Cơ hội để hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Tân Tổng thống Joe Biden và người mà ông đã chỉ định vào vị trí ngoại trưởng, ông Antony Blinken, đều là những chính trị gia ủng hộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bởi họ cho rằng mặc dù châu Á ngày càng trỗi dậy, song Mỹ và châu Âu vẫn là những trụ cột vững chắc cần thiết cho bất cứ hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở nào.
Tổng thống Joe Biden đã làm nức lòng châu Âu bởi ông cam kết sẽ đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định chống biến đổi khí hậu năm 2015, trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đàm phán ngoại giao với Iran, hạ nhiệt các cuộc chiến thương mại và trở lại với chủ nghĩa hợp tác đa phương. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là những giá trị truyền thống sẽ được khôi phục trong tương lai.
Việc khôi phục mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương không chỉ đòi hỏi các bên liên quan phải thích ứng với những yêu cầu về an ninh, chính trị và kinh tế hiện nay, mà còn phải đương đầu với những mối đe dọa xuyên quốc gia mới, các thế lực địa chính trị thù địch và cả tình hình thực tế ở mỗi nước. Chính vì vậy, việc cải tổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tăng cường chặt chẽ mối quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Biden nhằm đạt được mục tiêu nêu trên.
Tân Tổng thống Joe Biden và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại một cuộc họp ở Đức. Ảnh: AP. |
Từ cuối những năm 1940 tới nay, các chính phủ Mỹ dưới thời các tổng thống của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nỗ lực củng cố NATO và xây dựng quan hệ với châu Âu vì mục tiêu đoàn kết các nền dân chủ lớn có vai trò dẫn dắt trên thế giới. Tuy nhiên, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã phần nào giảm sút dưới thời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama bởi cuộc chiến thảm họa với Iraq do chính quyền Bush phát động và chính sách “xoay trục về châu Á” của chính quyền Obama.
Thế nhưng, dưới thời Tổng thống Donald Trump, tình đoàn kết giữa Mỹ và các nước đồng minh mới thực sự bị đe dọa nghiêm trọng. Ông Donald Trump đã đặt dấu hỏi về NATO, tích cực thúc giục giải tán Liên minh châu Âu (EU) và phá tan liên kết phương Tây. Trong khi đó, ông Biden cam kết sẽ khôi phục quan hệ với phương Tây và nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo châu Âu.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mời ông Joe Biden dự Hội nghị Thượng đỉnh đầu năm nay với hy vọng lãnh đạo các nước sẽ thông qua “ý tưởng chiến lược” mới mà tổ chức này vừa soạn thảo hồi cuối năm 2020. Giới lãnh đạo EU cũng coi việc ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống Mỹ là cơ hội “nghìn năm có một”.
Tháng 12-2020, Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao EU về đối ngoại và tổ chức Chính sách An ninh đã công bố một báo cáo trước Nghị viện châu Âu với tiêu đề “Chương trình nghị sự mới Âu-Mỹ nhằm thay đổi toàn cầu”, trong đó đặt mục tiêu coi hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là “nền tảng cho việc tạo dựng một liên minh toàn cầu mới gồm các đối tác có chung chí hướng”.
Để hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Mỹ và EU cần đạt được tiến triển trong 3 lĩnh vực. Thứ nhất, đề ra một chiến lược chung để đối phó với Trung Quốc. Thách thức địa chính trị lớn nhất là phải tạo được một mặt trận đoàn kết Mỹ-Âu đối phó với Bắc Kinh, điều mà châu Âu từ lâu không muốn và chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump khiến việc thực hiện được như vậy cũng khó khả thi. Tình hình giờ đây đã thay đổi bởi nhiều nước châu Âu bắt đầu lo lắng về việc Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự, tỏ rõ tham vọng khu vực...
Vì vậy, chiến lược mới của EU và Washington kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với “thách thức mang tính chiến lược” do Trung Quốc đặt ra, còn “ý tưởng chiến lược” do NATO khởi xướng và soạn thảo tập trung kêu gọi liên minh Âu-Mỹ hợp tác đẩy lùi sự bành trướng hiếu chiến của Trung Quốc. Hiện chưa rõ châu Âu có sẵn sàng tham gia cuộc chơi này hay không, bởi các nước trong EU có quan điểm khác nhau khi nhìn nhận về hiểm họa do các siêu cường đặt ra và rủi ro họ sẽ phải gánh chịu nếu đối đầu với Bắc Kinh.
