham nhũng. "Chân lý như mặt trời" là tiếng khóc của người dân, vì những khốn khổ, oan khuất họ phải gánh chịu bởi nạn tham nhũng, quan liêu, án oan sai. Chị viết chuyện xưa mà thực chất là viết chuyện hôm nay, những chuyện đại gia, con ông cháu cha thông đồng chi phối cán cân công lý, chuyện quan tham, ham tiền, hám gái…

Một vở diễn khác về đề tài tham nhũng cũng tạo ra hiệu ứng tốt với khán giả là vở "Bạch đàn liễu" do đạo diễn Trần Lực và ê kíp Lucteam tái dàn dựng. Nói "tái dàn dựng" là vì vở diễn cũ, đã từng được đưa lên sân khấu trong quá khứ. 

"Bạch đàn liễu" được nhà viết kịch Xuân Trình viết từ năm 1972, đánh thẳng vào tệ tham nhũng, cường hào ác bá ở nông thôn và chỉ được diễn một lần duy nhất trên sân khấu. Gần nửa thế kỷ đi qua từ khi vở diễn ra đời, nhưng tính thời sự của vở diễn thì chưa hề mất đi. Thậm chí với nhiều khán giả, câu chuyện vẫn như đang là của ngày hôm nay. Chính vì nhận thấy tính thời sự của vở diễn mà Trần Lực đã quyết định dàn dựng lại, thổi thêm làn gió đương đại vào. 

Đạo diễn chia sẻ: "Vở kịch lấy bối cảnh làng quê Bắc Bộ năm 1968, bắt đầu từ cây bạch đàn và kết thúc khi gốc cây bị đốn ngã. Nỗi đau của người dân khi được tác giả gửi gắm qua hình ảnh cây bạch đàn với thông điệp lên án thực trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, tham nhũng khiến nhân dân khổ sở. Kịch bản được viết cách đây gần 50 năm nhưng vẫn đầy ý nghĩa, nêu bật những vấn đề thời sự nóng của xã hội khiến con người hôm nay phải suy nghĩ và hành động, đó là dám đối mặt với tham quan, lên án và vạch trần tội ác tham nhũng". Đạo diễn Trần Lực tin rằng "Bạch đàn liễu" tìm được sự đồng cảm sâu sắc với khán giả khi mà sàn diễn hôm nay cần những vở diễn chạm đúng "chỗ ngứa" của khán giả.

"Quá ít vở diễn thuộc đề tài chống tham nhũng, mà nhà viết kịch Xuân Trình đã để lại một thông điệp rất đẹp, đó là chúng ta muốn xây dựng xã hội phát triển phải triệt tiêu những kẻ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà làm cho đất nước nghèo mãi", đạo diễn Trần Lực nói. 

Cảnh trong vở diễn “Công lý như mặt trời” của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh.

"Bạch đàn liễu" và "Người tốt nhà số 5" (kịch bản cố tác giả Lưu Quang Vũ, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng) đều là vở có nội dung chống tham nhũng và đều vừa được trao giải vàng trong Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 4 diễn ra cách đây không lâu. Tiếc rằng đây vẫn là những vở cũ, của những tác giả quen thuộc chứ chưa phải sự dấn thân của những tác giả đương thời. 

Nếu điểm lại trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng vở diễn về đề tài chống tham nhũng cũng chỉ lác đác. Có thể kể tên như "Bão của hoàng hôn" của tác giả trẻ Vũ Thu Phong, "Nhân danh công lý" của tác giả Võ Khắc Nghiêm, "Gặp lại người đã chết" của tác giả Nguyễn Đăng Chương, "Vẫn sống" của tác giả Phạm Văn Quyền, "Chuyên án Z5" của tác giả Thượng Luyến… Tức là số lượng vở diễn mới về đề tài này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, chưa thể đáp ứng được kỳ vọng và lòng mong mỏi của khán giả cũng như của toàn xã hội rằng sân khấu là thể loại nghệ thuật đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng, như đã từng có thời kỳ vàng son trong quá khứ.

