Nơi lưu giữ tuổi thơ của Bác ở đất cố đô

Thứ Tư, 19/05/2021, 08:07
Trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác (19-5-1890 / 2-9-1969) gắn với nhiều vùng quê thân thương trên mảnh đất Việt thân yêu, Nam Đàn (Nghệ An) là nơi Bác sinh ra, tuổi thơ gắn với cánh diều ở núi Chung, vườn sen thơm ngát và Thừa Thiên - Huế gắn bó với tuổi thơ của Người cũng nhiều kỷ niệm.


Nơi ấy Bác không chỉ có những ngày tháng êm đềm tuổi thơ, đọc sách, đánh khăng, đánh đáo, thả diều mà còn mang nỗi đau mất mẹ, mất em… Ngôi nhà Bác từng ở hiện rất nhiều người tìm đến để tưởng niệm, tưởng nhớ Người.

Vòng ra phía trước chợ Đông Ba, TP Huế men theo dòng sông nhỏ hiền hòa, chúng tôi tìm đến ngôi nhà ở 112 đường Mai Thúc Loan, đứng trước ngôi nhà cảm giác xúc động dâng trào. Khi nghĩ về Bác, nhớ về Bác khi tuổi thơ của Người gắn bó với ngôi nhà này. Năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc (phụ thân của Bác Hồ) thi đỗ Cử nhân ở trường thi Hương Nghệ An. Năm 1895, ông vào Huế thi Hội nhưng không đỗ.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông xin vào học trường Quốc Tử Giám - Huế và được chấp nhận. Tuy nhiên, học bổng của trường rất ít, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ để ông sinh sống tại đất kinh đô, ông về quê bàn với gia đình đưa vợ con cùng vào Huế để gia đình có điều kiện giúp đỡ ông học hành và ông cũng có thời gian chăm sóc và nuôi dạy các con.

Ngôi nhà gắn với tuổi thơ của Bác ở 112 đường Mai Thúc Loan, thành phố Huế.

Để vào với chồng, bà Hoàng Thị Loan (mẫu thân của Bác Hồ) từ Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An đã đưa hai con là Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ) và Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ) đi bộ hàng tháng trời mới vào đến cố đô Huế. Nhiều tư liệu ở Huế chúng tôi tìm hiểu còn chép lại: Khi vợ con vô đến Huế, ông Nguyễn Sinh Sắc nhờ người quen giới thiệu đã thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba (là ngôi nhà di tích ở 112 Mai Thúc Loan hiện nay) để ở.

Bà Loan kể với láng giềng những cực khổ mà mẹ con bà phải trải qua trên đường đi từ Nghệ An vô Huế, bà Loan sức khỏe đã yếu lại phải đi bộ đường xa, 2 con nhỏ thì chân sưng tấy nên nhiều lúc bà phải để hai đứa con vào 2 chiếc thúng rồi gánh vượt dặm trường.

Ngôi nhà nơi Bác Hồ và gia đình sinh sống ở Huế giờ trở thành di tích, hàng ngày có rất nhiều người đến thăm, viếng. Tại ngôi nhà này đã lưu giữ nhiều kỷ niệm thuở thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách, khổ công học hành của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự trung hậu, đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, tuổi thơ lớn lên và trưởng thành của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung.

Trong sáu năm sống ở căn nhà này, gia đình Bác Hồ đã có điều kiện hòa nhập với đời sống của người dân đất kinh kỳ. Ông Nguyễn Sinh Sắc ngoài thời gian học tập còn chẩn đoán bệnh, bốc thuốc cho bà con quanh vùng. Bà Hoàng Thị Loan với nghề dệt vải, ngày đêm tần tảo canh cửi, cùng chồng nuôi các con nên người. Hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung còn nhỏ nhưng với tư chất thông minh, rất thích tìm hiểu đời sống hiện thực ở chốn kinh thành, lại được nghe cha cùng các bậc cao niên thường kể về đời sống của vua quan đương thời, sự hách dịch, ngạo mạn của thực dân Pháp, cùng với nỗi thống khổ của bà con lao động, về sự kiện thất thủ kinh đô ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5-7-1885) đã giết chết hàng ngàn người dân vô tội, làm ly tán biết bao gia đình…

Những biến động chính trị, xã hội ở đất kinh kỳ đã khắc sâu vào tâm hồn Người, góp phần hình thành nên khát vọng cứu nước, cứu dân sau này… của Bác.

Ngôi nhà lưu dấu tuổi thơ của Bác ở Huế cũng in đậm trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung với nỗi đau mất mẹ, tiếng khóc khát sữa của em thơ. Năm 1900, cũng chính trong ngôi nhà này, khi ông Sắc làm thư ký tại Thanh Hóa, bà Loan đã qua đời trong cảnh cơ hàn khi mới 33 tuổi vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10-2-1901), mẹ mất khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung lúc ấy mới 11 tuổi và người em Nguyễn Sinh Nhuận (bé Xin) mới chào đời. Bác ôm em ngồi bên thi thể mẹ, nhờ người làng chôn cất mẹ xong, Bác lại phải bồng em đi xin từng giọt sữa.

Vì thiếu hơi ấm của mẹ, chẳng bao lâu em Xin cũng mất. Những năm tháng tuổi thơ của Người ở Huế với nỗi đau mất mẹ, là tiếng khóc của em thơ khát sữa… đã khắc đậm trong tâm hồn Người cho đến tận trước lúc đi xa. Và sự yêu thương, đùm bọc của bà con nghèo xứ Huế. Nghĩa tình sâu nặng đó chính là những giá trị văn hóa góp phần hình thành nhân cách đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Những kỷ vật thiêng liêng trong ngôi nhà của gia đình Bác ở Huế.

Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan là một ngôi nhà gỗ rộng ba gian, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”, nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh. Trong ngôi nhà hiện nay có một khung dệt, một xa sợi được tái tạo bước đầu theo đúng khung dệt và xa sợi ở nhà Bác tại Kim Liên, chiếc giá sách của ông đồ Sắc, chiếc xa quay, khung cửi, cánh võng, nón lá, yếm, khăn, đôi quang gánh của bà Hoàng Thị Loan, cho đến chiếc đĩa đèn dầu, nồi niêu, bát, đĩa…

Thừa Thiên - Huế, mảnh đất đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước trong giai đoạn 1895-1901 và 1906 - 1909. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Đến nay theo thống kê ở Thừa Thiên - Huế có hơn 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người như: Di tích Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Di tích toà Khâm sứ Trung Kỳ, trường Quốc học Huế, nơi an táng thân mẫu Bác Hồ khi bà mất... Ngoài ra, về di sản “phi vật thể” có hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian viết về Người, nói về Người, hồi ức của chính Người về thời kỳ ở Huế và tấm lòng của Bác Hồ với Thừa Thiên - Huế, cũng như Thừa Thiên - Huế với Bác Hồ. Những địa điểm di tích gắn với tuổi thơ của Bác thu hút đông đảo nhân dân mỗi khi đến Huế, cũng là nơi để người dân cố đô Huế viếng thăm mỗi khi nhớ đến Người.

Dương Sông Lam
.
.
.