Trao Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo
Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, văn học nghệ thuật có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo. Các sáng tác văn học nghệ thuật về mảng đề tài này thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ cha ông đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nhiều tác phẩm có chất lượng, nội dung tốt, cách tiếp cận tinh tế, sâu sắc, đã chinh phục được bạn đọc, đoạt nhiều giải thưởng văn chương uy tín của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Hội Nhà văn Việt Nam…
Các tác giả nhận giải Nhất Giải thưởng Sáng tác về biên giới, hải đảo. |
Tại buổi lễ, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng theo 2 hạng mục: Tôn vinh và Giải thưởng. Hạng mục Tôn vinh có 12 giải thưởng: Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), Đảo chìm và hơi thở rừng hồi (Vương Trọng); Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý); Sóng trầm biển dựng (Đoàn Văn Mật); Nơi khôn thiêng của biển (Lương Hữu Quang); Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy); Huyền thoại tàu không số (Đình Kính); Trường Sa kỳ vĩ và gian lao (Sương Nguyệt Minh); Biển xanh màu lá (Nguyễn Xuân Thủy); Trường Sa trong mắt trong (Nguyễn Mạnh Hùng); Nậm Ngặt mây trắng (Nguyễn Hùng Sơn); Tình không biên giới (Kim Quyên).
Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo được trao cho 32 tác phẩm văn học. Trong đó, giải Nhất thuộc về bốn tác phẩm: Đảo chìm Trường Sa (Trần Đăng Khoa); Mình và họ (Nguyễn Bình Phương); Ba phần tư trái đất (Thi Hoàng); Từ biển mà đi, Thơ viết về biển, Mộ gió (Trịnh Công Lộc). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 10 giải Nhì, 18 giải Ba và 7 Giải thưởng cho tập thể tổ chức, đăng tải nhiều bài viết về biên giới, biển đảo.