Tăng liên kết, phát triển sản phẩm đặc thù để từng bước bứt phá

Thứ Ba, 15/12/2020, 08:52
Năm 2020, ngành Du lịch cả nước nói chung, Du lịch Nam Bộ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, dù đây là khu vực có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch cả bốn mùa trong năm. Một năm chủ yếu khai thác thị trường du khách nội địa trong bối cảnh vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vừa nỗ lực “tìm cơ trong nguy” nhằm từng bước phục hồi, các địa phương đang đề ra nhiều giải pháp, định hướng chiến lược để phát triển du lịch trong năm mới 2021 và những năm tiếp theo.


Một năm gian khó

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song du lịch TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình kích cầu, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành cùng trong khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Bắc, Đông Bắc,Thủ đô Hà Nội và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Các chương trình liên kết, kích cầu đã và đang từng bước thể hiện rõ hiệu quả trong việc đa dạng hóa điểm đến, đưa du khách từ TP Hồ Chí Minh đến các địa phương và đón du khách từ các địa phương trong cả nước đến TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong năm 2020, du lịch của thành phố được đánh giá là thị trường nhận và gửi khách đặc biệt sôi động của cả nước vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính cả năm, lượng khách nội địa đến TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 15 triệu lượt, giảm hơn 54% so với năm 2019, còn lượng du khách quốc tế giảm tới gần 85% so với năm 2019.

Chợ nổi Cái Răng là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Cần Thơ và miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Xuân Cường/Báo Tin tức

Tương tự, Cần Thơ - thành phố trung tâm của vùng Tây Nam Bộ, điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách trong các hành trình khám phá miền sông nước Cửu Long, lượng du khách năm 2020 cũng sụt giảm đáng kể. Thông tin từ UBND thành phố Cần Thơ, năm 2020, du khách đến thành phố đạt hơn 5,6 triệu lượt, giảm gần 37% so với năm 2019, tổng doanh thu từ du lịch giảm gần 29% so với năm 2019. 

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Nguyễn Khánh Tùng cho biết: Trong một năm rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, du lịch Cần Thơ đã thực hiện bản đồ an toàn du lịch thành phố, cung cấp tới du khách những điểm đến đảm bảo tiêu chí an toàn; hoàn thành kế hoạch nâng chất các điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố và cấp vùng với mục tiêu tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù, thế mạnh như trải nghiệm vùng sông nước, làm nông dân miền Tây, du lịch sinh thái kết hợp ẩm thực, tạo nhiều điểm nhấn để du khách yên tâm chọn Cần Thơ là điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Tương tự tại tỉnh cực Nam của Tổ quốc là Cà Mau - nơi có có rừng, có biển, có cả hệ sinh thái rừng ngập mặn và ngập ngọt, với thông điệp “Du lịch Cà Mau an toàn, thân thiện”, nhiều khu du lịch, điểm du lịch cộng đồng trải qua một năm nỗ lực duy trì hoạt động, tập trung chủ yếu vào dòng khách nội địa với những yêu cầu về sản phẩm và điểm đến đa dạng, không trùng lặp cho mỗi chuyến hành trình về Tây Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng. Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, năm 2020, lượng du khách trong và ngoài nước đến Cà Mau đạt 1,4 triệu lượt, giảm khoảng 18% so với năm 2019.

Xác định giải pháp cho chặng đường mới

Chuẩn bị bước sang năm mới 2021, tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch các địa phương ở Nam Bộ đang đề ra nhiều giải pháp; trong đó nhiều địa phương đặc biệt coi trọng giải pháp tăng cường liên kết, phát triển sản phẩm đặc thù, thế mạnh để phục hồi và có những bứt phá trong năm mới 2021.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ngành Du lịch thành phố tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch” Vibrant Ho Chi Minh city” (Sức sống TP Hồ Chí Minh) đến du khách trong và ngoài nước; tăng cường phát triển sản phẩm du lịch thế mạnh của thành phố như: Du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch ẩm thực - mua sắm, giải trí - hoạt động về đêm, du lịch y tế, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện).

Cùng với đó, Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 xác định, đưa thành phố trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á. Do đó, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh xác định liên kết là một trong những nhóm giải pháp trọng tâm nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố và các địa phương trong cả nước, từ đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các dịch vụ du lịch, mang lại giá trị gia tăng, góp phần cùng nâng tầm, nâng chất, khẳng định thương hiệu của du lịch Việt Nam.

Với thành phố Cần Thơ, theo lãnh đạo UBND thành phố, năm 2021 là năm đầu tiên địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020- 2025. 

Do đó trong năm 2021, ngành Du lịch Cần Thơ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp kích cầu, tăng cường liên kết với các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng để thúc đẩy các hoạt động lữ hành sau dịch COVID-19. Thành phố đẩy mạnh thu hút, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; tiếp tục bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, các danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch; đổi mới theo hướng đa dạng nội dung, hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến khó lường tại nhiều nơi trên thế giới, du lịch - ngành kinh tế tổng hợp chắc chắn còn gặp nhiều thách thức. Song, với việc nỗ lực tìm cơ hội ngay trong khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh liên kết, tạo điểm nhấn từ lợi thế từng địa phương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quảng bá sản phẩm, tin tưởng rằng hoạt động du lịch ở các địa phương thuộc khu vực Đông và Tây Nam Bộ sẽ khởi sắc, có bước phát triển mới trong năm 2021.

Thanh Trà
.
.
.