IS tấn công nhà máy lọc dầu ở miền Bắc Iraq
Tên lửa đã rơi trúng một kho chứa nhiên liệu bên trong nhà máy. Lực lượng cứu hỏa đã lập tức có mặt ở hiện trường để dập tắt đám cháy. Cùng ngày, trong một thông báo đăng trên kênh chính thức của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, tổ chức này đã thừa nhận gây ra vụ tấn công. Thông báo của IS nêu rõ 2 quả tên lửa đã được sử dụng trong vụ tấn công này. Cơ sở nói trên nằm ở gần nhà máy lọc dầu Baiji - nhà máy lớn nhất của Iraq tại tỉnh Salahuddin, cách thủ đô Baghdad chỉ 200km.
IS đã gia tăng các hoạt động ở Iraq trong những tháng qua, đặc biệt là sau khi Mỹ thông báo sẽ rút thêm 500 binh sĩ, giảm quân số nước này tại Iraq xuống còn 2.500. Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein cho biết IS vẫn tồn tại và đã hoạt động mạnh hơn tại Iraq so với vài tháng trước. Lực lượng chức năng đã phát hiện các phần tử IS xuất hiện tại một số khu vực của tỉnh Anbar, Kirkuk và Diyala cũng như tỉnh Nineveh. Các lực lượng an ninh Iraq cũng đã bắt được một số thành viên IS là công dân của các nước khác.
Binh sĩ Mỹ và quân chính phủ Iraq tại một căn cứ. |
Ngày 21-11, các phiến quân IS đã tiến hành vụ phục kích ở phía Bắc thủ đô Baghdad của Iraq khiến 6 nhân viên an ninh và 3 dân thường thiệt mạng. Theo nguồn tin cảnh sát, quả bom đặt ven đường đã nổ trúng một ôtô và các tay súng thánh chiến đã nã súng vào một đội cứu hộ của cảnh sát và các lực lượng bán quân sự thân chính phủ khi họ đến hiện trường, cách thủ đô Baghdad khoảng 200km. Trong khi đó, Thị trưởng Mohammed Zidane của thành phố Zouiya, cách thành phố Tikrit 50km, cho biết, có 4 thành viên của lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi, 2 cảnh sát và 3 dân thường thiệt mạng. Chưa có thông tin thương vong phía những kẻ tấn công.
Trước đó, ngày 8-11, các tay súng IS cũng đã tấn công một trạm gác ở Al-Radwaniyah gần sân bay Baghdad ở ngoại ô thành phố, khiến 11 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Các vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh Mỹ thông báo sẽ rút thêm 500 binh sĩ, giảm quân số nước này tại Iraq xuống còn 2.500 quân. Phần lớn các nước khác đã rút binh sĩ khỏi liên quân tại Iraq kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu bị tấn công. |
Năm 2014, IS đã chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq, trong đó có nhiều thành phố lớn ở miền Bắc và miền Tây quốc gia Trung Đông này, cũng như vươn tới vùng phụ cận của thủ đô Baghdad.
Mỹ đã rút quân khỏi Iraq vào năm 2011 sau 8 năm dẫn đầu cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein. Sau đó, Iraq rơi vào xung đột giáo phái nghiêm trọng. Năm 2014, IS đã chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq, trong đó có nhiều thành phố lớn ở miền Bắc và miền Tây quốc gia Trung Đông, cũng như vươn tới vùng phụ cận của thủ đô Baghdad. Đến cuối năm 2017, liên quân quốc tế đã đánh bại IS. Tuy nhiên, từ đó đến nay, lực lượng này thường xuyên tiến hành các vụ đột kích nhằm vào lực lượng an ninh và các cơ sở hạ tầng quốc gia Iraq, đặc biệt tại những khu vực hoang mạc, nơi lực lượng quân đội đồn trú mỏng.