Người đi nói xấu xấu hơn người bị nói xấu

Thứ Ba, 08/12/2020, 08:23
Điều lạ lùng là người ta không chỉ nói xấu kẻ người ta ghét/ đố kỵ, con người có xu hướng nói xấu ngay cả người thân, gần gũi với mình nhất. Trong đó, phụ nữ ưa thích nói xấu hơn đàn ông, phổ biến nhất vẫn là vợ nói xấu chồng...


Nói xấu người khác là một biểu hiện có mặt trong tính cách của mọi dân tộc. Ở Nhật Bản, nói xấu người khác còn có tên gọi riêng, chỉ một nét tính cách đáng xấu hổ: warukuchi. Với một dân tộc có tính tự trọng cao như người Nhật, nơi xấu hổ đã được nâng thành một nét văn hoá riêng biệt, thì nói xấu người khác, warukuchi thật khó chấp nhận, họ thậm chí còn công bố nghiên cứu rằng warukuchi có thể làm giảm tuổi thọ của kẻ nói xấu người khác tới 5 năm do trong lòng chất chứa quá nhiều suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, đố kỵ, ghen ghét, thật chẳng khác nào tự ngậm một thìa thuốc độc.

Ấy vậy mà người ta vẫn thích nói xấu kẻ khác, vì nói xấu kẻ khác rất sướng. Sướng thậm chí theo nghĩa đen, bởi khi nói xấu, dopamine - một hormone, chất dẫn truyền thần kinh làm nên niềm vui, sự hưng phấn, cảm giác hạnh phúc, sẽ được tiết ra. Thế nên người ta thích nói xấu kẻ khác, khi cùng nói xấu chung một đối tượng, cảm giác được chia sẻ, có đồng minh, cảm giác thuộc về số đông, cảm giác mình đúng càng tưởng thưởng cho kẻ nói xấu.

Một trong những cách định vị bản thân đáng hài hước của con người là so sánh bản thân với người khác. Một số người tin rằng, so sánh ở mức độ vừa phải, giúp chúng ta có thêm động lực để phấn đấu và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Còn ám ảnh so sánh rất dễ phát triển thành tự ti, đố kỵ. Khi đố kỵ, thì nói xấu lại là một giải pháp tức thời được nhiều người lựa chọn. Nói xấu, hạ bệ, chê bai, đánh giá kẻ khác phần nào xoa dịu- một cách tiêu cực và có hại, cho sự bất ổn của chính kẻ nói xấu.

Thế nhưng, điều lạ lùng là người ta không chỉ nói xấu kẻ người ta ghét/ đố kỵ, con người có xu hướng nói xấu ngay cả người thân, gần gũi với mình nhất. Trong đó, phụ nữ ưa thích nói xấu hơn đàn ông, phổ biến nhất vẫn là vợ nói xấu chồng. Hôn nhân có muôn ngàn gương mặt, Lev Tolstoy từng viết trong Anna Karenina lời nhận định kinh điển: "Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng gia đình bất hạnh thì lại muôn màu muôn vẻ".

Dù muôn màu muôn vẻ, các bà vợ lại thường có một lựa chọn y hệt nhau khi đối mặt với vấn đề trong hôn nhân. Điều này xuất phát từ đặc trưng về giới. Đàn ông vốn thuộc tính dương, mạnh mẽ, cương cường, thích chinh phục, nên đứng trước vấn đề thường có xu hướng tìm cách giải quyết vấn đề bằng hành động. Đàn bà thuộc tính âm, nhu thuận, có xu hướng thu vào, nhẫn nại, bao dung, hy sinh, nhưng cũng có xu hướng bị động, hiếm khi chủ động giải quyết vấn đề bằng hành động, thường thích than thở, giãi bày, tâm sự để giải toả, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ.

Đặc biệt ở những dân tộc mà tính âm trội hơn hẳn tính dương, và đặc quyền dành cho nam giới từ xã hội phong kiến vẫn còn dấu vết rõ nét trong xã hội như dân tộc ta, người phụ nữ trong xã hội hiện đại phải chu toàn cả sự nghiệp lẫn việc nhà, mâu thuẫn gia đình dễ nảy sinh thì chuyện nói xấu chồng càng diễn ra phổ biến.