Người viết còn nhiều e ngại

Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến cho nhiều tác giả sân khấu ngại đụng chạm vào vấn đề chống tham nhũng là khâu kiểm duyệt kịch bản. Tại cuộc hội thảo liên quan đến đề tài tham nhũng trong sân khấu vừa diễn ra, nhiều tác giả, đạo diễn đều nhấn mạnh câu chuyện này.

Thực tế, không phải đơn vị sân khấu nào cũng dũng cảm dựng vở chống tham nhũng một cách quyết liệt. Tác giả Vương Huyền Cơ chia sẻ, vì còn có không ít đơn vị sân khấu ngại "đụng" vào vở chống tham nhũng nên người viết cũng ngại viết về đề tài này. Viết ra rồi lại sợ bị cắt xén không còn là của mình. Cái vòng luẩn quẩn này khiến cho sân khấu trở thành ngành nghệ thuật đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng. 

Tác giả Vương Huyền Cơ cho biết thêm, chị từng có một vở diễn cũng về đề tài tham nhũng "Kỳ án xứ mặt trời" được một đoàn dàn dựng, nhưng lại không được chọn đi dự Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2018. E ngại sự gai góc, một số đoàn nghệ thuật đã vô tình làm mất đi sự hứng khởi của người viết, khiến cho người viết luôn phải "rào" chính mình trong khi viết, đôi khi không dám nhìn thẳng vấn đề để lý giải trước công chúng.

Cảnh trong vở “Vẫn sống” - một vở diễn về đề tài chống tham nhũng.

Đạo diễn Trần Minh Ngọc chỉ ra những bất cập trong việc thẩm định kịch bản hiện nay. Theo ông, hội nghề nghiệp cần vào cuộc tích cực, từ khâu đặt hàng, tổ chức hội thảo, nêu từng vấn đề cụ thể trong từng vở diễn chứ không nói phòng chống tham nhũng chung chung. Hội nên làm "bà đỡ" cho các tác giả từ khi một kịch bản còn nằm trên đề cương. Theo đó, hãy chọn lựa đề cương kịch bản một cách tỉnh táo trên cơ sở đã thảo luận, phân tích từ các nhà lý luận, phê bình, làm sao để vở diễn trúng và đúng với mong muốn của khán giả, không bị nhạt, bị nguội so với truyền thông, báo chí. Khi đã đồng ý với hướng triển khai của tác giả rồi, hãy theo sát và bảo vệ vở diễn đến cùng, phối hợp với đạo diễn và đơn vị sân khấu dàn dựng tìm mọi cách nâng cao chất lượng nghệ thuật của vở diễn. Có như vậy chúng ta mới có được những vở sân khấu đích đáng về đề tài chống tham nhũng.

Một điều nữa cũng cần phải nói là nhiều người sáng tác kịch bản sân khấu hiện nay không chỉ e ngại chuyện duyệt kịch bản, mà thực sự còn thờ ơ với thời cuộc. Phần nhiều vẫn chạy theo thị trường, theo đuổi những đề tài dễ mà quên đi những bức xúc của nhân dân, "ba cùng" với nỗi đau, nỗi khổ của nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân của người viết cũng là cách để có những kịch bản chất lượng về đề tài tham nhũng. 

Về vai trò của Nhà nước, đạo diễn Lê Hùng chia sẻ: "Nghệ thuật sân khấu là một kênh để chống tham nhũng, một phương tiện chống tham nhũng hiệu quả không kém các biện pháp pháp lý khác. Hãy đầu tư để các vở diễn như vậy có cơ hội được đến với đông đảo công chúng. Một năm mỗi đoàn có vài, ba vở diễn nghiêm túc về đề tài này, thì tiếng nói chống tham nhũng sẽ lan truyền mạnh mẽ trong toàn xã hội. Và các vở như vậy thì Nhà nước phải đầu tư. Còn nếu để các đoàn tự lo, họ sẽ lại chạy theo các vở giải trí".

Bảo Bình

.
.