Bất cập trong quản lý phát hành phim trên mạng
- Phim chiếu mạng: Không còn là cuộc chơi tay mơ
- Quản lý phim chiếu mạng: Kỳ vọng ở “cây roi” của Cục Điện ảnh?
Đây đều là 2 bộ phim do Nhà nước đặt hàng, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Điều bất ngờ là phim được phát hành trên nền tảng này mà chưa được sự cho phép của bất cứ ai cả. Chính đạo diễn của các phim cũng ngạc nhiên khi thấy tác phẩm của mình được khai thác trên Netflix.
Sự kiện này một lần nữa cho thấy việc phát hành phim trên mạng còn nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng đòi hỏi phải sớm có hành lang pháp lý chặt chẽ để điện ảnh Việt gia nhập vào các xu hướng mới mà không phải chịu những thiệt thòi như vậy.
Liên tiếp những vụ việc
Trước khi vụ việc hai bộ phim “Vũ điệu đam mê” và “Những người viết huyền thoại” được phát trên nền tảng Netflix mà không hề xin phép, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã từng yêu cầu Netflix gỡ bỏ bộ phim Trung Quốc có tựa đề “Gửi thanh xuân ấm áp của chúng ta” bởi ở tập 9 của bộ phim này đã có những hình ảnh, chi tiết liên quan đến bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam. Trước yêu cầu của phía Việt Nam, Netflix đã phải chấp thuận gỡ bỏ phim này trên nền tảng của mình.
Trước đó, Netflix cũng vấp phải sự phản đối từ phía khán giả Việt khi phát hành bộ phim “Madam Secretary” (Bà Ngoại trưởng). Nhiều khán giả phát hiện có cảnh quay chứa thông tin sai lệch trong bộ phim này.
Cảnh phim được cho là sai sót nằm trong tập 4 của phần 1. Theo đó, bối cảnh được nhắc tới là một khu phố người Hoa, nơi diễn ra những hoạt động ngầm của các tay anh chị giang hồ. Nhưng thực chất bối cảnh này lại là ở phố cổ Hội An. Tuy nhiên trong phim ghi chú là tỉnh Phú Lãng, Trung Quốc.
Bộ phim “Những người viết huyền thoại” được cho là chiếu trên nền tảng Netflix mà chưa xin phép. |
Thật khó có thể chấp nhận khi một nền tảng số chiếu phim trực tuyến lớn của thế giới lại có thể xảy ra những sai sót như vậy. Chưa hết, hồi cuối tháng 8 vừa qua, khán giả Việt cũng được một phen nổi đóa khi một bộ phim Trung Quốc khác có tên gọi “Lấy danh nghĩa người nhà” cũng được chiếu trên Netflix lại có những hình ảnh, chi tiết sai trái liên quan đến vấn đề chủ quyền.
Ở tập 18 của phim, có hình ảnh nhân vật bước vào thang máy, quảng cáo trong tháng máy hiện ra có in hình bản đồ của Trung Quốc được cho là có “đường lưỡi bò”. Khán giả xem phim cho rằng, bộ phim đã được “cài” thông điệp là quảng bá cho bản đồ có đường lưỡi bò của Trung Quốc. Đây là điều rất nguy hại, gây ra những hiểu lầm cho khán giả trên khắp thế giới.
Trở lại vụ việc liên quan đến hai bộ phim thuộc sở hữu của nhà nước “Vũ điệu tử thần” và “Những người viết huyền thoại”, Cục Điện ảnh cho biết không cung cấp bản quyền cho kênh Netflix. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay, Cục sẽ có công văn gửi Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị Thanh tra Bộ vào cuộc kiểm soát, kiểm tra nguồn cung cấp hai phim “Vũ điệu tử thần” và “Những người viết huyền thoại” cho kênh Netflix.
Ông Vi Kiến Thành khẳng định, hai bộ phim kể trên thuộc sở hữu nhà nước (Bộ VH-TT&DL), vì vậy các nhà phát hành trong và ngoài nước muốn phát hành đều cần có sự đồng ý của Bộ. Hiện, đại diện Netflix cho biết, đơn vị cung cấp bản quyền để kênh này chiếu 2 bộ phim là Tfilm Studio.
Đại diện Tfilm Studio cho biết, đơn vị này được ủy quyền phát hành 3 bộ phim “Những người viết huyền thoại”, “Vũ điệu đam mê” và “Mùi cỏ cháy” trên kênh Netflix. Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Tfilm Studio bày tỏ mong muốn sẽ cùng các bên liên quan tìm giải pháp phù hợp để giải quyết các khúc mắc liên quan đến việc phát hành phim trên nền tảng trực tuyến Netflix.
