Vui buồn mùa nước nổi miền Tây
Nước về, người miền Tây long đong, nhọc nhằn vất vả, nhưng dẫu cơ cực vẫn bám trụ mảnh đất đồng bằng, quen dần với lũ. Họ sống chung với từng mùa nước nổi đi qua như một quy luật cơ bản để sinh tồn. Nhà ngập, nước tràn nhưng đó là sự đợi chờ nôn nao mùa cá tôm ăm ắp ruộng đồng…
Ngược dòng tìm con nước
Từ tháng 7 âm lịch, mùa nước nổi bắt đầu bằng những dòng chảy đỏ ngầu phù sa. Nước từ Biển Hồ, Campuchia theo dòng Mê Kông đổ về hạ nguồn. Khi chảy vào Việt Nam, dòng Mê Kông được chia ra làm hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu. Bao năm qua, dòng nước lũ của sông Mê Kông đã ban phát nhiều đặc ân cho con người. Nhưng mấy năm nay dường như đang cạn kiệt tài nguyên của đất trời, ngư dân đánh bắt cá linh non phải ngược dòng lên đầu con nước.
Mùa lũ năm nay về muộn hơn năm ngoái, mực nước đầu mùa ở cánh đồng chỉ độ 1 mét, giá cá linh cũng chỉ được 50.000/kg, trong khi năm ngoái là 80.000 đồng. Giá thấp, nhưng người đặt dớn, đơm đó lại tấp nập, bởi đó là thời cơ kiếm cơm dễ dàng nhất khi mà nông dân đang phải oằn mình gượng gạo với khốn khó của dịch bệnh COVID-19. Sẽ là những tháng ngày bộn bề nước lũ, ai nấy đều vất vả ngược xuôi nhưng tất cả đều vui vẻ, hừng hực sức lao động, sẵn sàng vươn mình ra sông nước.
Một sáng tháng 10, ngư dân Trần Văn Cát áo mũ chỉnh tề, tay cầm bó nhang thành kính đứng trước bậu xuồng thắp một nén tâm hương cầu xin “bà cậu” cho may mắn, lưới đầy cá, dớn đầy tôm.
Ngư dân Trần Văn Cát (45 tuổi) đã có thâm niên trên 20 năm làm nghề đón cá mùa nước nổi. Anh Cát sinh ra ở Biển Hồ, khi trở lại Việt Nam anh Cát cũng chỉ biết làm mỗi cái nghề từ thời ông nội truyền dạy. Bãi dớn của anh Cát nằm giữa cánh đồng trắng xóa nước, tại xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp là địa bàn giáp ranh với nước bạn Campuchia, nơi đầu nguồn nước lũ.
Mỗi mùa đặt dớn, anh Cát đầu tư khoảng 60 triệu tiền lưới, dớn, lợp, giây bao, xuồng chèo, máy nổ… Năm nào trúng mánh thu về hơn trăm triệu, nhưng cũng có năm thua trắng, lỗ vốn.
Nghề đặt dớn đón cá linh thất thường như dòng nước lúc đầy lúc vơi, nhưng người nông dân không nỡ bỏ vì đã quá thân thương với con nước. Một ngày của anh Cát bắt đầu từ 5 giờ sáng chạy xuồng máy đuôi tôm đặt 40 tay dớn. Công việc xong cũng là lúc mặt trời đủng đỉnh trên đầu, nắng chát chúa chói xuống mặt nước bỏng rát. Anh Cát chạy máy trở về “nhà”, là chiếc thuyền cũ đậu trên mé sông. Chiều về, khi mặt trời đỏ ửng phía chân sóng là lúc anh Cát đi thu hoạch cá.
Để gom được 40 tay dớn, anh Cát phải đầm mình dưới nước hơn 3 tiếng đồng hồ, vừa thu gom vừa lượm lặt, phân chia các loại cá thành từng món riêng biệt. Mỗi dớn đều nặng trịch tay kéo nhưng trong đó là ốc, cua, cá lau kiếng chiếm số nhiều, còn lại chỉ dăm ba lạng cá linh non đầu mùa. Thường thì người đi đặt dớn cá linh có đôi có cặp, người kéo lưới, người trên ghe nhặt cá, anh Cát chỉ có một mình nên phải kham hết.
