Toàn văn Tuyên bố chung hội nghị AMMTC 14
- Hội nghị AMMTC 14 ra tuyên bố chung
- Tổng Thư ký ASEAN chúc mừng Việt Nam trong vai trò Chủ tịch AMMTC 14
- Khai mạc trọng thể Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia
- Hợp tác quốc tế - Con đường tối ưu đẩy lùi tội phạm xuyên quốc gia
CAND Online trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung Hội nghị AMMTC 14 với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Tô Lâm vẫy tay chào mừng hội nghị AMMTC 14. |
2. Trước Hội nghị, cuộc họp trù bị của Quan chức cấp cao các nước ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) đã được tổ chức ngày 25/11/2020 theo hình thức trực tuyến. Cuộc họp do Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng SOMTC-Việt Nam chủ trì.
3. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về việc đưa ra chủ đề cho Hội nghị AMMTC 14 “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”. Qua đó, góp phần khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Bộ trưởng các nước ASEAN trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đồng thời, chủ đề của Hội nghị AMMTC 14 đã thể hiện đóng góp tích cực của Bộ Công an Việt Nam đối với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
4. Chúng tôi cảm thông và chia sẻ trước những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, dịch bệnh gây ra ở các nước thành viên ASEAN trong thời gian qua. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành và phối hợp chặt chẽ để cùng nhau vượt qua khó khăn, sớm phục hồi cuộc sống của người dân ở các nước ASEAN.
5. Chúng tôi ghi nhận Báo cáo của Chủ tịch Hội nghị AMMTC 13, được tổ chức từ 26-28/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Báo cáo đã nêu rõ những tiến bộ đáng khích lệ mà các quốc gia thành viên ASEAN đạt được trong năm qua; ghi nhận nỗ lực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của khu vực, trong đó có: (i) khởi động cơ chế Hội nghị tham vấn Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia với Hàn Quốc lần thứ nhất; (ii) thông qua Kế hoạch hành động ASEAN triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về phòng ngừa và ngăn chặn sự gia tăng của cực đoan hóa và cực đoan bạo lực giai đoạn 2019-2025; (iii) thống nhất từ năm 2021, quốc gia giữ vai trò Chủ tịch SOMTC cũng sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AMMTC.
6. Chúng tôi ghi nhận kết quả và tiến triển của Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 20 do Philippines chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 24/9/2020 và các thông tin cập nhật về hoạt động của cơ chế Những người đứng đầu Cơ quan xuất nhập cảnh và Lãnh sự ASEAN (DGICM) do Myanmar, nước giữ vai trò Chủ tịch DGICM chia sẻ.
7. Thực hiện cam kết của lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường gắn kết hơn nữa trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống và làm gia tăng mức độ rủi ro đối với những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Nỗ lực triển khai cam kết hợp tác của các nước ASEAN trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đã thể hiện sự thích ứng và thích nghi với trạng thái bình thường mới của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2016-2025. Đồng thời, điều đó đã chứng tỏ sự đoàn kết, thống nhất mạnh mẽ và tính tự cường của các nước, góp phần vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới.
8. Chúng tôi biểu dương nỗ lực của Việt Nam trong quá trình xây dựng dự thảo Tài liệu khái niệm về việc thiết lập kênh liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC nhằm kịp thời trao đổi thông tin và thiết lập quy trình hành động xử lý các vụ việc liên quan trong trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi đề nghị các nước thành viên ASEAN tiếp tục trao đổi dự thảo Tài liệu khái niệm nói trên tại các cuộc họp của SOMTC để thống nhất cách thức triển khai trong thời gian tới.
9. Chúng tôi biểu dương nỗ lực và vai trò tích cực của Malaysia trong việc xây dựng và thúc đẩy các tiến triển của Điều khoản tham chiếu (ToR) về SOMTC và Điều khoản tham chiếu của Nhóm công tác SOMTC về các vấn đề tội phạm xuyên quốc gia chung (WG on GTCM). Chúng tôi mong đợi việc hoàn thiện và thông qua cả hai Điều khoản tham chiếu nói trên.
10. Chúng tôi hài lòng với những tiến triển về dự thảo Tài liệu khái niệm “Lộ trình hợp tác quản lý biên giới ASEAN” do Thái Lan thực hiện.
11. Chúng tôi ghi nhận việc thông qua Kế hoạch hành động ASEAN triển khai về Kế hoạch phòng ngừa và ngăn chặn sự gia tăng của cực đoan hóa và cực đoan bạo lực giai đoạn 2019-2025 (Kế hoạch Bali) tại Hội nghị AMMTC 13 và mong đợi việc triển khai thực hiện Kế hoạch này thông qua việc tổ chức Hội thảo khu vực ASEAN về Phòng, chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực (PCRVE): “Đánh giá về các đe dọa và xu hướng mới nổi” và Hội nghị Đối tác ASEAN thực hiện Kế hoạch Bali 2019-2025 lần thứ 2 trong năm 2021.
12. Chúng tôi hoan nghênh Brunei Darussalam, nước giữ vai trò Chủ tịch sắp tới và mong đợi Hội nghị AMMTC lần thứ 15 và các Hội nghị liên quan trong năm 2021. Đây sẽ là bước khởi đầu cho việc nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN cũng đồng thời là Chủ tịch của cơ chế SOMTC và AMMTC.
13. Chúng tôi trân trọng cám ơn Bộ Công an Việt Nam đã nỗ lực thu xếp để tổ chức Hội nghị AMMTC 14 theo hình thức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử AMMTC thành công tốt đẹp trên tinh thần hữu nghị và thân ái của ASEAN./.