Nhẫn giúp thành sự
Tối mùa đông, trời lạnh, trong gian phòng kín, ánh đèn vàng một vầng huyền ảo xuống bức tranh khổ lớn vẽ một vòng tròn lớn - biểu thị cho chữ "không", trên tường, sư phụ đang luyện tay với một đệ tử trong lớp. Tôi nhấp ngụm trà, theo dõi chính mình đang bị hút về phía chuyển động tay của vị sư phụ nọ. Một tiếng động vang lên phía bên trong sâu thẳm, như tiếng tuyết lở, tôi quay sang người bạn của mình hỏi: "Đây là võ ư? Đây là thiền động chứ!".
Bạn tôi mỉm cười, vị sư phụ phía đằng xa vẫn mắt nhắm, đôi tay chuyển động nhịp nhàng như nước, động mà tĩnh, tĩnh mà động, nương theo nhịp tay của đồ đệ, đôi bên nương theo nhau, mềm mại mà uy lực, uy lực mà mềm mại, đôi chân chạm nhẹ trên mặt đất, bám mà như không bám. Nửa tiếng sau, vì phút đốn ngộ trùng hợp với tư tưởng của sư phụ, người đồng ý nhận tôi làm nữ đệ tử đầu tiên trong đời, và tôi lần đầu tiên có cái nhìn hoàn toàn khác về võ thuật, dùng thân để định tâm, nương theo lực mà dùng lực, lấy mềm thuận theo mà đẩy cứng, lấy tĩnh đối động, tôi học trở thành một dòng nước, quan sát mọi chuyển động, mọi lực xô đến như nó đang là, chấp nhận sự tồn tại, xuất hiện của mọi biến động, buông mọi mong muốn chi phối, áp đặt cá nhân trước thực tại, và trong lòng tôi nở ra một bông hoa bình yên. Đây chính là vẻ đẹp của Nhẫn.
Người xưa có câu: "Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh người rồi mặt vàng như nghệ". Nhẫn nhịn để suy xét bao giờ cũng tốt hơn là hấp tấp nóng vội. |
Xưa nay, "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", khoan bàn về việc nên thuận theo tự nhiên, khoan bàn về số mệnh, hãy thử chỉ bàn tại sao con người, trong nhiều hoàn cảnh, mưu sự không thành, trước khi tại thiên, phải kể đến tại chính con người đã. Con người sinh ra đã luôn bị chi phối bởi chính cảm xúc, mong muốn của chính mình. Thuận ý thì vui, nghịch ý thì phiền. Khi hiện thực không trùng với mong muốn, con người ta có nhiều kiểu phản ứng, kiểu phản ứng thường thấy là tức giận. Giận, lấy cảm xúc mong muốn của chính mình làm trung tâm, lửa dục vọng chi phối, lửa tham, sân, si trào lên đốt tâm can, làm sao có thể nhìn nhận đầy đủ được hoàn cảnh thực tại mà ra được quyết định đúng đắn, sao có thể làm chủ được cảm xúc, hành động, từ đó mà dễ sai lầm.
Chẳng những chẳng thể "thành sự" được, mà còn có thể huỷ hoại cái đang có, từ cơ hội, kế hoạch, đến quan hệ giao tế, tình cảm, thậm chí động thủ mà huỷ hoại kẻ khác, huỷ hoại chính mình. Bài học sâu xa về chữ Nhẫn, sự nhịn trong cuộc đời, trong hành trình làm người, bài học mà cả Đạo giáo, Khổng giáo, Phật giáo đều đề cao và nhắc nhở, lại được dân gian khái quát đơn giản, dễ hiểu: "Một sự nhịn, chín sự lành".
