Không tồn tại một quy chế cho riêng nước nào trong vấn đề Biển Đông

Thứ Tư, 18/11/2020, 07:50
Trong năm 2020, nhiều quốc gia ven Biển Đông đã bày tỏ, làm rõ hơn lập trường pháp lý ở Biển Đông thông qua các công hàm được trao đổi tại Liên hợp quốc (LHQ). Việc lưu hành công hàm với những nội dung mang đậm ngôn ngữ và hàm ý pháp lý cho thấy các quốc gia ngày càng đề cao vai trò và giá trị của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).


Tranh chấp Biển Đông tác động an ninh toàn cầu

Như đã đưa tin, trong 2 ngày 16 và 17 tháng 11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hoà bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức. 

Với sự tham dự kỷ lục theo hình thức trực tiếp và trực tuyến của hơn 700 đại biểu đến từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, 8 phiên của hội thảo đã diễn ra trong không khí rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Mỗi phiên thảo luận đều gợi mở từng vấn đề liên quan đến Biển Đông và các đại biểu đều thống nhất rằng mọi quốc gia phải hành động dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế và ưu tiên việc đảm bảo quyền lợi của công dân.

Thực tế, Biển Đông đang được coi là một trong những thách thức chính đối với Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 và hơn thế nữa. Vì thế, các đại biểu cho rằng, ASEAN cần phải giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn bằng cách có một cái nhìn rõ ràng hơn về những dự kiến, kế hoạch trong loạt các vấn đề ở Biển Đông, dự báo những tác động đối với ASEAN và các quốc gia thành viên cũng như nhấn mạnh vai trò trung tâm ASEAN để xử lý vấn đề.

Trong cả hai Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và lần thứ 37, vấn đề Biển Đông đều nhận được đồng thuận từ các lãnh đạo rằng cơ sở pháp lý duy nhất và nhất quán để giải quyết các vấn đề của Biển Đông là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). 

Cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả vấn đề Biển Đông.

Tất cả các nước cũng đã nhất trí thúc đẩy nhanh chóng tiến trình đàm phán và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), văn bản điều hành tất cả những xử sự trên biển giữa các bên liên quan vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng. 

Vì thế, theo nhìn nhận của các đại biểu, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của ASEAN để giữ được vị thế trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên các vùng biển và đại dương. 

Cũng có ý kiến cho rằng ASEAN cần tối ưu hoá nguyên tắc đồng thuận, thúc đẩy các cơ chế tiểu đa phương giữa các nước Đông Nam Á chủ chốt có chung chí hướng để hợp tác khu vực hiệu quả hơn; song song với đó là xây dựng, tăng cường các thiết chế của mình để có thể thúc đẩy hợp tác biển đa phương trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang chịu nhiều thách thức trên thế giới.

Bảo vệ lập trường pháp lý

Nhắc đến tình hình Biển Đông hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng tuy khó tìm được mối liên hệ trực tiếp giữa vấn đề này với COVID-19 song đại dịch cũng đã làm cho quan hệ giữa các nước lớn xấu đi ở Biển Đông, nhất là quan hệ cạnh tranh Mỹ-Trung. 

Một số đại biểu nhận định Trung Quốc đã lợi dụng tình hình COVID-19 để gia tăng nhịp độ hoạt động trên thực địa, mở rộng kiểm soát trên Biển Đông và cố ý va chạm với nhiều nước. Các mục tiêu cơ bản của Trung Quốc ở Biển Đông không thay đổi và gần đây Trung Quốc đẩy mạnh “lập trường quan điểm” của nước này trên khắp thế giới, gây nên phản ứng mạnh mẽ của chính phủ và người dân ở nhiều nước. 

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các hoạt động quân sự và tự do hàng hải; tỏ thái độ cứng rắn hơn trên mặt trận ngoại giao, pháp lý, phản đối trực diện yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Lập trường này phản ánh xu hướng chính sách chung của chính quyền Mỹ theo hướng ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc. Chính sách Biển Đông của Mỹ về cơ bản đã định hình rõ nét hơn dưới thời Tổng thống Trump nên chính quyền sắp tới sẽ ít khả năng có điều chỉnh lớn về chiến lược.

