Hoà bình, ước muốn xa vời của người dân Afghanistan
Máu vẫn đổ
Từ nửa đầu tháng 9 đến nay ở Afghanistan liên tục xảy ra các vụ đánh bom liều chết và tấn công vũ trang cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường. Gần nhất là vụ tấn công của lực lượng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào Đại học Kabul đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 22 người bị thương, trong đó phần lớn là sinh viên. Hai tay súng IS đã đột nhập vào trường đại học này và tấn công các thẩm phán và điều tra viên vừa hoàn thành một khóa học, đang dự lễ tốt nghiệp do Chính phủ Afghanistan tổ chức.
Trước đó, một nhóm tay súng của IS cũng tấn công vào trường này và kích hoạt các thiết bị nổ nhưng 3 tên đã bị lực lượng cảnh sát tiêu diệt.
Cảnh sát Afghanistan phong tỏa hiện trường vụ nổ súng tại một trường đại học ở Kabul, ngày 2-11-2020. |
Đại học Kabul là trung tâm giáo dục lớn nhất Afghanistan có khoảng 25.000 sinh viên cùng hơn 800 giảng viên và nhân viên, do Chính phủ Afghanistan quản lý. Trong vòng 10 ngày qua, đây là vụ tấn công thứ hai nhằm vào các cơ sở giáo dục tại Kabul. Trước đó, ít nhất 24 người, chủ yếu là sinh viên đã thiệt mạng trong một vụ tấn công liều chết nhằm vào một trung tâm giáo dục ở quận phía Tây Kabul mà IS đã nhận gây ra vụ việc.
Hiện nay, IS đã trở thành một mối đe dọa lớn tại Afghanistan. Chính tổ chức này đã lên tiếng nhận trách nhiệm tấn công một nhà tù do Chính phủ Afghanistan điều hành ở thành phố Jalalabad, thủ phủ của tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan vào đầu tháng 8 làm ít nhất 20 người, kể cả dân thường và tù nhân, thiệt mạng.
Tuy nhiên, những vụ tấn công từ lực lượng IS mà Chính phủ Afghanistan đang phải đối mặt chưa thấm gì với chống lại Taliban. Kể từ ngày 20-9, sau khi không quân quân đội Afghanistan oanh tạc vị trí của Taliban, khiến 30 người thiệt mạng thì liên tục xuất hiện các vụ tấn công mới. Đáng kể là vụ đánh bom xe tại miền Đông Afghanistan, khiến hàng chục người thương vong vào ngày 3-10 hay vụ tấn công liều chết tại Afghanistan khiến 11 người thiệt mạng vào ngày 1-10.
Đặc biệt ngày 21-10, cuộc đấu súng giữa lực lượng Taliban và quân chính phủ tại Đông Bắc Afghanistan đã làm ít nhất 25 nhân viên an ninh thiệt mạng, trong đó có Phó cảnh sát trưởng tỉnh Takhar. Người phát ngôn của Tỉnh trưởng tỉnh Takhar, Jawad Hejri xác nhận giao tranh diễn ra ác liệt và kéo dài, trong đó nhiều tay súng Taliban cũng bị thương vong.
Trẻ em Afghanistan, những nạn nhân cực khổ
Đêm 11-10 là thời điểm đánh dấu cuộc chiến giữa Taliban và quân chính phủ diễn ra quyết liệt nhất kể từ sau đàm phán giữa các bên bị thất bại vào hồi đầu tháng 9. Theo đó, phiến quân Taliban đã mở một loạt cuộc tấn công vào thành phố Lashkar Gah ở tỉnh Helmand, buộc Mỹ phải tiến hành các cuộc không kích bảo vệ lực lượng Afghanistan.
Các tay súng Taliban tại Farah, Afghanistan. |
Giao tranh dữ dội khiến hàng chục nghìn người dân ở miền Nam Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Helmand là nơi diễn ra chiến sự đẫm máu nhất trong cuộc chiến kéo dài 19 năm qua tại Afghanistan. Cuộc chiến khiến cho cuộc sống người dân ở đây lâm vào cảnh khốn khó, ly tán trong đó trẻ em được xem là những nạn nhân cực khổ nhất.
Hãng Reuters dẫn lời giới chức Afghanistan ngày 14-10 cho biết, hàng chục nghìn người dân ở miền Nam Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa sau nhiều ngày giao tranh dữ dội giữa Taliban và lực lượng an ninh. Còn ông Sayed Mohammad Ramin, Giám đốc Sở Tỵ nạn ở Helmand thì cho biết, hơn 5.100 gia đình gồm 30.000 người chạy trốn cuộc giao tranh.