Con cái sẽ "lãnh đủ" nếu cha mẹ không biết nhường nhìn lẫn nhau. |
Minh triết dân gian rất đơn giản, dễ thực hiện, khi chưa biết Nhẫn, chưa hiểu được cái đại Nhẫn, thì cần tập nhịn trước. Nhịn là đối mặt với chính mình, với cơn cảm xúc đang dâng lên muốn bột phát, trước hành động muốn làm khi đứng trước hoàn cảnh, tình huống không như ý. Tức là thay vì bị cảm xúc, cơn giận, ham muốn, cái tôi chi phối, con người ta nhịn, là dùng định lực, lý trí chi phối lại những cơn cảm xúc, cơn muốn hành động phản ứng, là chiến đấu với chính mình. Nhịn được thì lành, không vì lời lẽ, hành động bột phát lúc ức chế, cáu giận, không vì tham sân si không được thoả mãn mà làm mất đi hoà khí, lành vì giữ nguyên được cái đang có, cơ hội vẫn còn nguyên. Lành là bởi, khi cơn giận, ham muốn chi phối, cái tôi tưởng chừng bị tổn thương, cơn cảm xúc vì tham sân si trôi qua, lý trí không còn bị che mờ bởi những cảm xúc tiêu cực, người ta có thể bình tĩnh sáng suốt mà nhìn nhận được lợi hại, thiệt hơn, nhìn nhận được cái toàn cảnh, lựa chọn được thời cơ thích hợp mà cải biến hoàn cảnh. Nhịn được là làm chủ được chính mình, làm chủ được chính mình là có thêm khả năng làm chủ được vận mệnh. Lời lẽ, hành động, quyết định cảm tính bột phát khó lòng đem lại kết quả tốt. Quả thực từ cổ chí kim, người nhịn được, nhẫn được mới là kẻ làm được việc lớn.
Đối mặt với chính mình thành thói quen, nhịn thành phản xạ tự xem xét quan sát chính cơn cảm xúc đang có, người ta sẽ dần biết Nhẫn. Nhẫn không chỉ là sự nhịn, Nhẫn là kết quả của nhận thức, là định được tâm, là làm chủ được những xung động cảm xúc tầm thường, là nhìn nhận được vạn sự như nó đang là. Ở mức độ mưu sự, nhẫn giúp thành sự, ở mức độ giác ngộ, nhẫn là gốc của giải thoát, là cái nhìn giác ngộ, khi không có ham muốn chi phối thay đổi cái đang là, tức là không có đau khổ, không có phiền muộn, là thuận tự nhiên. Ở mức độ mưu sự, Khổng Tử dạy: "Việc nhỏ không nhẫn, ắt làm hỏng việc lớn", nhẫn mưu sự mà thành, như Hàn Tín chấp nhận chui háng kẻ khác, Việt Vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai. Ở mức độ giác ngộ, Lão Tử dạy: "Đạo trời không tranh mà luôn thắng, không nói mà vạn vật luôn hưởng ứng". Ở góc độ tu hành, Đạo Phật dạy: "Trong sáu phép siêu độ và hàng vạn phép tu hành, nhẫn là đệ nhất".
Nhà văn An Hạ (anhavn85@gmail.com). |
Người ta hay nhắc, chữ "Nhẫn" gồm chữ "Đao" (#?) ở trên và chữ "Tâm" (#S) ở dưới. Khi tập nhịn, còn phải tranh đấu với chính mình, thì đau đớn mệt mỏi như đao đâm vào tim. Nhưng khi đã đạt đến trạng thái Nhẫn, thì tâm lặng như nước, tâm không động, đao chẳng thể tổn thương, khi ấy đao chỉ là đao, là thực tại không thể thay đổi và không cần thay đổi. Đấy là đại Nhẫn.
Cho dù là nhịn, hay nhẫn, hay đại nhẫn, làm được, đạt được sẽ đều "lành". Lành là điều cần cho sự cân bằng trong đời sống. Chưa đạt được cảnh giới giác ngộ, còn bị chi phối bởi thân và tâm động, ta có thể tập luyện theo minh triết dân gian, tập nhịn từ những việc nhỏ, lời định nói, điều định làm ngay lúc tâm chưa tĩnh lặng. Hoặc có thể tìm tới những phương pháp thực hành cụ thể như tôi, từ hành động tập đi tập lại mà tạo thành thói quen cho thân tâm. Để trong một khoảnh khắc có thể cảm nhận rõ cái đẹp của sự Nhẫn.