Lội bì bõm mấy tiếng đồng hồ, hồi hộp, hy vọng vào từng mẻ dớn nhưng anh Cát đôi lần thở dài nặng nề khi phát hiện có “dớn tặc” vừa đi qua đây. Tình trạng trộm cá xảy ra vài năm nay, khi các đối tượng nhìn ra sơ hở của ngư dân. Chúng thường là thanh niên lêu lổng, thất nghiệp, thiếu ăn đói mặc nên mới làm cách đó. Giá mỗi ký cá linh non đầu mùa có bán rẻ ở chợ trời cũng được 50.000 đồng nên đã kích thích lòng tham của con người. Anh Cát buồn rầu nhưng cũng không biết phải làm sao, giữa sông nước mênh mông, lau sậy um tùm, chủ dớn chỉ cần chợp mắt đôi phút là đối tượng ra tay hốt trọn mẻ dớn rất nhanh và chuyên nghiệp.
Nước lũ về từ tháng 7 tới tháng 11 thì rút dần, lúc này cá linh non sống ẩn dật hơn ba tháng trong các cánh đồng ngập nước đã trưởng thành và bắt đầu theo nước rút lội trở ngược ra sông lớn. Cá linh trưởng thành bán rất rẻ, hơn nữa đây là thời điểm chúng đang ủ trứng để sinh sản nên ngư dân không bao giờ đánh bắt. Ngày cá ngược dòng cũng là ngày ngư dân đồng loạt dong xuồng trở về, khép lại hành trình bôn ba ngược xuôi theo dòng nước nổi.
Gánh chợ trên sông
Xen giữa đoàn người săn sản vật mùa nước nổi, không thể thiếu một “gánh chợ” trên sông. Dân gọi nghề này là gánh chợ, còn dân thương hồ gọi bằng cái tên chân chất là “nghề bán dạo”. Tiếng kèn vang xa cả khúc sông, tiếng máy nổ ì ạch chở nặng một xuồng hàng hóa đủ đầy không thiếu món nào.
Nghề chạy chợ sông nước được xem là cực khổ và hiểm nguy. Thế nhưng, vợ chồng Nguyễn Văn Quân (Hai Quân) vẫn không nề hà. Dầm mưa dãi nắng ròng rã 6 năm trời trên khắp các tuyến kênh ngang dọc vùng Đồng Tháp Mười, Hai Quân trở thành mối hàng không thể thiếu của bà con trong mỗi chuyến du cư săn cá mùa nước nổi.
Từ chiếc xuồng ba lá cũ mục èo uột chở được vài tạ hàng, đến nay, vợ chồng Hai Quân tích góp và sắm mới được chiếc ghe 4 tấn “mang chợ” bồng bềnh khắp mặt nước dọc khu vực Tam Nông, Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp. Bán buôn mùa nước nổi vừa đắt hàng lại vừa khỏe thân, con xuồng cứ rà rà mà chạy, không phải lo mắc cạn bờ đê hoặc gò kênh, không phải chạy nhảy đi nhờ vả bà con xúm vào đẩy qua.
Nước nổi, mọi con đường lưu thông đều xuôi dòng, ngay cả các nhánh kênh nhỏ hẹp, xuồng vẫn vào lọt vì nước tràn nội đồng. Ở đâu có người là vợ chồng Hai Quân đều ghé tới, cho dù người ta mua chỉ 2 ngàn hành tỏi thì vợ chồng Hai Quân đều vui vẻ nhiệt tình, tuyệt đối không nhăn nhó khó chịu. Vì ghé tới là phải bán được nên Hai Quân đã sắm đầy đủ các mặt hàng giống như ở chợ, để phục vụ bà con, nếu chẳng may người mua cần cái mình không có thì sẽ lỗ tiền dầu quay đầu.
Tiếng kèn chính là tín hiệu quen thuộc thông báo cho dân sông nước biết là xuồng chợ sắp tới. Bà con ở xa không cần gọi hay kêu mà chỉ việc hú một tiếng, Hai Quân sẽ đậu ghe lại chờ. Bạn hàng là dân xa chợ, vốn sẵn tính cởi mở, hào sảng nên việc bán buôn rất thuận lợi. Không ai trả giá và cũng chẳng một lời kỳ kèo thêm bớt, vì họ đã quá hiểu nhau, thân quen nhau qua bao mùa nước nổi.
