Nhiều người mắc căn bệnh “giết người thầm lặng” nhưng không biết
Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2019, Việt Nam có tới 3,8 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường nhưng có đến 5,3 triệu bệnh nhân mắc tiền đái tháo đường, gấp 1,4 bệnh nhân đái tháo đường. Điều đáng báo động, tỷ lệ người không biết mình mắc tiền đái tháo đường rất cao. Dự báo đến năm 2045, số lượng bệnh nhân tiền đái tháo đường ở Việt Nam sẽ tăng gần 50%, tức lên đến gần 8 triệu người.
Tỷ lệ người mắc tiền đái tháo đường rất cao
Đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, anh Phạm Văn Mạnh (42 tuổi, ở Hà Nội) bất ngờ được bác sĩ thông báo mình mắc đái tháo đường tuyp 2. Anh Mạnh cho biết, cách đây hơn 2 năm, anh đã có những triệu chứng của tiền đái tháo đường nhưng không nghĩ mình lại mắc bệnh này nên không chú ý. Giống anh Mạnh, nhiều bệnh nhân đái tháo đường khi tới đây khám đã bị “sốc” khi được chẩn đoán bị đái tháo đường tuyp 2 đã có biến chứng sang mắt mà trước đó họ có cả quá trình tiền đái tháo đường nhưng không biết.
PGS.TS Trần Hữu Giàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, đái tháo đường là một gánh nặng bệnh tật đang gia tăng tại Việt Nam khi gây ra nhiều biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa, cụt chi...Tỷ lệ người bị tiền đái đường ở Việt Nam rất cao, theo số liệu năm 2019 có 5,3 triệu người mắc, cao gấp 1,4 lần bệnh nhân đái tháo đường. Số liệu từ nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, 11% người tiền đái tháo đường sẽ tiến triển thành đái tháo đường mỗi năm; 15-30% người tiền đái tháo đường sẽ mắc đái tháo đường trong vòng 5 năm, ước tính con số này lên đến 50% trong vòng 10 năm và tổng cộng 70% người tiền đái tháo đường sẽ thành đái tháo đường thực sự.
Tuy nhiên, theo ông Giàng, rất ít người có thể nhận biết đầy đủ về tiền đái tháo đường cũng như có thể sớm nhận biết mình mắc tiền đái tháo đường. Ở quốc gia phát triển như Mỹ, cứ 3 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc tiền đái tháo đường nhưng có đến 90% số người mắc tiền đái tháo đường không biết mình mắc bệnh. Còn tại Việt Nam, theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện.
Người dân chủ động tầm soát sớm tiền đái tháo đường. |
Cần chiến lược ngăn chặn căn bệnh gây tử vong cao
Ngày 14-11 hàng năm được chọn là Ngày đái tháo đường thế giới, đây là dịp để chúng ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của bệnh đái tháo đường, có những kế hoạch thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm tiền đái đường đường. Chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025 cũng nêu rõ mục tiêu hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính và viêm phế quản. Trong đó có vạch ra mục tiêu khống chế tỷ lệ tiền đái tháo đường dưới 16% ở người 30-69 tuổi.
Với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là đái tháo đường, nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng có thể từ 15 năm trước khi chẩn đoán đái tháo đường. Vì thế, việc phát hiện sớm ở giai đoạn tiền bệnh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ người mắc cũng giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Theo GS.TS Trần Hữu Giàng, bệnh đái tháo đường có thể được ngăn chặn từ rất sớm là giai đoạn “mầm mống” – tức là tiền đái tháo đường. Tuy nhiên, nhiều người Việt hiện nay trải qua giai đoạn tiền đái tháo đường nhưng không biết. Hầu hết mọi người chỉ phát hiện mình bị tiền đái tháo đường qua các đợt khám sức khỏe hoặc qua chương trình sàng lọc đái tháo đường, hoặc tình cờ khám, điều trị bệnh nào đó. Việc khám và tầm soát tiền đái tháo đường chưa được người dân chủ động thực hiện. Ông Giàng nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải xem tiền đái tháo đường như một hiểm hoạ cần được cảnh báo.
Và để giảm tỷ lệ người mắc đái tháo đường trong cộng đồng, đặc biệt là đái tháo đường tuyp 2 trong tương lai, cần phải có chiến lược phát hiện sớm người mắc tiền đái đường bằng việc tăng cường tuyên truyền để người dân có ý thức tầm soát sớm khi nhận thấy các dấu hiệu nguy cơ. Đồng thời khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu, bia, tăng cường luyện tập…để giảm gánh nặng bệnh tật.