Người nghệ sĩ du ca qua góc nhìn của đạo diễn trẻ 9X

Thứ Bảy, 12/12/2020, 07:00
“Màu cỏ úa” là bộ phim tài liệu về cuộc đời du ca của nhạc sĩ Trần Tiến vừa được công chiếu tại Hà Nội. Một bộ phim chân thực, giàu cảm xúc, điều đáng nói là được thực hiện dưới góc nhìn của một nữ đạo diễn trẻ, không chuyên, thế hệ 9X.


Lan Nguyên - một cái tên còn cực kỳ xa lạ với công chúng điện ảnh, nhưng đã gây một sự ngạc nhiên lớn khi dựng lại chân dung của người nhạc sĩ đã để lại vô cùng nhiều dấu ấn đặc biệt trong đời sống âm nhạc hiện đại Việt Nam.

1.Lan Nguyên từng theo học ngành Kiến trúc, nhưng khi ra trường cô theo đuổi công việc phóng viên, biên tập viên truyền hình. Sinh năm 1990, cô thuộc thế hệ 9X, cách xa nhạc sĩ Trần Tiến nửa thế kỷ tuổi đời. Cô chưa hề có ý định làm phim, trở thành một đạo diễn, cho đến khi gặp nhạc sĩ Trần Tiến. Sự gần gũi, chân tình của nhạc sĩ đã khiến cô có ý tưởng sưu tầm và ghi lại những thước phim tư liệu về cuộc đời du ca của ông. Đây giống như một sự tri ân của cô, một người trẻ tuổi, với người nhạc sĩ mà cô đã ngưỡng mộ trong suốt tuổi thơ và tuổi trẻ của mình.

Nhạc sĩ Trần Tiến.

Lan Nguyên yêu âm nhạc Trần Tiến đến mức có thể thuộc nhiều ca khúc của ông. Cô cũng là người có giọng hát rất truyền cảm. Khi nhạc sĩ Trần Tiến vô tình nghe cô hát ca khúc “Tạm biệt chim én”, nhạc sĩ nói ngay, rằng đây là một trong số những người hát ca khúc này mà ông thích nhất. Bởi vậy, khi Lan Nguyên bày tỏ ý định muốn làm phim về nhạc sĩ, Trần Tiến đã đồng ý, dù ông biết cô không phải là một đạo diễn được đào tạo bài bản. Ông thích được kể chuyện dưới ống kính một người trẻ, hoàn toàn xa lạ với kỹ thuật hay công nghệ làm phim. Một người chỉ có cảm xúc mãnh liệt với cuộc đời du ca của ông.

Ê kíp của Lan Nguyên bắt đầu làm phim “Màu cỏ úa” từ năm 2015 đến đầu năm 2020 thì hoàn thành. Lan Nguyên kể, nhóm của cô phải đi theo 15 đợt quay, trong đó có những đợt phải đi theo lịch di chuyển, du ca của nhạc sĩ. Tuy nhiên, trong vài ba năm trở lại đây, Trần Tiến yếu đi nhiều vì bệnh tật. Có khoảng thời gian ông không liên lạc với Lan Nguyên. Nhưng ê kip của cô không bỏ cuộc, vẫn kiên trì theo đuổi dự án. Trong ngày công chiếu bộ phim tại Hà Nội, cô chia sẻ, rằng, trong phim cô không đưa một số hình ảnh nhạc sĩ trong thời gian ông mắc bạo bệnh vào, mà chỉ giữ riêng cho mình như một kỷ niệm. “Tôi muốn giữ một hồn nhiên, vô tư, lãng du của nhạc sĩ trong suốt bộ phim, không muốn một hình ảnh nào của ông tạo ra sự bi thương trong lòng khán giả”.

Hình ảnh Trần Tiến thời trẻ du ca trên chiếc xe jeep huyền thoại.

Chưa từng học qua trường lớp đạo diễn, Lan Nguyên chỉ có tình yêu, sự ngưỡng mộ, và trái tim đầy ắp cảm xúc để làm phim về nhạc sĩ cô yêu mến. Phim cũng không hề có kịch bản từ đầu, mà hoàn toàn là những tư liệu chân thực, cách sắp xếp hết sức bản năng theo suy nghĩ của đạo diễn. Bởi vậy, không khó để người xem nhận ra, phim thiếu một đường dây kể chuyện nhất quán. Nhưng bù lại, khán giả vẫn vô cùng xúc động vì tính chân thực của từng thước phim, vì Lan Nguyên đã đặt tất cả tình cảm của mình vào đó. Cùng với sự hợp tác ăn ý của nhạc sĩ Trần Tiến - nhân vật chính tỏ ra rất yêu quý người làm phim về mình, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện gan ruột, những cảm xúc sâu sắc tự đáy lòng nên sự non nớt phần nào trong tay nghề của đạo diễn đã được khán giả bỏ qua, hoặc “quên mất” trong khi xem phim. Không ít đạo diễn tên tuổi khi xem phim “Màu cỏ úa” xong còn xúc động, cho rằng, điện ảnh hôm nay đang cần những đạo diễn trẻ mang trái tim ăm ắp cảm xúc với ống kính như Lan Nguyên, chứ không phải chỉ là thành thục các kỹ năng nhưng lại xơ cứng, ít cảm xúc trong kể chuyện, như nhiều người làm điện ảnh đang mắc phải.

