Việt Nam hoàn thành trọng trách "giữ lửa" kết nối trong ASEAN và tại Liên Hợp Quốc. Một năm trước, ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) với vị trí Chủ tịch luân phiên, đồng thời khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020. Hai vị trí quan trọng này đem đến những trọng trách mang tính khu vực và quốc tế, thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn của bạn bè quốc tế vào Việt Nam; cũng là dịp để Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Không lâu sau, đại dịch COVID-19 bùng phát, tạo ra cho thế giới những thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò trên cả hai cương vị quan trọng.
Tại LHQ, Việt Nam đã tích cực đóng góp với tinh thần, nguyên tắc đảm bảo độc lập, tự chủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, lợi ích của các nước để giải quyết những vấn đề của khu vực và thế giới. Nước ta cũng đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc thảo luận giữa ASEAN-LHQ và trình Đại hội đồng LHQ một nghị quyết về hợp tác giữa hai bên với số nước đồng bảo trợ lớn nhất từ trước tới nay: 110 nước, từ đó làm nổi bật được vai trò của các tổ chức khu vực như ASEAN tại LHQ.
Bên cạnh đó, năm 2020, trong lịch sử Việt Nam tham gia LHQ, lần đầu tiên Việt Nam đã dự thảo Nghị quyết thành lập Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hàng năm và được thông qua, ghi nhận dấu ấn vươn tầm của ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Với ASEAN, xuyên suốt năm 2020, Việt Nam khéo léo duy trì sợi dây kết nối trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan thông qua nền tảng số cho thấy sự phù hợp trong chủ đề mà Việt Nam đã lựa chọn trong năm Chủ tịch. Kết thúc năm ASEAN 2020, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua Báo cáo đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Nhiều sáng kiến của ASEAN do Việt Nam dẫn dắt về hợp tác ứng phó COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai khẩn trương trên thực tế.
Một điểm nhấn khác, sau 8 năm đàm phán, trong năm Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Nhắc đến năm 2020, không thể không nhắc đến COVID-19. Khởi phát cuối năm ngoái ở một khu chợ nhỏ tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, song COVID-19 đã lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới. Tính đến sáng 31/12 (giờ Việt Nam) đại dịch cướp đi gần 1,9 triệu sinh mạng, trong hơn 83 triệu ca nhiễm, tương đương quy mô dân số của Đức – quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu (EU). Tại nhiều quốc gia, đại dịch COVID-19 đã kéo theo cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế, nhưng nghiêm trọng hơn, nhiều chuyên gia còn cảnh báo nguy cơ khủng hoảng nhân đạo. Về đời sống xã hội, đại dịch khiến người dân trên toàn thế giới phải làm quen với khái niệm “bình thường mới”, thay đổi từ cách sinh hoạt, giao tiếp đến làm việc. Người ta phải dần quen với việc đeo khẩu trang ở mọi nơi, đặc biệt là ở nơi đông người, tránh tụ tập, làm việc từ xa…
Trong một diễn biến khả quan, cuối năm 2020, cuộc chạy đua phát triển vaccine COVID-19 đã đạt được nhiều tiến triển. Một số nước lớn như Mỹ, Anh hay Nga đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hàng loạt. Dù vậy, cuộc chiến với đại dịch được dự báo sẽ còn nhiều cam go khi xuất hiện biến thể lây lan mạnh hơn của COVID-19 cũng như những dự báo về bất bình đẳng trong phân phối vaccine.
Bầu cử Tổng thống Mỹ luôn tốn nhiều giấy mực của báo chí, song cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 được xem là “chưa từng có tiền lệ”. Những kỷ lục đã được thiết lập, điển hình như số lượng người đi bầu cử lớn nhất, 160 triệu, và cả số phiếu phổ thông bầu cho mỗi ứng viên, đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Với việc giành được hơn 81 triệu phiếu phổ thông và 306 trên tổng số 538 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Lễ nhậm chức của ông dự kiến diến ra ngày 20/1/2021. Cùng với đó, bà Kamala Harris cũng trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Bối cảnh diễn ra cuộc bầu cử hết sức đặc biệt, khi Mỹ chìm trong khủng hoảng y tế và kinh tế do COVID-19, khiến người dân phải lựa chọn đi bầu qua thư. Cách thức bỏ phiếu này đã dẫn đến những cáo buộc gian lận bầu cử mà Tổng thống đương nhiệm nhắc tới. Nhiều tuần liền, đội ngũ của ông Trump và đồng minh đã tiến hành hàng chục vụ kiện tụng cùng các hành động quyết liệt khác nhằm thách thức kết quả bầu cử, nhưng không có kết quả. Ngoài ra, người Mỹ đã đi bầu cử khi vấn đề phân biệt chủng tộc bùng lên với hàng ngàn cuộc biểu tình, bạo loạn xảy ra ở nhiều nơi, khởi đầu từ vụ việc người đàn ông da màu tên George Floyd đã thiệt mạng khi bị một số cảnh sát da trắng khống chế trên phố Minneapolis.