Một liên minh xuyên Đại Tây Dương thực sự đoàn kết chỉ khi hai bên thống nhất trong cách nhìn nhận về những mối đe dọa do Trung Quốc gây ra và hai bên phối hợp các chính sách ở nhiều phương diện khác nhau. Thế nhưng, nhiều nước châu Âu vẫn e ngại về việc bị cuốn vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Thứ hai, phải xây dựng lại hình ảnh NATO. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2019 đã khiến dư luận dậy sóng khi miêu tả NATO là tổ chức đã “chết não” và giờ vẫn đang phải tìm kiếm lý do để tồn tại 30 năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ. Báo cáo cấp cao của NATO tới đây dự kiến sẽ đưa ra đường hướng cho liên minh này từ nay tới năm 2030 thông qua 138 khuyến nghị cụ thể dài tới 60 trang.
Khuyến nghị chính đưa ra là NATO cần phải tăng cường vai trò chính trị để có thể ứng phó tốt hơn không chỉ với những đối thủ mang tính hệ thống như Trung Quốc hay Nga, mà còn hàng loạt xu hướng bất ổn khác của thế giới như khủng bố và các loại công nghệ cao, phổ biến vũ khí hạt nhân, sự bất ổn ở từng khu vực trên thế giới, và thậm chí cả tình trạng biến đổi khí hậu.
Để hiện thực hóa được đường hướng nói trên cần phải có cách tiếp cận gồm 3 mũi nhọn: Đảm bảo hợp tác liên minh chặt chẽ thông qua tham vấn thường xuyên giữa 30 nước thành viên; xây dựng lòng tin và sự thấu hiểu giữa NATO và EU bởi mối quan hệ giữa hai tổ chức này từ lâu đã không được suôn sẻ, nhất là khi đề cập đến các vai trò chính trị, quốc phòng, an ninh của cả hai tổ chức; NATO phải xây dựng một kế hoạch tổng thể toàn cầu để trấn an các đối tác ở xa, ví dụ như các đối tác ở châu Á, rằng các nước thành viên của NATO đều có mối quan tâm chung về các vấn đề chính trị và chiến lược.
Thứ ba, phải mở rộng quan hệ đối tác Âu-Mỹ. Khác với ông Trump vốn coi EU như kẻ thù và luôn tìm cách chia rẽ các nước thành viên EU, Biden lại cổ vũ sự gắn kết của EU và coi EU là nhân tố quan trọng chia sẻ vai trò lãnh đạo toàn cầu với Mỹ. Chính vì vậy, lúc này là cơ hội chín muồi để Âu-Mỹ mở rộng hợp tác về nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ là vấn đề đối phó với Trung Quốc.
Tuyên bố tầm nhìn mới đây của EU cũng vạch ra chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương rất mạnh mẽ, trong đó có đề cập tới hợp tác song phương trong phát triển và đảm bảo phân phối công bằng các loại vaccine COVID-19, cắt giảm khí thải và bảo vệ sự đa dạng sinh học; quản lý thương mại kỹ thuật số và công nghệ trí tuệ nhân tạo; bảo vệ nền dân chủ toàn cầu và chống lại sự tấn công của chủ nghĩa cực đoan và xu hướng truyền tải thông tin sai lệch.
Khi quay trở lại hợp tác với Mỹ thời hậu Donald Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thận trọng, không đơn giản là ủng hộ chính quyền của đảng Dân chủ bởi chính quyền này cũng chỉ kéo dài 4 năm, mà thay vào đó, họ sẽ xây dựng mối quan hệ tốt với cả các nghị sỹ Cộng hòa với hy vọng sẽ phục hồi được chủ nghĩa lưỡng đảng xuyên Đại Tây Dương. Điều này sẽ không hề dễ dàng bởi Đảng Cộng hòa của Mỹ nghiêng về chủ nghĩa dân tộc và các cử tri Cộng hòa cũng hoài nghi về vai trò của EU.
Tuy nhiên, những khảo sát được công bố mới đây cho thấy, 2/3 người dân Mỹ vẫn tin rằng NATO là tổ chức phù hợp với lợi ích của Mỹ và một nửa số người được hỏi ý kiến vẫn ủng hộ EU - đây chính là những tín hiệu tích cực giúp tân chủ nhân Nhà Trắng có thể hợp tác hiệu quả với NATO và EU trong thời gian tới.