Mùa nước nổi, bà con kiếm được nhiều cua cá và rau tự nhiên nên Hai Quân ưu tiên nhập nhiều mặt hàng trên cạn như thịt heo, thịt bò và củ quả. Mấy năm trước cảnh trao đổi hàng hóa rất xôm tụ, ví như đổi bông điên điển lấy rau cải, đổi cá lấy thịt… Hai Quân dùng các sản phẩm trao đổi đó ghé qua các khu chợ dân sinh trên bờ bán lại kiếm đồng lời. Từ hai năm nay, dân sông nước không muốn trao đổi như vậy nữa, bởi các thứ họ kiếm được đều là đặc sản, có lái buôn tới tận ruộng thu mua với giá cao.
Ghe chợ chạy tới khoảng 9 giờ tối thì tấp vào xóm chài ven kênh kiểm đếm, sắp xếp lại hàng hóa rồi nghỉ qua đêm để ngày mai tiếp tục hành trình. Mỗi ngày, vợ chồng Hai Quân chạy khoảng 20 cây số đường sông nước, sau khi trừ chi phí xăng dầu, tiền lời kiếm được dao động từ 500 -600 ngàn. Đây là khoản thu nhập chưa hao trừ số hàng hóa bị hư hỏng do quá trình va đập hoặc bị rơi rớt dọc đường con nước lớn.
Chạy chợ mùa nước nổi có nguy hiểm nhưng bù lại lợi nhuận cao, vì bán được nhiều cho dân đặt dớn và đơm lưới cá linh. Họ kiếm được tiền, thì sẽ mua hàng nhiều, đôi bên cùng có lợi. Hiểm nguy là lúc gặp mưa bão, ghe ở giữa khoảng trống mênh mông không kịp chạy vào bờ trú tránh, không kịp che đậy khiến hàng hóa bị gió mưa thổi bay tơi tả xuống nước. Lúc ấy, vợ chồng Hai Quân chỉ nghĩ đến việc bảo vệ con xuồng cho khỏi chìm hoặc lật, còn hàng hóa thì đành cắn răng chịu đựng cái còn, cái mất.
Mới đầu mùa nước nổi năm nay, vợ chồng Hai Quân gặp sự cố khi chiếc xuồng đang chạy thì đột ngột chết máy, đứng im giữa cánh đồng không một bóng người. Hai Quân trầy trật, lem luốc sửa chữa vẫn không tìm ra được “bệnh”, vợ Quân đứng trên xuồng nhìn đống thịt, cá đang dần ôi thiu mà ôm mặt khóc. Hai Quân cố gắng dùng kèn bán hàng kéo thật dài và thật lâu mong có chiếc ghe nào qua đây xin hỗ trợ. Vài lượt người tới rồi đi, không ai có chuyên môn sửa chữa xuồng máy.
Hai Quân nóng lòng, nếu không bán kịp mớ hàng chợ này trong ngày thì mất tong mấy triệu vốn. Thế là, hễ thấy con xuồng nào chạy qua, vợ chồng Hai Quân đều gào thét thật to để họ lại chỗ mình rồi năn nỉ mua giúp mớ thịt cá, vừa bán vừa cho, miễn sao bán hết. Dân đặt dớn quanh đó nghe tin bảo nhau tới “giải cứu” hàng hóa chết xuồng cho vợ chồng Hai Quân, rồi bàn tính kéo xuồng về bờ để thợ sửa chữa.
Dân sông nước là vậy, tình người từ bao đời, vốn len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Trong gian khó, tự nhiên nó sẽ tỏa sáng. Bận ấy, vợ chồng Hai Quân không bị lỗ vốn, mà còn được lời bữa cơm nóng hổi của bạn xuồng.
3 giờ sáng, vợ chồng Hai Quân trở dậy, nổ máy con xuồng đi nhập hàng tại chợ đầu mối cho kịp 5 giờ sáng là phải có mặt trên trục đường buôn bán, phục vụ bữa sáng cho bà con.
Suốt 3 tháng mùa nước nổi, vợ chồng Hai Quân không có thời gian gọi điện về thăm hai đứa nhỏ ở quê nội Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đêm ngày dọc dài theo con nước, vợ chồng đành quên đi nỗi nhớ con thơ, mong nước rút chậm, mong lũ cứ tràn bờ để giao thương thuận lợi, để đời thường vơi bớt lo toan và để cho những mùa nước sẽ mãi đong đầy nhịp sống.