Năm 2019 kết thúc với việc Mỹ và Trung Quốc bất ngờ đạt “thỏa thuận giai đoạn một” vào những ngày cuối năm nhằm hạ nhiệt chiến tranh thương mại, khiến thế giới bước vào năm 2020 với kì vọng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ sớm cải thiện được những khúc mắc. Thế nhưng, trong suốt năm 2020, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng rơi vào vòng bế tắc, không chỉ vì bất đồng trong vấn đề thương mại, mà còn lan sang một loạt vấn đề khác như cách Trung Quốc ứng phó với COVID-19, vấn đề Hong Kong, Biển Đông… hay các bước đi quyết liệt của Mỹ nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc và nỗ lực tẩy chay công nghệ 5G Trung Quốc. Căng thẳng thậm chí đã leo thang đến mức Mỹ quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston hồi tháng 7, dẫn đến việc Bắc Kinh đóng cửa cơ quan ngoại giao Mỹ ở thành phố Thành Đô.
Giới chuyên gia cho rằng căng thẳng sẽ khó hạ nhiệt dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử của đảng Dân chủ mới đây đã kêu gọi củng cố các liên minh mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc.
Sau nhiều năm căng thẳng âm ỉ, hôm 27/9, Armenia và Azerbaijan đã lao vào một cuộc chiến mới ở Nagorno-Karabakh, vùng đất thuộc chủ quyền Azerbaijan nhưng là nơi sinh sống của người gốc Armenia và do lực lượng thân Armenia kiểm soát từ sau cuộc xung đột 1988-1994. Theo truyền thông khu vực, Azerbaijan chiếm ưu thế trên thực địa nhờ áp dụng các chiến thuật chiến tranh mới và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực từ tay lực lượng do Armenia hậu thuẫn. Số liệu của Nga chỉ ra, gần 5.000 người đã thiệt mạng vì đợt xung đột này, gồm nhiều dân thường, chia đều cho cả hai bên tham chiến.
Suốt nhiều tuần hai bên giao tranh, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực thiết lập một số thỏa thuận ngừng bắn, nhưng không thành công. Tới ngày 9/11, dưới đề nghị và chứng kiến của Nga, lãnh đạo Armenia và Azerbaijan ký thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng, trong đó Armenia phải bàn giao các phần lãnh thổ mà Azerbaijan chiếm được trên thực địa, rút quân khỏi nhiều quận, nhưng bảo lưu quyền kiểm soát phần lớn vùng Nagorno-Karabakh. Nga, với vai trò trung gian, triển khai 2.000 binh sĩ tới khu vực làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Tiếng súng hiện đã tạm lắng ở Nagorno-Karabakh, song cuộc chiến đã cho thấy những thay đổi lớn về vị thế địa chính trị tại vùng Kavkaz, nơi Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như một nhân vật có tầm ảnh hưởng. Cuộc xung đột cũng khiến Armenia rơi vào khủng hoảng chính trị.
Ba ngày sau giao thừa 2020, Mỹ triển khai máy bay không người lái nã tên lửa hạ sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) – một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt lớn ở Iran, khi ông này đang di chuyển trên xe hơi ngay gần sân bay quốc tế Baghdad của Iraq. Quân đội Mỹ sau đó tuyên bố vụ không kích do đích thân Tổng thống Trump chỉ đạo, nhằm “ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai”. Iran bác bỏ lý lẽ của Mỹ. Vụ ám sát lập tức đẩy căng thẳng Mỹ - Iran lên cao chưa từng có. Sau gần một tuần, hôm 8/1, Iran đã phóng trên 10 tên lửa dẫn đường vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Iraq, khiến hơn 100 lính Mỹ bị chấn động não, nhưng không ai thiệt mạng, do đã được báo trước. Đòn đáp trả cho thấy năng lực quân sự của Iran, nhưng vừa đủ để không châm ngòi chiến tranh với Mỹ.
Trong những tháng tiếp theo, căng thẳng giữa hai bên duy trì ở mức cao do Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt và gây sức ép lên cộng đồng quốc tế nhằm cô lập Iran. Vài tuần gần đây, tình hình có dấu hiệu leo thang hơn nữa, sau khi Mỹ, ở những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, đổ lỗi cho Iran về một vụ tấn công nhằm vào căn cứ Mỹ tại Iraq, kéo theo các cảnh báo Washington có thể phát động một đợt tấn công phủ đầu chống Tehran. Để phòng ngừa nguy cơ này, Iran một mặt tăng cường khả năng phòng thủ ở các khu vực trọng yếu, mặt khác cảnh báo đáp trả kiên quyết mọi hành động của Mỹ và đồng minh Trung Đông.