Phim “Vũ điệu đam mê” được nhiều khán giả trẻ yêu thích. |
Cần chế tài mạnh mẽ để kiểm soát
Ngày 9-12, trong hội nghị - hội thảo góp ý xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi, Cục Điện ảnh, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cùng với các chuyên gia điện ảnh đã cùng đề cập đến câu chuyện nan giải hiện nay là vấn đề quản lý phim trên mạng internet.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã nhiều lần gửi công văn nhắc nhở Netflix tuân thủ luật pháp Việt Nam về khai thác, hoạt động truyền hình trả tiền trên mạng internet. Bộ cũng cho biết, hiện nay chưa cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào hoạt động trong lĩnh vực này.
Chúng ta biết rằng, trong phát hành phim truyền thống, các bộ phim thường chỉ được khai thác trên internet sau khi đã được phát hành tại các rạp chiếu. Tuy nhiên trong thời đại công nghệ hôm nay, phát hành phim trên nền tảng số đang là xu thế chung của thế giới. Đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, việc phát hành phim trên internet thậm chí còn chiếm một tỷ lệ lớn, mang về doanh thu khủng cho các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh.
Phát hành phim trên các nền tảng số là một xu hướng cần nắm bắt, nhưng cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ. |
Việt Nam dù đi sau nhưng cũng đang bắt kịp xu hướng này. Đã có một số phim Việt của các đơn vị sản xuất phim tư nhân được phát hành trên nền tảng Netflix như “Em chưa 18”, “Hạnh phúc của mẹ”, “Hậu duệ mặt trời”, “Lửa Phật”, “Ngôi nhà bươm bướm”, “Siêu sao siêu ngố”, “Trời sáng rồi ta ngủ thôi”, “Hương ga”, “Mẹ chồng”, “Về quê ăn tết”…
Giải trí trực tuyến là một xu hướng của toàn cầu trong tương lai, và Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này. Các nhà làm phim Việt muốn đến với khán giả nhiều hơn, không thể bỏ qua thị trường chiếu phim trên mạng internet.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể kiểm soát việc đưa phim lên các nền tảng chiếu trực tuyến, để không có những chuyện đáng tiếc gây tranh cãi xảy ra như trong thời gian qua. Nếu không có một chế tài đủ mạnh để kiểm soát, để phim phát hành tràn lan thì sẽ không tránh khỏi việc để lọt những sản phẩm văn hóa độc hại, không phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Những phim chứa nội dung phản cảm, tuyên truyền văn hóa đồi trụy, kích động bạo lực chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu, thẩm mỹ của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Đấy là chưa kể, việc tùy tiện khai thác phim trên các nền tảng số còn có thể dẫn đến thất thu về thuế...
Luật Điện ảnh hiện nay đang bộc lộ nhiều lạc hậu so với thực tiễn đời sống và sự phát triển không ngừng của công nghệ, khi mà khán giả hôm nay không chỉ đến rạp mà còn có thể xem phim trên các thiết bị cá nhân, qua internet. Chưa hề có chế tài về việc quản lý các phim được phát hành, phổ biến trên mạng cho các thuê bao Việt Nam từ nhà phát hành đặt máy chủ ở nước ngoài như Netflix.
Luật Điện ảnh hiện chỉ nêu chung chung: “Việc phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan” mà không làm rõ các khái niệm và không đưa ra các điều khoản cụ thể vào. Ngoài ra, với các sản phẩm trên internet, định nghĩa thế nào là phim còn chưa được xác định rõ.
Rất nhiều ứng dụng xem phim trực tuyến mang đến cơ hội cho cả nhà sản xuất phim và người xem, là xu hướng của tương lai. |
Hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp điện ảnh, việc phát hành phim trên mạng là một kênh kinh doanh rõ ràng. Không phải phim nào nhà sản xuất cũng đưa ra rạp, nhiều phim chỉ làm để phát hành trên mạng. Đời sống điện ảnh ngày càng đa dạng, do đó các cơ quan quản lý nhà nước muốn kiểm soát tốt thị trường điện ảnh cần phải có những quy định chi tiết hơn để tăng cường quản lý và hạn chế tác động tiêu cực của các sản phẩm độc hại, không phù hợp.
Hiện một số phim phát hành trên mạng vi phạm Luật Điện ảnh rõ ràng nhưng không quy được trách nhiệm cho đơn vị nào, không có chế tài pháp lý rõ ràng để xử lý. Những lỗ hổng này rất cần được hoàn thiện để theo kịp sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất phim.
Trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, các nhà quản lý cũng đã dự định đề xuất khung pháp lý trong lĩnh vực phổ biến phim trên không gian mạng với hai phương án tiền kiểm và hậu kiểm. Cùng với đó là đề xuất về việc cần thiết phải đưa ra những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với từng loại vi phạm.Hy vọng Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ sớm hoàn thiện và đi vào đời sống để hạn chế những sai sót không đáng có như thời gian vừa qua, đảm bảo một môi trường trong sạch cho thị trường phim chiếu mạng đang là xu hướng chung của thế giới.