Chia sẻ thêm về quan điểm này, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là dịch COVID-19. Cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả vấn đề Biển Đông. Còn Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao thì khẳng định, tất cả các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích chung đối với khu vực này, bởi đây là khu vực địa chiến lược, địa kinh tế, thông thương tự do hàng hải. Quốc gia nào cũng muốn tự do hàng hải, thương mại, đi lại được bảo đảm ở khu vực này.

Các đại biểu nhấn mạnh, không tồn tại một quy chế đặc biệt nào cho phép các quốc gia lục địa được vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo, quần đảo xa bờ. Bên cạnh đó, các công hàm/ công thư trao đổi ở LHQ đã có những đóng góp giá trị trong việc làm rõ và củng cố lập trường pháp lý của các bên liên quan. Đây là nguồn tài liệu quan trọng thể hiện quan điểm của các bên yêu sách về vấn đề Biển Đông. 

Cuộc tranh luận bằng công hàm là cách đấu tranh chính thức, hòa bình và mang lại sự minh bạch vì các nước yêu sách dần làm rõ các yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển ở Biển Đông, đồng thời công bố công khai với cộng đồng quốc tế. Diễn biến pháp lý này cũng có thể là cơ sở tham khảo cho các bên trong quá trình đàm phán COC. Đáng chú ý, có học giả còn đề xuất một số quốc gia ASEAN có nhiều điểm tương đồng trong vấn đề pháp lý có thể hướng tới một tuyên bố lập trường chung về Biển Đông.

Tác động của "cuộc chiến công hàm"

Về cuộc “tranh luận” bằng công hàm tại LHQ trong vấn đề Biển Đông và tác động tới tương lai của tiến trình đàm phán COC, các học giả khẳng định, UNCLOS 1982 có giá trị phổ quát và toàn diện, phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề trên biển. Công hàm của các nước đều trực tiếp và gián tiếp đề cập tới phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 của Philippines, phản đối tất cả các yêu sách vùng biển phi lí của Trung Quốc. Ủy ban ranh giới thềm lục địa đã trở thành nơi lưu giữ chính thức tất cả các công hàm, công thư phản đối các yêu sách vùng biển thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, việc một loạt nước gửi công hàm lên LHQ về vấn đề Biển Đông là một trong những điểm nổi bật trong năm 2020. Mỗi công hàm đều bày tỏ quan điểm riêng của từng nước, nhưng cũng có điểm chung về nhận thức đối với vấn đề Biển Đông. 

“Trong các công hàm gửi lên LHQ về vấn đề Biển Đông, hầu hết các nước đều nhấn mạnh luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Đây là yếu tố rất quan trọng, cho thấy rằng, không thể chỉ lấy yếu tố lịch sử ra để đòi hỏi quyền nọ, quyền kia trái với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 là có thể thuyết phục được mọi người. Mọi hành vi trên biển, bao gồm cả những đòi hỏi, yêu sách chủ quyền đều phải dựa trên UNCLOS 1982. Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đang thúc đẩy tham vấn về xây dựng COC nhưng bất cứ văn bản COC nào trong tương lai cũng phải dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định.

Đồng quan điểm, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế - cơ quan chính của LHQ trong việc pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế cũng đánh giá, với một loạt những cuộc tranh luận về công hàm tại LHQ (hơn 30 công hàm) liên quan đến Biển Đông, tình hình ở Biển Đông đang thay đổi rất nhiều và cho thấy rằng, các tranh chấp ở vùng biển này cần phải được giải quyết bởi các bên tranh chấp và sự hợp tác chung của cộng đồng quốc tế cũng như khu vực. 

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, việc các nước ngoài khu vực trao công hàm về Biển Đông là một sự thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế. "Tôi cho rằng càng ngày thế giới sẽ cần nhìn nhận vai trò quan trọng của UNCLOS 1982 và các nước sẽ cùng nhau tìm ra những biện pháp để giải quyết", Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh.