2.Nhạc sĩ Trần Tiến từ lâu đã định vị tên tuổi của mình trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Những sáng tác của ông mang một phong cách riêng, đẫm chất tự sự về cuộc đời nhưng cũng gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Ông là một nhạc sĩ của Hà Nội, mang trong mình những câu chuyện Hà Nội đẹp mà buồn thương, gan góc, khác hẳn cái đẹp của Hà Nội trong âm nhạc Phú Quang.

Trần Tiến buổi đầu đến với âm nhạc là một ca sĩ. Tuổi trẻ ông đã du ca trên chiếc xe jeep huyền thoại, hát những bản tình ca về cuộc đời, ca ngợi một đời sống tự do, phóng khoáng. Sau này khi đã là nhạc sĩ, ông vẫn không ngừng “du ca” qua các miền đất của Tổ quốc, viết và hát với một tình yêu cuộc đời luôn cháy rực trong tim. Hàng loạt ca khúc của ông viết đã in sâu trong lòng thế hệ nhiều người nghe nhạc Việt như “Mặt trời bé con”, “Tạm biệt chim én”, “Giấc mơ Chapi”, “Vết chân tròn trên cát”, “Ngọn lửa cao nguyên”, “Ngẫu hứng phố”, “Chị tôi”,  “Mẹ tôi”…

Nhạc sĩ Trần Tiến cùng đạo diễn Lan Nguyễn (trái) và ê kip làm phim “Màu cỏ úa”.

Trần Tiến là một người có khả năng kể chuyện bằng âm nhạc vô cùng sâu sắc, một người thấu cảm với nhân quần, với kiếp người. Ông đã đi gần trọn cuộc đời mình và chỉ mang theo âm nhạc. Rời Hà Nội, ông vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh và những năm gần đây ông chọn Vũng Tàu để ngày ngày có thể ra biển trò chuyện với từng con sóng. Ông tâm sự: “Tôi lớn lên bên dòng sông, về già tôi biết nó trôi về biển, tôi đành theo nó. Vả lại ở cuối dòng sông như cuối một đời người. Nơi chân trời góc bể, có sự tịch lặng để chiêm nghiệm được nhiều điều thời trẻ không bao giờ biết tới”.

Những năm gần đây, sức khỏe của ông không tốt nên ông không còn đi lại để “du ca” được nhiều nữa, nhưng ông vẫn sáng tác thường xuyên. Ông thích cảm giác cô đơn và thường nói với bạn bè, con người lớn lên ngay trong nỗi cô đơn của chính mình.

3.Vì sao Trần Tiến lại đồng ý để cho một đạo diễn trẻ, không chuyên, “không một xu dính túi” (như cách nói của ông) làm phim về mình? Chia sẻ với báo giới, nhạc sĩ nói rằng ông cảm thấy hạnh phúc vì có được một người trẻ yêu quý mình như vậy. “Trên đời có một người nào đó yêu ta thì đã quá đủ lý do để sống rồi còn gì”.

Khi bộ phim “Màu cỏ úa” được công chiếu, có người hỏi Trần Tiến, ông có hài lòng về bộ phim không, ông có thấy bộ phim hay không, nhạc sĩ trả lời: “Phim hay hoặc dở lúc này không còn ý nghĩa nữa. Chỉ nhìn những thước phim vất vả quay được và những tư liệu quý mất công sưu tầm cùng với tựa phim “Màu cỏ úa” đã đủ làm tôi thấy mình quá hạnh phúc. Một người của thế hệ 9X rung động với "màu cỏ úa" của thế hệ 4X chúng tôi, những đứa học trò lớn lên trong chiến tranh, còn gì tự hào bằng”.

Bộ phim “Màu cỏ úa” bắt đầu được ra rạp tại Hà Nội từ ngày 4 tháng 12.

Xuyên suốt bộ phim “Màu cỏ úa”, nhạc sĩ Trần Tiến đã chủ động chia sẻ rất nhiều tâm sự, quan niệm của ông về nghệ thuật, về đời sống. Công chúng thấy ông luôn nở nụ cười thể hiện niềm lạc quan. Những thước phim tư liệu về những hành trình du ca của người nghệ sĩ- nhạc sĩ hết sức sống động, giàu sức gợi. Nữ đạo diễn cố tình để cho bộ phim chỉ có 2 màu đen và trắng như một dụng ý nghệ thuật, mô tả một thế giới tâm hồn “âm bản” rất Trần Tiến bên cạnh vẻ bụi bặm, gai góc, xù xì của ông trong đời thực. Một Trần Tiến không chỉ dữ dội mà còn vô cùng lãng mạn, thâm trầm, buồn thương. Một người mà hành trình du ca cuộc đời đi qua các cột mốc: chiến tranh - Hà Nội - và biển. Ba cột mốc ấy đã neo đậu tâm hồn nghệ sĩ Trần Tiến như những mảng màu lắp ghép thành một bức tranh mang tên ông.

80 phút của một bộ phim - quá ngắn để kể hết cuộc đời một người có những đóng góp lớn cho âm nhạc như Trần Tiến. Và đạo diễn trẻ Lan Nguyên dường như cũng không tham vọng nhiều, ngoài việc đưa đến cho công chúng những lát cắt “du ca” của Trần Tiến qua cuộc đời này. Đây thực sự là một món quà quý, một bản tình ca riêng tặng cho nhạc sĩ khi mà ông đang phải ngày ngày chống chọi với bạo bệnh. Người yêu âm nhạc thêm một lần yêu quý Trần Tiến hơn qua những thước phim tư liệu và cầu mong cho ông nhanh khỏe lại. 

Vũ Quỳnh
.
.
.