Năm 2016, thuật ngữ “Brexit” ám chỉ việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford, do cuộc trưng cầu dân ý của “xứ sở sương mù”. Bốn năm trôi qua, ngày 31/1, Brexit chính thức diễn ra và ngày 31/12 đánh dấu thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sự kiện lịch sử này. Với những nỗ lực đàm phán bền bỉ, London và Brussels đạt được một thoả thuận thương mại hậu Brexit hôm 24/12, giúp bảo toàn chuỗi cung ứng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU.
Tuy nhiên, thỏa thuận mang tính bước ngoặt trên chỉ đặt ra các quy tắc đối với một số ngành như nông và ngư nghiệp, song không bao gồm ngành tài chính - một trong những lĩnh vực trọng yếu giữa hai bên. Dự kiến, London và Brussels sẽ thống nhất biên bản ghi nhớ về các quy định trong lĩnh vực này vào tháng 3/2021. Như vậy, sau 47 năm là thành viên của EU, cuộc “chia tay” của nước Anh sẽ bắt đầu có tác động thực sự từ ngày 1/1/2021.
Sau thời gian dài tranh chấp, vụ ẩu đả hôm 15/6 giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan, phía Đông vùng Ladakh trên dãy Himalaya lạnh giá, nằm dọc theo đường Kiểm soát Thực tế (LAC), đã đẩy căng thẳng giữa hai nước lên đỉnh điểm, đánh dấu đợt đụng độ nghiêm trọng nhất từ năm 1975, dù không có phát đạn nào được bắn đi. Phía Ấn Độ xác nhận 20 binh sĩ nước này thiệt mạng và 76 người khác bị thương. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ xác nhận có thương vong vì sự cố, nhưng không nói rõ con số.
Sau vụ việc, Trung Quốc và Ấn Độ đều đồng loạt triển khai binh sĩ đáng kể để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng biên giới dọc LAC. Dù hai bên tới nay đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, song đều không đạt được đột phá và căng thẳng vẫn hiện diện tại khu vực biên giới. Trong tuyên bố mới nhất hôm 20/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định lực lượng vũ trang nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nếu có bất cứ hành động xâm phạm hay gây hấn nào ở biên giới. Về phần mình, Trung Quốc được cho là vẫn sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ lợi ích ở biên giới với Ấn Độ.
Do không được bảo quản đúng cách, hơn 2.700 tấn chất hoá học ammonium nitrate trữ trong nhà kho tại cảng ở thủ đô Beirut (Lebanon) đã phát nổ thành hai đợt vào chiều 4/8, gây ra một cơn địa chấn mạnh 3,3 độ Richter, khiến phần lớn khu vực cảng bị thổi bay, nhiều nhà cao tầng khắp Beirut hư hại nghiêm trọng. Vụ nổ đã khiến gần 200 người chết và hơn 6.500 người bị thương, hàng trăm ngàn người mất hết nhà cửa, tài sản.
Bên cạnh thiệt hại về người và của, vụ nổ được ví như giọt nước tràn ly” thổi bùng làn sóng giận dữ của dân chúng Lebanon với hệ thống chính trị bảo thủ và bị cáo buộc tham nhũng của quốc gia Trung Đông. Sau vụ nổ, Thủ tướng Hassan Diab đã nộp đơn xin từ chức trước áp lực quá lớn từ dư luận và giới chính trị đối lập. Người kế nhiệm ông, Mustapha Adib cũng từ chức vào tháng 9, sau một tháng nắm quyền, do không thể đạt đồng thuận về thành phần chính phủ mới. Cuối tháng 10, Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã chỉ định cựu Thủ tướng Saad al-Hariri là Thủ tướng mới, với hi vọng ông có thể thành lập một nội các đủ mạnh giúp đất nước vượt qua khủng hoảng.
Trong khi phần lớn mâu thuẫn ở Trung Đông tiếp tục diễn biến căng thẳng, thì Israel và khối Arab vùng Vịnh trong năm qua đạt được những tiến bộ đáng kể để chấm dứt hàng thập kỷ đối đầu căng thẳng, nhờ sự trung gian hòa giải của chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Chỉ trong nửa cuối năm 2020, Israel đã đạt thỏa thuận thiết lập ngoại giao với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc. Tới đây, Oman, Kuwait hay thậm chí Arab Saudi – quốc gia có ảnh hưởng lớn với cộng đồng Arab, đang cân nhắc ký thỏa thuận hòa bình với Israel.
Việc một số nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel trái với tinh thần của Sáng kiến Hòa bình Arab ký năm 2002, trong đó yêu cầu các nước Arab chỉ được quan hệ với Israel sau khi Tel Aviv chấm dứt chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine. Chính quyền Palestine chỉ trích các hành động trên và bày tỏ lo ngại xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ làm đảo lộn tiến trình hòa bình Trung Đông và tước đi cơ hội thành lập nhà nước của người Palestine.