Đa phần phụ nữ lựa chọn kể xấu chồng với bè bạn. Chuyện nói xấu, kể tội ở mức độ thông thường nhất là để giải toả ấm ức, ẩn ức phát sinh trong đời sống vợ chồng. Và như đã đề cập, phụ nữ hầu như ít nghe theo lời khuyên của kẻ khác, họ nói chỉ để nói, than thở chỉ để được than thở, và chờ đợi thái độ đồng tình hòng xoa dịu ấm ức đang có, để đủ sức chiến đấu, hay chấp nhận chịu đựng thực tại về bản tính của ông chồng, hay thực tại của mối quan hệ. Chuyện kể khổ tố xấu ông chồng của những bà vợ có lẽ chẳng thua kém bất cứ bộ phim dài tập nào về thời lượng lẫn độ kịch tính.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, khi mối quan hệ đang ở ngưỡng tan vỡ, phụ nữ nói xấu chồng chủ yếu để được đóng vai nạn nhân. Trong vị trí nạn nhân, dù là nạn nhân thật sự hay chỉ để trốn tránh trách nhiệm, trốn tránh nhìn nhận vào lỗi lầm hay thất bại của bản thân trong một mối quan hệ sắp tan vỡ, người ta có cảm giác dễ chịu hơn, đỡ dằn vặt day dứt hơn. Khi là nạn nhân, người ta còn có xu hướng được quan tâm hơn, và được quyền thoả sức oán giận, đổ tội cho kẻ còn lại trong cuộc hôn nhân thất bại.

Đôi lúc, phụ nữ mở rộng phạm vi tâm sự, không chỉ kể xấu chồng với bạn bè cùng giới, khi có mục đích sâu xa hơn, bị giật dây bởi những ẩn ức sâu hơn, người ta có thể lựa chọn cả bạn bè, đồng nghiệp của chồng, gia đình chồng, và cả con cái cũng được lôi vào cuộc bêu xấu. Đấy là lúc cuộc chiến được châm ngòi, không còn đơn thuần là chuyện giải toả tâm lý của người vợ chưa tìm thấy sự an ổn trong hôn nhân. Và cho dù cuộc chiến kết thúc ra sao, khi người phụ nữ khai chiến sang địa hạt những mối quan hệ khác của chồng, cũng chính là lúc hôn nhân phải dùng đến máy thở, cần đưa gấp vào phòng cấp cứu. Ai cũng hiểu, trong một cuộc hôn nhân, người chồng rất cần sự thừa nhận, thái độ tôn trọng từ người vợ, tấn công vào tôn nghiêm của một người đàn ông, chính là lúc người phụ nữ muốn một sự thay đổi, sự thay đổi từ phía ông chồng, hoặc thay đổi luôn ông chồng đang có.

Nhà văn An Hạ (anhavn85@gmail.com).

Ở một kịch bản nhẹ nhõm nhất, người vợ sống hạnh phúc lâu năm bên chồng, trở nên quá thân thuộc với cả nết tốt nết xấu của nhau, có thể biến trò chơi nói xấu để xả ấm ức trở thành những màn thể hiện tình cảm gắn bó khó ai có thể chen chân vào nổi, thông qua "nói xấu" mà tỏ rõ sự am tường, chấp nhận, cảm thông ngay cả thói xấu của nhau trước mặt người khác. Nói xấu kiểu ấy, ngay cả đức ông chồng có vinh hạnh nghe thấy, cũng phải nở nụ cười mãn nguyện.

Có thể thấy, nhạy cảm, nghĩ nhiều dẫn đến nói nhiều, thậm chí nói đi nói lại không chán là đặc tính thường thấy ở đàn bà. Hạnh phúc, khổ đau, ấm ức, phấn khích, hay tuyệt vọng, họ đều cần được nói ra. Giữ gìn hạnh phúc hôn nhân không phải chuyện dễ. Nhưng quan sát người phụ nữ thông qua những điều họ nói ra lại là chuyện không khó. Đáng tiếc đàn ông lại không phải giống loài nhạy cảm. Thế nên khi không tìm được tiếng nói chung, cách sẻ chia lại gần nhau ở tầng sâu, người đàn bà sẽ lại vẫn tiếp tục lựa chọn con đường nói ra những điều cảm thấy. Chuyện nói xấu chồng vẫn là một con đường luẩn quẩn không hồi kết cho những cuộc hôn nhân không thực sự hoà hợp.

An Hạ
.
.
.