Một số gia đình vẫn sống ngoài đường phố ở Lashkar Gah vì không có lều trú ẩn. Trong những cuộc di tản của người dân địa phương, nhiều người bị nhồi nhét trên những chiếc taxi và xe bus. Trước tình trạng trên, Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan cho biết, đã kêu gọi Taliban và lực lượng an ninh áp dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ dân thường, kể cả việc phải mở các con đường an toàn cho những người muốn rời khỏi khu vực này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án xung đột vũ trang leo thang của các bên và nhấn mạnh, trẻ em tiếp tục là đối tượng phải gánh chịu hậu quả của xung đột vũ trang nặng nề nhất. Ông cho biết, tại Afghanistan, gần 12.600 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương trong giai đoạn 2015-2018, chiếm gần 1/3 tổng số thương vong ở dân thường. Con số thương vong ở trẻ em trong giai đoạn này đã tăng 82% so với giai đoạn 4 năm trước đó.
Cụ thể, có 464 trường hợp thiệt mạng, chiếm 40% tổng số thương vong ở dân thường do các cuộc không kích gây ra. Ông Guterres cho biết, Liên hợp quốc cũng đã xác minh việc chiêu mộ và sử dụng 274 trẻ em của các nhóm vũ trang và các lực lượng chính phủ, bạo lực tình dục đối với 13 bé trai và 4 bé gái, 467 vụ tấn công vào trường học và giáo viên. Theo ông, trên thực tế, số trẻ em bị chiêu mộ và sử dụng trong xung đột ở Afghanistan ước tính còn cao hơn nhiều, chẳng hạn như có một cáo buộc năm 2016 về hơn 3.000 trẻ em bị tuyển dụng bởi các nhóm vũ trang.
Tiến trình hòa bình tại Afghanistan vẫn dang dở
Trong khi Mỹ và lực lượng Taliban ký kết thỏa thuận hòa bình ngày 29-2 sẽ hứa hẹn mang lại tương lai chấm dứt xung đột ở Afghanistan và Washington rút quân thì mâu thuẫn lại nổi lên. Đã 9 tháng kể từ sau thời điểm ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, nhưng các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban vẫn "giậm chân tại chỗ".
Ban đầu, Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đồng ý khởi động các cuộc đối thoại để thảo luận về phương thức, thời gian ngừng bắn lâu dài và về tiến trình chính trị từ ngày 10-3 tại thủ đô Doha của Qatar. Hai bên cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề trao đổi tù nhân và bước đầu thực hiện. Tuy nhiên, việc các tay súng Taliban tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh của Afghanistan đã khiến mốc thời gian này chỉ tồn tại trên giấy.
Hiện trường vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 24-10. |
Sau khi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn nhân dịp Tết Hiến sinh của người Afghanistan và gần hoàn tất việc trao đổi tù nhân, hai bên đã xác định ngày 17-8 sẽ quay trở lại bàn đàm phán. Thế nhưng một lần nữa, sự kiện này lại bị hủy bỏ vì Chính phủ Afghanishtan từ chối thả khoảng 400 tù nhân Taliban với lý do những tên này phạm rất nhiều tội nghiêm trọng, trừ khi phiến quân thả thêm binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Afghanistan. Chính quyền Kabul cho rằng, 1.000 người được lực lượng Taliban phóng thích theo thỏa thuận với Mỹ chỉ là con số nhỏ so với số lượng đang bị nhóm này giam giữ.
Hiện tại, Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban chưa thống nhất được thời điểm tiếp theo cho các cuộc hòa đàm. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã hối thúc lực lượng Taliban sớm khởi động các cuộc hòa đàm với chính quyền Kabul tại cuộc gặp thủ lĩnh chính trị của nhóm này Mullah Abdul Ghani Baradar ở thủ đô Islamabad của Pakistan. Ông Shah Mahmood Qureshi đã khẳng định lập trường của Pakistan là không có giải pháp quân sự nào có thể giải quyết xung đột tại Afghanistan và hòa giải chính trị là con đường duy nhất.
Ngoài ra, thêm một rào cản lớn với các cuộc hòa đàm tại Afghanistan là mối bất hòa ngày một gia tăng giữa Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và đối thủ chính trị Abdul Abdullah. Sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9-2019, cả hai chính trị gia đều tuyên bố là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước. Do đó, ông Abdul Abdullah tuyên bố tự thành lập một chính phủ khác và trở thành yếu tố cản trở việc bổ nhiệm một phái đoàn để đàm phán với lực lượng Taliban.
Tiến trình hòa bình tại Afghanistan sẽ chủ yếu phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa chính quyền Kabul và lực lượng Taliban. Bất kể Mỹ có rút quân khỏi Afghanistan hay không, hòa bình thực sự ở quốc gia Nam Á này phải đến từ đối thoại và hòa giải chính trị. Nhưng xem ra mâu thuẫn giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan vẫn rất gay gắt. Điều đó đồng nghĩa với việc máu vẫn đổ và người dân sẽ vẫn là những nạn nhân.