Lưu ý hơn về nội dung trong các công hàm nói trên, TS Trần Công Trục chỉ rõ, lần đầu tiên các nước đề cập đến việc phải tuân thủ UNCLOS 1982 với những chi tiết cụ thể như: Việc đưa ra yêu sách ở Biển Đông phải căn cứ vào UNCLOS 1982, đặc biệt là yêu sách đối với các thực thể đang tồn tại ở Biển Đông để tính ra các vùng biển… Thực tế, yêu sách "đường chín đoạn" (hay còn gọi là đường lưỡi bò) là hoàn toàn phi pháp, đi ngược lại các quy định của UNCLOS 1982, của chính sách về đối ngoại, về bảo vệ các quyền hợp pháp của các nước trong Biển Đông. 

Quan điểm của nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ là phải thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC, đưa đàm phán đi vào thực chất. Còn Đại sứ Australia tại Việt Nam, Robyn Mudie điều hành phiên họp thứ 5 nói về quy tắc xây dựng để ngăn ngừa sự cố trên biển đã gợi mở ý kiến để các đại biểu thảo luận về khả năng hình thành các quy tắc và chuẩn mực khu vực để ngăn chặn các cuộc đối đầu và giảm thiểu các sự cố ngoài ý muốn trên Biển Đông.

Vai trò định hướng của truyền thông

Điểm mới trong hội thảo lần này là có một phiên họp riêng với chủ đề "Truyền thông đang định hình như thế nào trong các bài viết về vấn đề Biển Đông. Ông Rodion Ebbighausen, Giám đốc điều hành châu Á của hãng Deutsche Welle (Đức) khẳng định, nhận thức và quan điểm của công chúng đã trở thành một khía cạnh quan trọng của vấn đề Biển Đông. Giới truyền thông như nhà báo, học giả, đạo diễn phim... không còn là những người quan sát đơn thuần mà đã trở thành những bên liên quan trong vấn đề Biển Đông với quyền hạn tác động đến nhận thức của công chúng và chính sách của các quốc gia. Ngày càng có nhiều xu hướng sử dụng các phương tiện truyền thông để kể những câu chuyện khác nhau về Biển Đông với mục đích định hình nhận thức và quan điểm của công chúng cũng như ủng hộ các chính sách của riêng họ.

Vì thế, khi giới truyền thông tham gia hội thảo với tư cách là "người trong cuộc" về các vấn đề Biển Đông, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề như: sự giống và khác nhau trong các câu chuyện do các bên liên quan khác nhau thúc đẩy; vai trò và hạn chế của phương tiện truyền thông, đặc biệt là phương tiện truyền thông xã hội trong việc giúp truyền tải “thông điệp phù hợp” đến công chúng và cách giải quyết những tin tức giả và thông tin sai lệch; các phương tiện truyền thông có thể và nên đóng những vai trò gì để thúc đẩy hòa bình, ổn định và pháp quyền ở Biển Đông? các đại biểu cho rằng sự cạnh tranh định hình dư luận này đã diễn ra ở phạm vi rộng, với nhiều hình thức khác nhau. 

Đối với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông gắn với “giấc mộng Trung Hoa”. Tuy nhiên, việc một số cơ quan truyền thông đưa tin từ góc độ chủ nghĩa dân túy có thể làm sai lệch thông tin, có hại cho việc thúc đẩy hợp tác quản lý và giải quyết hoà bình các tranh chấp. Việc cố tình che giấu thông tin và cung cấp thông tin sai lệch có thể phản tác dụng với chính chính phủ các nước. 

Các học giả cũng khuyến nghị công chúng cần tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống và đối chiếu các nguồn thông tin với nhau để có được góc nhìn khoa học, chân thực nhất có thể về một vấn đề chính trị nóng bỏng như Biển Đông. Nhiều học giả cũng cho rằng truyền thông ở Việt Nam rất cởi mở, thể hiện qua việc có nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đặt trụ sở tại Việt Nam và sự cởi mở, thẳng thắn của các cơ quan chính phủ Việt Nam đối với các nhà báo quốc tế.

Huyền Chi
.
.
.