Xử lý nghiêm người vi phạm để nâng ý thức chống dịch của cả cộng đồng
Trước đó, ngày 2-12, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã quyết định tạm đình chỉ công việc với ông D.T.H., tiếp viên hàng không của hãng, để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải do những vi phạm trong việc cách ly y tế phòng ngừa COVID-19. Lý do tạm đình chỉ là tiếp viên này đã vi phạm quy định của Nhà nước về cách ly y tế phòng ngừa COVID-19, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông D.T.H. chính là bệnh nhân 1.342 nhiễm COVID-19. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyến Tấn Bỉnh, cho biết sau 5 ngày nhập cảnh được cách ly tập trung và có kết quả âm tính 2 lần, bệnh nhân 1.342 đã được chuyển về tiếp tục cách ly tại nơi cư trú (50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình) đến khi đủ 14 ngày và tiếp tục được xét nghiệm kiểm tra vào ngày thứ 14. Tuy nhiên, khi cách ly tại nhà, bệnh nhân 1.342 đã vi phạm quy định. Cụ thể, trong thời gian cách ly tại nhà, bệnh nhân 1.342 đã tiếp xúc gần với 3 trường hợp. Trong đó, có một trường hợp là giáo viên tiếng Anh được Bộ Y tế xác định là bệnh nhân 1.347.
Đến chiều 1-12, Bộ Y tế công bố thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có liên quan đến bệnh nhân 1.347. Không chỉ vi phạm quy định cách ly tại nhà, trong quá trình cách ly tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines, bệnh nhân 1.342 cũng vi phạm quy định khi di chuyển từ khu này qua khu khác. Vì theo quy định cách ly trong khu cách ly Vietnam Airlines, mỗi một chuyến bay sẽ có một khu cách ly riêng, những người trong cùng một tổ bay cũng không được tiếp xúc với nhau trong khu cách ly. Tuy nhiên, trong 4 ngày cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh nhân 1.342 và bệnh nhân 1.325 (khác chuyến bay) đã gặp nhau. Do đó, bệnh nhân 1.342 đã vi phạm quy định di chuyển từ khu này qua khu khác.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, bệnh nhân 1.342 trong thời gian cách ly tại nhà đã tự ý bỏ ra ngoài, cụ thể là đi ăn trưa ngày 21-11 và tới Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech) ngày 22-11. "Chúng tôi đánh giá đây là vi phạm rất nghiêm trọng trong cách ly tại khu tập trung và cách ly tại nhà, rất nguy hiểm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đúng là rất nghiêm trọng bởi sau gần 90 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, vào ngày 30-11, Việt Nam chính thức ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng mà nguyên nhân chính là từ bệnh nhân 1.342.
Công sức của rất nhiều lực lượng phòng chống dịch đã bị đổ xuống sông vì hành vi thiếu ý thức của một cá nhân. Cho tới lúc này đã có tới 160.000 sinh viên tại các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh phải tạm nghỉ học để chống dịch. Lực lượng chức năng đã rất vất vả để truy vết những người từng tiếp xúc với bệnh nhân 1.347.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã quyết định đóng cửa khu cách ly đoàn tiếp viên Vietnam Airlines - nơi bệnh nhân 1.342 từng cách ly 4 ngày trước khi về cách ly tại nhà và lây nhiễm cho người khác.
Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh, sớm công bố kết quả với công luận.
Từ vụ việc này, một vấn đề được đặt ra là trong phòng chống dịch, không nên có sự ưu ái với bất kỳ ai. Các tiếp viên hàng không đã được coi là trường hợp đặc biệt, được ưu tiên trong việc cách ly phòng chống dịch. Thế nhưng, bản thân họ đã không tuân thủ đúng quy định, để xảy ra lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Vì vậy, cần bắt buộc cách ly đủ 14 ngày đối với các thành viên tổ bay Vietnam Airlines. Không thể vì lý do đặc thù mà được ưu tiên, dẫn đến đe dọa sự an nguy của cả cộng đồng.
Theo các luật sư, hành vi của bệnh nhân 1.342 có thể được coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c, khoản 1, điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), được hướng dẫn bởi Công văn số 45 của TAND tối cao. Theo luật sư Đặng Xuân Cường (đoàn luật sư TP Hà Nội) thì không chỉ bệnh nhân 1.342 mà người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý cũng đã có hành vi vi phạm quy định về cách ly. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 117 hoặc xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại điều 240 Bộ luật Hình sự.
Chống dịch như chống giặc, vì thế những người vi phạm cần phải bị xử lý nghiêm để làm gương cho người khác. Qua đó cũng góp phần tăng ý thức phòng chống dịch bệnh của cả cộng đồng.